HÒA BÌNH: TÍCH CỰC TUYÊN TRUYỀN SÂU RỘNG, ĐẢM BẢO AN NINH, THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CHO NGÀY BẦU CỬ

05/05/2021

Tích cực tuyên truyền sâu rộng, tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng chính trị và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội để tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn tỉnh thành công.

Toàn cảnh cuộc chia sẻ của Ông Bùi Đức Hinh với phóng viên Truyền hình Quốc hội VN

Tích cực tuyên truyền sâu rộng, tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng chính trị và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội để tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn tỉnh thành công là quyết tâm của tỉnh Hòa Bình được Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Hòa Bình chia sẻ trong cuộc trò chuyện với phóng viên Truyền hình Quốc hội VN.

Phóng viên: Thưa ông, từ những điểm mới trong công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tỉnh Hòa Bình đã có sự triển khai cụ thể như thế nào và công tác tuyên truyền tới người dân được thực hiện ra sao?

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Hòa Bình Bùi Đức Hinh: Về một số điểm mới trong công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020. Trong đó liên quan công tác bầu cử về số lượng đại biểu giảm từ 10% đến 15% số lượng đại biểu HĐND ở từng loại hình đơn vị hành chính, cụ thể đối với tỉnh Hòa Bình:

+ Đại biểu HĐND tỉnh Hòa Bình nhiệm kỳ này được bầu 58 đại biểu (giảm 03 đại biểu so với nhiệm kỳ trước).

+ Đại biểu HĐND cấp huyện nhiệm kỳ này được bầu 333 đại biểu (giảm 51 đại biểu so với nhiệm kỳ trước - một phần do giảm 01 đơn vị hành chính cấp huyện so với trước).

+ Đại biểu HĐND cấp xã 3.323 đại biểu (giảm 1.971 đại biểu so với nhiệm kỳ trước - một phần do giảm 59 đơn vị hành chính cấp xã so với trước).

Công tác tuyên truyền bầu cử tại tỉnh Hòa Bình được triển khai thống nhất dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng và Hội đồng bầu cử quốc gia; tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng về công tác bầu cử, phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ; nâng cao nhận thức trong cán bộ đảng viên và nhân dân về quyền và nghĩa vụ của công dân trong lựa chọn, giới thiệu, bầu ra những người đủ đức, đủ tài, thực sự tiêu biểu, gắn bó với nhân dân, thực sự xứng đáng là đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; gắn với triển khai thực hiện nhiệm vụ của đất nước, của địa phương, đơn vị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hòa Bình thực hiện tuyên truyền sâu rộng, tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng chính trị và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội để tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn tỉnh đạt kết quả cao, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.

Thông qua tuyên truyền bầu cử góp phần tích cực vào việc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ông Bùi Đức Hinh chia sẻ một số nội dung

Phóng viên: Việc đảm bảo an ninh, an toàn trong ngày bầu cử của tỉnh Hòa Bình đang được quan tâm thực hiện như thế nào thưa ông ?

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Hòa Bình Bùi Đức Hinh: Để đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trước, trong và sau ngày cuộc bầu cử trên địa bàn; tỉnh Hòa Bình đã ban hành kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự và y tế phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; trong đó:

Chủ động nắm chắc tình hình liên quan đến an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh; phát hiện và ngăn chặn kịp thời những âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, phản động và tội phạm, đảm bảo an toàn tuyệt đối an ninh, an toàn cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 trên địa bàn tỉnh; không để xảy ra bị động, bất ngờ về an ninh trật tự, khủng bố, biểu tình, phá rối an ninh, cháy, nổ... làm ảnh hưởng đến các hoạt động của cuộc bầu cử. Tổ chức tốt công tác y tế phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch bệnh Covid-19, không để ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị, tổ chức cuộc bầu cử. Công tác chỉ huy, chỉ đạo bảo đảm an ninh, trật tự thực hiện tập trung, thống nhất; phát huy vai trò, trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ và nguồn lực tổng hợp của các cấp, các ngành trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ cuộc bầu cử. Hiện nay, công tác đảm bảo an ninh, trật tự và y tế trên địa bàn tỉnh đều thực hiện tốt; không có điểm nóng về an ninh, trật tự và y tế.

Phóng viên: Sau 3 vòng hiệp thương, danh sách các ứng cử viên tại tỉnh Hòa Bình đã có, thời gian tới, công tác tiếp theo chuẩn bị cho bầu cử sẽ được tiến hành như thế nào thưa ông?

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Hòa Bình Bùi Đức Hinh: Cho đến nay Ủy ban bầu cử tỉnh Hòa Bình tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, như:

(1) Tổ chức tuyên truyền kịp thời, sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; nội dung cơ bản của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; nội dung cơ bản của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân để nâng cao ý thức làm chủ, tinh thần tự giác của mọi công dân, cơ quan, tổ chức trong thực hiện công tác bầu cử.

(2) Có kế hoạch triển khai cụ thể, nhằm bảo đảm giao thông và thông tin liên lạc thông suốt trong quá trình chuẩn bị, tổ chức bầu cử, đặc biệt trước và trong ngày bầu cử 23 tháng 5 năm 2021.

(3) Có phương án triển khai lực lượng bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trong suốt quá trình chuẩn bị, tổ chức cuộc bầu cử, đặc biệt chú trọng bảo đảm an ninh, trật tự tại những địa bàn trọng điểm, khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh.

(4) Bảo đảm kinh phí được sử dụng đúng mục đích, yêu cầu, tiết kiệm và hiệu quả.

(5) Xây dựng các phương án chủ động ứng phó với những tình huống thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra trong thời gian tiến hành cuộc bầu cử.

(6) Chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân trước, trong và sau cuộc bầu cử (nếu có).

(7) Kịp thời niêm yết danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo quy định.

(8) Tổ chức tốt công tác tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử đảm bảo đúng quy định.

(9) Giải quyết kịp thời những khiếu nại của cử tri đối với danh sách cử tri theo quy định.

(10) Chuẩn bị các điều kiện về vật chất, tài liệu và phương tiện kỹ thuật phục vụ tốt cuộc bầu cử. Đặc biệt là in và cấp phát, niêm yết tiểu sử tóm tắt, danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trên địa bàn.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Theo Trang Hội đồng bầu cử Quốc gia

(Theo Trang Hội đồng bầu cử Quốc gia)