Theo Báo cáo của UBND tỉnh Trà Vinh, 3 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng GDP toàn tỉnh đạt 8,05%. Nông nghiệp tiếp tục có bước phát triển; tỉnh đã xây dựng 14 mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích 3.470ha, giúp tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất và giá thành sản xuất từ đó tăng lợi nhuận 6 triệu đồng/ha so với sản xuất ngoài mô hình. Tuy nhiên, những tháng đầu năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh giảm mạnh, chỉ đạt 47,9 triệu USD so với kế hoạch đề ra là 280 triệu USD, tạo việc làm mới đạt tỷ lệ thấp... Tại tỉnh Vĩnh Long, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tiếp tục ổn định, sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là chỉ số tồn kho ngành công nghiệp của Vĩnh Long hiện tăng khá cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Giàu và Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế đánh giá cao vị trí, vai trò của Trà Vinh và Vĩnh Long trong việc đóng góp vào kết quả phát triển KT - XH chung của toàn vùng Tây Nam bộ và của cả nước; ghi nhận và đánh giá cao quyết tâm chính trị của các tỉnh này trong việc nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển KT - XH trong thời gian qua. Cho rằng, diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới đang tác động mạnh đến kinh tế trong nước, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu đề nghị, Trà Vinh và Vĩnh Long cần nỗ lực hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người nông dân; chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện cơ chế mua lúa tạm trữ, bảo đảm thu nhập thực tế và đời sống cho người nông dân. Bên cạnh đó, cần tổng kết thực tiễn triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn, hướng tới khuyến khích triển khai nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết chặt chẽ, bền vững, tạo ra giá trị gia tăng cao, nhằm tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Đối với các dự án, công trình hạ tầng giao thông mang tính trọng điểm, tạo sức bật và hiệu ứng lan tỏa không chỉ trong địa bàn tỉnh mà đối với toàn vùng, cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa bộ, ngành với địa phương chủ động và chặt chẽ hơn, bảo đảm đầu tư tập trung, hiệu quả, hạn chế tối đa tình trạng đầu tư dang dở, lãng phí; đồng thời gắn kết chặt chẽ với quá trình ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng.