Tọa đàm gồm các đại biểu là các chuyên gia kinh tế và đại diện các bộ, ngành liên quan, thảo luận xoay quanh các vấn đề về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021, giải pháp cho 6 tháng cuối năm; Nghị quyết 142/2016 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020; xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại buổi tọa đàm:
Quang cảnh buổi tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia kinh tế và đại diện các hiệp hội về tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội.
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm.
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cám ơn các đại biểu tham dự, giúp Ủy ban có những thông tin, dữ liệu cần thiết để hoàn thiện các báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tháng 6 và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ nhất của Khóa XV.
Gợi mở nội dung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị các đại biểu đánh giá về kết quả đạt được, trong đó có vấn đề gì nổi bật, cần quan tâm nhấn mạnh, biểu dương trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp để tiếp tục phát huy trong thời gian tới.
Về kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị các đại biểu thảo luận, đánh giá kỹ các chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu của Nghị quyết 142 như thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ lao động qua đào tạo. “Đây có phải là vấn đề ảnh hưởng đến cải thiện năng suất lao động, đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 hay không?”.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu nhận định, 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP chưa đạt mục tiêu, giải ngân vốn cho đầu tư công còn chậm, trong đó vốn nước ngoài giải ngân thấp, chỉ đạt 2,97%.
Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh và người dân gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 23%. Nguyên nhân chính là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên công tác điều hành, chỉ đạo của một số cơ quan và địa phương vẫn còn chậm.
Đồng tình với các nhóm vấn đề Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu ra, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng cần phải phân tích kỹ hơn về chất lượng tăng trưởng. “Tăng trưởng có bền vững không? Năm nay rất cao, năm khác rất thấp, như vậy chưa tốt. Khả năng chống chịu của nền kinh tế với các biến cố bên ngoài cũng vậy. Nợ công, nợ nước ngoài… nếu không điều chỉnh lại cách tính GDP thì đều đã chạm ngưỡng Quốc hội cho phép”.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm.
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Quốc hội và Chính phủ cần quan tâm đánh giá cả 3 trụ cột: phòng chống dịch, tăng trưởng kinh tế và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận định, còn rất nhiều điểm mờ, thậm chí “không màu” trên bức tranh chung về doanh nghiệp Việt Nam. Và đây là trở ngại lớn khi thiết kế các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Dự báo tình hình thế giới 6 tháng cuối năm còn diễn biến phức tạp, triển vọng tăng trưởng kinh tế cuối năm còn nhiều khó khăn, thách thức, để hoàn thành cao nhất các mục tiêu Quốc hội đã giao, chính phủ cần tập trung giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực, tập trung phát triển hạ tầng số, logistics, giao thông và năng lượng.