NGUYÊN THỨ TRƯỞNG, PHÓ CHỦ NHIỆM UỶ BAN DÂN TỘC HOÀNG XUÂN LƯƠNG: CẦN CHÍNH SÁCH RIÊNG CHO ĐẠI BIỂU NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ

04/05/2021

Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hoàng Xuân Lương cho rằng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với những đặc điểm riêng, nhà nước cần tạo chính sách riêng trong tiếp xúc cử tri cũng như giám sát để đảm bảo đại biểu lắng nghe được tiếng nói của cử tri mà mình đại diện.

 

Phóng viên: Thưa ông Hoàng Xuân Lương, hoạt động của đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số có gì khác biệt ?

Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hoàng Xuân Lương: Đại biểu người dân tộc thiểu số khác với đại biểu người dân tộc Kinh rất nhiều vì hoạt động trên địa bàn quá khó khăn cho nên từ việc quy mô, thời điểm tiếp xúc cử tri cũng khác. Trình độ dân trí, trình độ ngôn ngữ tiếng kinh của đồng bào dân tộc số còn hạn chế nên nếu cứ tiếp xúc theo định kỳ chung của Quốc hội, tiếp xúc thông qua hội nghị thì đại biểu không thể nắm rõ được tâm tư nguyện vọng của cử tri vì đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn trong biểu đạt nguyện vọng của mình.

Điều này cũng tương tự với hoạt động giám sát của các đại biểu đại diện cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nếu cứ thông qua hội nghị và báo cáo không thể đánh giá đủ tình hình thực tiễn ở các vùng này.

Phóng viên: Theo ông, với những điểm khác biệt trêm, cần giải pháp gì để các đại biểu người dân tộc thiểu số hoạt động có hiệu quả?

Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hoàng Xuân Lương: Hội đồng dân tộc của Quốc hội khi bồi dưỡng các kỹ năng cho đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số phải rất cụ thể. Ví dụ như kỹ năng tiếp xúc cử tri, kỹ năng tổng hợp ý kiến cử tri,  kỹ năng giám sát. Cần phải có giải pháp để đổi mới kể cả phương thức tiếp xúc cử tri và cả trong giám sát của đại biểu người dân tộc thiểu số, tạo điều kiện để đại biểu người dân tộc thiểu số tiếp cận với dân một cách sát hơn, đến tận thôn bản thậm chí đến từng hộ gia đình, vì vậy nhà nước cần có chính sách riêng cho đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số để đủ điều kiện lắng nghe ý kiến thực sự của dân.

Phóng viên: Nhiệm kỳ khoá XIV, hoạt động của Quốc hội cũng đánh dấu nhiều bước tiến trong công tác dân tộc, theo ông, đại biểu Quốc hội khoá XV cần làm gì để kế thừa các thành quả trong nhiệm kỳ vừa qua?

Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hoàng Xuân Lương: Là người làm chính sách dân tộc trong nhiều năm, tôi đánh giá rất cao thành quả về việc ban hành các chính sách dân tộc của Quốc hội khóa XIV. Tôi cho rằng học được bài học này là điều rất quan trọng cho các đại biểu người dân tộc thiểu số trong Quốc hội khóa XV.

Các đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số khóa XV trước hết phải học tập kinh nghiệm của đại biểu người dân tộc thiểu số khóa XV. Tôi đề nghị Lãnh đạo Hội đồng dân tộc của Quốc hội phải tổng kết các bài học thành công của Hội đồng dân tộc của Quốc hội khóa XV để từ đó bồi dưỡng lại cho đại biểu người dân tộc thiểu số của khóa XV.

Bên cạnh đó mặc dù đã có các Nghị quyết, các chính sách dân tộc được ban hành một cách đột phá nhưng việc cụ thể hoá thành từng dự án và quá trình triển khai trong thực tiễn vẫn còn nhiều khó khăn, làm sao để sát với cuộc sống đồng bào, không chồng chéo giữa các bộ ngành, giữa các chương trình mục tiêu, việc bố trí nguồn lực... đó là những vấn đề mà các đại biểu người dân tộc thiểu số trong khoá XV cần phải nỗ lực để thực hiện.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

(Theo Trang TTĐT Hội đồng bầu cử quốc gia)