PHÓ TRƯỞNG TIỂU BAN NHÂN SỰ NGUYỄN THỊ THANH: QUY ĐỊNH THỜI GIAN BỎ PHIẾU Ở CÁC ĐỊA PHƯƠNG ĐANG GIÃN CÁCH

18/05/2021

Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH, Phó Trưởng Tiểu ban Nhân sự Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Thanh thông tin rõ hơn về quy định thời gian bỏ phiếu ở các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội cũng như những trường hợp được Hội đồng bầu cử quốc gia cho bỏ phiếu sớm hoặc hoãn ngày bỏ phiếu.

 

Chỉ còn ít ngày nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam có cuộc phỏng vấn với Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Uỷ viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH, Phó Trưởng Tiểu ban Nhân sự Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Thanh về quy định thời gian bỏ phiếu ở các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội cũng như những trường hợp được Hội đồng bầu cử quốc gia cho bỏ phiếu sớm hoặc hoãn ngày bỏ phiếu.

Phóng viên: Thưa Bà, người dân cần lưu ý gì về quy định thời gian bỏ phiếu ở các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, nơi đang bị phong tỏa do dịch bệnh Covid-19?

Phó Trưởng Tiểu ban Nhân sự Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Thanh: Theo quy định của pháp luật về bầu cử, thời gian bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 được thực hiện từ 7h sáng đến 19h tối ngày 23/5/2021. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 21h giờ tối cùng ngày.

Phó Trưởng Tiểu ban Nhân sự Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Thanh:

Trong trường hợp địa phương đang thực hiện giãn cách, cần có nhiều thời gian hơn để tránh tập trung đông người tại cùng một thời điểm thì Tổ bầu cử nắm bắt số lượng cử tri, tình hình dịch bệnh tại từng khu dân cư để phân chia thời gian bỏ phiếu thích hợp và có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu theo quy định trên.

Đối với những nơi đang bị phong tỏa, Tổ bầu cử có thể thiết lập một điểm bầu cử bổ sung và phân công thành viên của Tổ bầu cử, hoặc huy động, trưng tập nhân sự phù hợp tại chính địa điểm phong tỏa, hoặc có biện pháp bảo hộ đối với nhân sự phục vụ bầu cử từ bên ngoài khu vực phong tỏa để thực hiện nhiệm vụ. Khi đó, lưu ý lựa chọn nhân sự phù hợp, có kinh nghiệm, hiểu biết pháp luật về bầu cử tham gia hỗ trợ tổ chức phụ trách bầu cử, đồng thời, áp dụng công nghệ thông tin để tập tuấn nghiệp vụ cho các thành viên mới, nhân sự hỗ trợ bầu cử. 

Phóng viên: Trog những trường hợp nào thì Hội đồng bầu cử quốc gia cho bỏ phiếu sớm, thưa Bà?

Phó Trưởng Tiểu ban Nhân sự Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Thanh: Theo Nghị quyết số 133, ngày bầu cử năm được ấn định trên phạm vi toàn quốc là ngày Chủ nhật, 23/5/2021. Tuy nhiên, Ủy ban bầu cử căn cứ tình hình tại địa phương, đặc biệt là yếu tố địa lý, địa hình và yêu cầu nhiệm vụ đặc thù của lực lượng công an, quân đội, biên phòng trong việc bảo đảm an ninh trật tự trong ngày bầu cử để trình Hội đồng bầu cử quốc gia cho phép một số khu vực bầu cử được phép bỏ phiếu sớm hoặc hoãn ngày bỏ phiếu.

Hiện nay, Hội đồng bầu cử quốc gia đã đồng ý với đề nghị được phép bầu cử sớm tại một số khu vực bỏ phiếu của 15 tỉnh, thành phố. Trong đó có một số khu vực tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã bắt đầu bỏ phiếu từ ngày 04/5/2021, một số khu vực bỏ phiếu tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và 06 xã biên giới, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đã bắt đầu bỏ phiếu từ ngày 16/5/2021. Các địa phương còn lại được chấp thuận để tiến hành bỏ phiếu sớm hơn 01 hoặc 02 ngày so với ngày bầu cử đã được ấn định. Đa số các đơn vị bầu cử sớm là thuộc khu bỏ phiếu riêng của lực lượng vũ trang.

Phóng viên: Khi cho phép một số khu vực bầu cử sớm thì có ảnh hưởng gì đến kết quả kiểm phiếu chung không, thưa Bà?

Phó Trưởng Tiểu ban Nhân sự Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Thanh: Điều 1 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã quy định các nguyên tắc bầu cử, đó là phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Các nguyên tắc trên phải được áp dụng trong mọi quy trình, thủ tục về bầu cử và được các tổ chức, cá nhân có liên quan đến quy trình bầu cử, từ các cơ quan, tổ chức phụ trách bầu cử, các thành viên tham gia tổ bầu cử và với tất cả cử tri. Mặc dù có một số khu vực được bỏ phiếu sớm đề phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, từng đối tượng cử tri nhưng vẫn phải bảo đảm nguyên tắc bầu cử và tuyệt đối không được ảnh hưởng đến kết quả chung của đơn vị bầu cử.

Phó Trưởng Tiểu ban Nhân sự Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Thanh

Ngay sau khi ban hành văn bản đồng ý cho phép bầu cử sớm tại một số địa phương, Hội đồng bầu cử quốc gia đã ban hành văn bản số 193 hướng dẫn về việc tổ chức bầu cử ở các khu vực bỏ phiếu sớm. Theo đó, Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố và các cơ quan, tổ chức ở địa phương khẩn trương lên kế hoạch, phương án tổ chức việc bỏ phiếu sớm và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử. Các tổ bầu cử phải thường xuyên thông báo cho cử tri thuộc khu vực bỏ phiếu sớm biết về ngày bầu cử sớm đã được Hội đồng bầu cử quốc gia xác định, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu.

Ngoài các quy định chung tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thì công tác kiểm phiếu, bảo quản hòm phiếu, phiều bầu tại các khu vực bỏ phiếu sớm được hướng dẫn phù hợp với từng khu vực bỏ phiếu. Có những khu vực bỏ phiếu chỉ thực hiện bỏ phiếu sớm đối với một nhóm cử tri, ví dụ như 37 sỹ quan, chiến sỹ được Bộ Quốc phòng tăng cường thực hiện nhiệm vụ trên khu vực vùng biển thuộc tỉnh Bạc Liêu, hoặc tại một số khu vực bỏ phiếu thuộc thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có đặc thù vừa bỏ phiếu tại các địa điểm trên bờ, vừa bỏ phiếu tại các giàn khoan, công trình biển, các đơn vị đội tàu đang làm nhiệm vụ trên biển. Do vậy, căn cứ vào tính đặc thù riêng của từng khu vực bỏ phiếu, Ủy ban bầu cử sẽ chỉ đạo thực hiện hoặc xin ý kiến Hội đồng bầu cử quốc gia có hướng dẫn chi tiết, cụ thể để thực hiện đúng pháp luật về bẩu cử và bảo đảm quyền lợi của cử tri, của các ứng cử viên.  

Phóng viên: Hiện nay, tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp thì có tính đến phương án hoãn ngày bầu cử không, thưa Bà?

Phó Trưởng Tiểu ban Nhân sự Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Thanh: Theo quy định tại Điều 72 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thì Hội đồng bầu cử quốc gia có thẩm quyền quyết định cho phép hoãn ngày bầu cử trên cơ sở đề nghị của Ủy ban bầu cử. Tình hình dịch bệnh, thiên tai… cũng có thể được xem là một trong các yếu tố để Ủy ban bầu cử cân nhắc, đề nghị Hội đồng bầu cử quốc gia cho phép hoãn ngày bầu cử.

Pháp luật về bầu cử không quy định về thời hạn được hoãn ngày bầu cử vì điều đó còn phụ thuộc vào lý do hoãn và khả năng khắc phục từ thực tế. Tuy nhiên, Điều 79, Điều 80 Luật Bầu cử có quy định về việc trong tình trạng phải bầu cử thêm, bầu cử lại thì thời gian được tiến hành chậm nhất là 15 ngày sau ngày bầu cử đầu tiên. Trong trường hợp thật sự cần thiết bắt buộc phải hoãn ngày bầu cử thì Hội đồng bầu cử quốc gia vận dụng quy định này để xác định thời gian được phép hoãn bỏ phiếu.

Đến nay, Hội đồng bầu cử quốc gia chưa nhận được văn bản đề nghị về vấn đề này. Đây là thông tin đáng mừng thể hiện sự quyết tâm cao của các địa phương trong việc hướng tới ngày hội chung của toàn dân. Với tinh thần vừa phòng chống dịch, vừa để cao ý nghĩa chính trị của ngày bầu cử, tôi tin tưởng với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành, các địa phương, ngày bầu cử vẫn được thực hiện theo đúng kế hoạch, không phải hoãn ngày bầu cử tại khu vực bỏ phiếu nào.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bà!

Theo trang Hội đồng bầu cử quốc gia