Bộ trưởng Lê Thành Long báo cáo một số nội dung tại Kỳ họp thứ 10
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, đối với các quy định về kiểm tra chuyên ngành, đã rà soát 157 văn bản (gồm 20 luật, 46 nghị định của Chính phủ, 06 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 85 thông tư, thông tư liên tịch) liên quan đến kiểm tra chuyên ngành trong các lĩnh vực quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh (tập trung vào một số lĩnh vực như: an toàn thực phẩm, dược, thú y, thủy sản, trồng trọt, kiểm dịch thực vật, chăn nuôi, giao thông, năng lượng, môi trường, khoáng sản, đa dạng sinh học, đo đạc, bản đồ, an ninh, thông tin truyền thông); phát hiện một số quy định chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập, không phù hợp thực tiễn như sau:
Về quy định trách nhiệm của tổ chức sử dụng mã số mã vạch (MSMV) của Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trên thực tiễn và không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nghị định số 74/2018/NĐ-CP (khoản 2 Điều 19b) quy định: “Đối với tổ chức hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam sử dụng mã nước ngoài theo chuẩn của tổ chức mã số, mã vạch quốc tế GS1: Phải được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc được chủ sở hữu của mã nước ngoài ủy quyền sử dụng; Trường hợp được chủ sở hữu mã nước ngoài ủy quyền sử dụng, tổ chức phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để được xác nhận việc sử dụng mã nước ngoài.”
Tuy nhiên, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007; Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa không có quy định về nội dung này. Mặt khác, MSMV chỉ có thông tin về doanh nghiệp sở hữu sản phẩm, mã sản phẩm cụ thể và quốc gia của doanh nghiệp sở hữu sản phẩm đó. Việc đưa MSMV vào Nghị định gây hiểu nhầm rằng MSMV cho biết về chất lượng sản phẩm. Thực tế các nước nhập khẩu hiện nay và Tổ chức GS1 Quốc tế đều không có quy định yêu cầu hàng xuất khẩu sang nước khác phải có giấy xác nhận của Cơ quan có thẩm quyền Việt Nam đối với việc sử dụng mã đăng ký ở nước ngoài. Thông lệ thương mại xuất nhập khẩu thế giới ngoài quy định về nhãn mang tính bắt buộc thì trong quản lý hàng hóa theo chuỗi của các chủ hàng, các công ty này trong nhiều trường hợp sẽ yêu cầu cơ sở sản xuất in thêm MSMV hoặc mã QR lên bao bì hàng hóa mà họ (chủ hàng) đặt mua. Do đó, quy định nêu trên của Nghị định số 74/2018/NĐ-CP làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, làm gia tăng thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Phương án xử lý là nghiên cứu bãi bỏ quy định về mã số mã vạch và quản lý mã số mã vạch tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, qua rà soát cho thấy, một số văn bản quy định về mã số HS (HS code) đối với các danh mục hàng hóa phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành chưa được ban hành.
Cụ thể như: Danh mục loài, chủng loại dược liệu quý, hiếm, đặc hữu phải kiểm soát tại Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược; Danh mục pháo hoa, thuốc pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa tại Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo; các Danh mục hàng hóa tại Phụ lục VIII, IX, X Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản; các Danh mục hàng hóa tại Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định về danh mục chất ma túy và tiền chất; Danh mục tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ tại Nghị định số 36/2008/NĐ-CP ngày 28/3/2008 của Chính phủ về việc quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ; Danh mục chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân tại Thông tư số 08/2010/TT-BKHCN ngày 22/7/2010 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn về việc khai báo, cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ và cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ; Danh mục mẫu các chất ma túy kèm tại Thông tư số 57/2012/TT-BCA ngày 18/9/2012 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thi hành việc nhập khẩu, quản lý, sử dụng, tiêu hủy mẫu các chất ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh; Danh mục vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ tại Thông tư số 16/2018/TT-BCA ngày 15/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 21/2019/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2018/TT-BCA ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, phương án xử lý bất cập này là đề nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành mã số HS để bảo đảm thực hiện thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và các cơ quan liên quan trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành./.