THỰC HIỆN LUẬT GIÁO DỤC (SỬA ĐỔI): CÁC ĐỊA PHƯƠNG SẮP ĐƯỢC ĐẶT HÀNG, ĐẤU THẦU ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN THEO NHU CẦU XÃ HỘI

29/04/2021

Bộ GD&ĐT vừa có công văn hướng dẫn các tỉnh, thành phố; các cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ nhằm chi tiết các quy định tại khoản 4 Điều 85 Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2019.

Nghị định số 116/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 25/9/2020 quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (Nghị định 116) để hướng dẫn chi tiết các quy định tại khoản 4 Điều 85 Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2019 đã được Quốc hội chính thức thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Theo đó, khoản 4 của Điều 85 Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2019 nhấn mạnh đến việc học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo. Học sinh, sinh viên sư phạm được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Nghị định 16/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020 và áp dụng bắt đầu từ khóa tuyển sinh năm học 2021 - 2022. Trước khi Nghị định này ra đời, Luật Giáo dục năm 2005 quy định sinh viên sư phạm không phải đóng học phí, Nhà nước miễn học phí cho sinh viên sư phạm thông qua cơ chế cấp ngân sách trực tiếp cho các cơ sở đào tạo giáo viên (thường gọi là kinh phí cấp bù sư phạm). Tuy nhiên, sau 15 năm thực hiện chính sách này đã bộc lộ một số nhược điểm sau: Sử dụng ngân sách chưa đảm bảo hiệu quả do sinh viên ra trường không làm đúng ngành; việc cấp chi thường xuyên cho cơ sở đào tạo sư phạm chưa đảm bảo định mức chi phí đào tạo dẫn đến thiếu nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm đặc biệt trong nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, không công bằng với các ngành học khác, không thu hút được học sinh khá, giỏi vào ngành sư phạm; việc đào tạo không gắn với nhu cầu sử dụng.


Các địa phương sắp được đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội (ảnh minh họa).

Từ những lý do trên, Nghị định 116/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành nhằm hướng đến các mục tiêu. Thứ nhất, đào tạo sinh viên sư phạm gắn chặt với nhu cầu sử dụng và tuyển dụng giáo viên tại các địa phương dựa trên cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu đào tạo sinh viên sư phạm của các địa phương với các cơ sở đào tạo và quy định gắn trách nhiệm của các địa phương từ nhu cầu đến đặt hàng đào tạo, việc bố trí, sử dụng sinh viên sau tốt nghiệp nhằm tránh tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thực trạng sinh viên sư phạm ra trường làm trái ngành nghề đào tạo đang diễn ra.

Thứ hai, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước thông qua việc cấp đúng đối tượng, đảm bảo mục tiêu hỗ trợ cho sinh viên sư phạm làm đúng ngành sư phạm, sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước thông qua quy định sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ.

Thứ ba, xây dựng mức hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm hợp lý bảo đảm đủ tiền đóng học phí và cơ bản đủ chi trả chi phí sinh hoạt tối thiểu để sinh viên yên tâm theo học ngành đào tạo giáo viên, đồng thời thu hút được sinh viên giỏi vào học và công tác trong ngành giáo dục, thúc đẩy chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Thứ tư, cho phép các cơ sở đào tạo giáo viên được thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu hoặc đào tạo theo nhu cầu xã hội để đảm bảo công bằng với việc đào tạo các ngành khác, thúc đẩy việc tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo giáo viên.

Đặt hàng và nhận đặt hàng đào tạo giáo viên đáp ứng nhu cầu sử dụng của địa phương

Để thực hiện phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn triển khai một số nội dung. Trong đó, hướng dẫn rõ việc đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên.  Theo đó, UBND cấp tỉnh lựa chọn cơ sở đào tạo giáo viên và hoàn thành hồ sơ dự kiến đặt hàng đào tạo giáo viên của địa phương với các cơ sở đào tạo giáo viên trên cơ sở các thông tin về tuyển sinh và đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên.

Việc đặt hàng đào tạo đối với các cơ sở đào tạo giáo viên (dự kiến 3 phương án) để đào tạo giáo viên đáp ứng nhu cầu sử dụng của địa phương, trên cơ sở số lượng chỉ tiêu đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng của địa phương đã báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo (trừ số lượng chỉ tiêu đã giao nhiệm vụ cho cơ sở đào tạo giáo viên trực thuộc nếu có), đảm bảo phù hợp với năng lực đào tạo của từng cơ sở đào tạo giáo viên và phù hợp với nhu cầu, kế hoạch sử dụng giáo viên của địa phương.

UBND cấp tỉnh phải có dự kiến phương án và giải pháp xử lý trong trường hợp số lượng sinh viên đăng ký về địa phương vượt quá dự kiến nhu cầu đào tạo của địa phương hoặc trường hợp thiếu sinh viên trúng tuyển đăng ký về địa phương so với nhu cầu đào tạo để sử dụng của địa phương. Bên cạnh đó là lập danh sách đặt hàng đào tạo gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo để Bộ và các cơ sở đào tạo giáo viên tổng hợp thông tin, hỗ trợ các UBND cấp tỉnh trong việc điều phối lựa chọn các cơ sở đào tạo giáo viên để đặt hàng đào tạo sao cho phù hợp nhu cầu của địa phương, nguồn tuyển sinh, năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo giáo viên;

Việc đặt hàng sơ bộ việc đào tạo giáo viên theo nhu cầu sử dụng với các cơ sở đào tạo giáo viên trên cơ sở thông tin hỗ trợ điều phối được công khai trên cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, việc đặt hàng chính thức việc đào tạo giáo viên theo nhu cầu sử dụng của địa phương với các cơ sở đào tạo giáo viên sau khi có kết quả sinh viên đăng ký hưởng hỗ trợ và cam kết về địa phương, đảm bảo theo quy định tại Nghị định 116 và các quy định hiện hành của pháp luật.        

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng hướng dẫn rõ việc đấu thầu và tham gia đấu thầu đào tạo giáo viên đáp ứng nhu cầu sử dụng của địa phương. Theo đó, UBND cấp tỉnh tổ chức đấu thầu việc đào tạo giáo viên của địa phương với các cơ sở đào tạo giáo viên theo số lượng chỉ tiêu đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng của địa phương đã báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo (trừ số lượng chỉ tiêu đã giao nhiệm vụ cho cơ sở đào tạo giáo viên trực thuộc nếu có và trừ số chỉ tiêu đào tạo nếu đã đặt hàng đào tạo), đảm bảo phù hợp với năng lực đào tạo của từng cơ sở đào tạo giáo viên và phù hợp với nhu cầu, kế hoạch sử dụng giáo viên của địa phương. Việc đấu thầu và tham gia đấu thầu để đào tạo giáo viên theo nhu cầu sử dụng của các địa phương thực hiện theo quy định hiện hành.

Cơ sở đào tạo giáo viên hướng dẫn, thông báo tới sinh viên trúng tuyển về chỉ tiêu đào tạo được các địa phương giao nhiệm vụ, đặt hàng (hoặc đấu thầu), các thông tin khác liên quan đến việc giao nhiệm vụ, đặt hàng (hoặc đấu thầu) của địa phương để sinh viên trúng tuyển đăng ký, cam kết tham gia học tập và công tác theo nhu cầu đào tạo và sử dụng giáo viên của địa phương ngay sau khi có kết quả trúng tuyển đối với mỗi đợt tuyển sinh của cơ sở đào tạo giáo viên.

Sinh viên nộp đơn đề nghị hưởng hỗ trợ và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt đến cơ sở đào tạo giáo viên và có thể đề nghị được hưởng hỗ trợ và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt theo thứ tự nguyện vọng (ghi rõ thứ tự nguyện vọng) đối với các địa phương có nhu cầu tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp về làm việc tại địa phương theo hình thức nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc trực tuyến (nếu có) trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo trúng tuyển. UBND cấp tỉnh xét chọn, cơ sở đào tạo giáo viên thông báo cho sinh viên kết quả xét chọn của UBND cấp tỉnh trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc nhận đơn đăng ký của sinh viên.

Kế hoạch thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên  

Các thông tin liên quan đến giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên phải được công khai tại các trang thông tin điện tử của các địa phương, Bộ, ngành có liên quan, cơ sở đào tạo giáo viên và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người học tham khảo, lựa chọn và cam kết tham gia học tập, công tác theo nhu cầu đào tạo và sử dụng giáo viên của địa phương.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổng hợp và công khai danh sách, năng lực đào tạo trong năm tuyển sinh của các cơ sở đào tạo giáo viên; chỉ tiêu đào tạo, điểm trúng tuyển theo ngành đào tạo (2 năm liền kề năm tuyển sinh) của các cơ sở đào tạo giáo viên để UBND cấp tỉnh, người học tham khảo, lựa chọn ngành đào tạo, cơ sở đào tạo trong nhiệm vụ đặt hàng đào tạo giáo viên theo nhu cầu của địa phương. Bộ sẽ xác định và thông báo chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo giáo viên; công khai danh sách, năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên trên Cổng tin của Bộ trước ngày 15/5/2021. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ thông báo các thông tin hỗ trợ tới các địa phương và các cơ sở đào tạo giáo viên trước ngày 30/5/2021. UBND cấp tỉnh hoàn thành giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên đối với cơ sở đào tạo giáo viên trước ngày 15/6/2021. Các cơ sở đào tạo giáo viên báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo kết quả thực hiện việc đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 trước ngày 31/12/2021./.

Bích Lan