Các đại biểu tham dự Hội thảo trao đổi, phân tích, đánh giá thực trạng xây dựng, ban hành các chính sách an sinh xã hội ở nước ta trong những năm qua; đánh giá công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội; việc bố trí nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội, cơ chế phân bổ nguồn, cơ chế phối hợp, lồng ghép các chính sách; phân tích kết quả, nguyên nhân của những thành công, đặc biệt là chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế và bất cập của các chính sách an sinh xã hội để kịp thời bổ sung, hoàn thiện.
Đa số đại biểu cho rằng, các chính sách an sinh xã hội ban hành trong thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả quan trọng; là mục tiêu, động lực để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định an ninh - chính trị. Hệ thống an sinh xã hội ngày càng đồng bộ, mức hỗ trợ được nâng lên, nguồn lực đầu tư phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội ngày càng lớn. Nhờ đó mà tỷ lệ đói, nghèo giảm khá nhanh. Trình độ dân trí từng bước được nâng lên rõ rệt. Tập quán và kỹ thuật sản xuất của đồng bào chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa. Tỷ lệ con em đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo, bồi dưỡng và tham gia vào công tác lãnh đạo, quản lý tăng.
Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, nguồn thu ngân sách thấp, nên việc bố trí nguồn vốn thực hiện các chính sách, chương trình an sinh xã hội gặp không ít khó khăn. Các đại biểu cho rằng, Chính phủ cần rà soát, đánh giá một cách khách quan, kịp thời sửa đổi, ban hành mới chính sách an sinh xã hội theo hướng quy định cụ thể, rõ ràng hơn về quyền hạn, trách nhiệm, cơ chế tổ chức và phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, bảo đảm việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội ở nước ta ngày một hiệu quả hơn.