GÓP Ý DỰ THẢO VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẢNG LẦN THỨ XIII: CỤ THỂ CÁC NỘI DUNG ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

28/01/2021

Hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về các dự thảo Văn kiện trình tại Đại hội.

Thảo luận ở Tại tổ 18 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, Kon Tum và Khánh Hòa, dưới sự chủ trì của Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Khắc Định, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra góp ý vào các nội dung cụ thể để có định hướng phát triển trong giai đoạn tới như vấn đề xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế biển, định hướng phát triển ngành y tế, xây dựng nhà nước pháp quyền…

Đại biểu Đỗ Trọng Hưng: Cần chỉ ra những mặt chưa được trong xây dựng nông thôn mới

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nêu rõ, bên cạnh những thành tích, kết quả trong xây dựng nông thôn mới cũng phải nêu ra những vấn đề thấy chưa thật yên tâm. Đại biểu nêu rõ, so vào Nghị quyết Đại hội, nhiều tỉnh, thành phố thì mục tiêu xã đạt chuẩn nông thôn mới đều vượt kế hoạch nhưng tính bền vững không cao. Thời gian qua, công tác thẩm định, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, có nơi, có chỗ còn nể nang, gượng ép. Một số tiêu chí hoàn thành ở một số địa phương, đơn vị thì mức độ còn thấp và tính bền vững không cao. Xã nông thôn mới thì khá nhiều nhưng thực chất xem nền sản xuất ở đây đã mới chưa, con người ở đấy đã mới chưa, văn hóa ở đấy đã mới chưa để thấy nó chưa tương xứng.

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng tại phiên thảo luận tổ

Đại biểu Đỗ Trọng Hưng cho rằng, hiện vẫn đang còn nặng các tiêu chí cứng về xây dựng, kết cấu hạ tầng. Những tiêu chí mang tính chất bền vững rất chưa yên tâm. Nợ đọng tiêu chí về xây dựng, kết cấu hạ tầng không phải là vấn đề lớn bởi vì cách này, cách khác cũng trả được, nhưng có những nợ đọng về các tiêu chí về môi trường, an ninh, trật tự cần phải xem xét. Nếu như trước đây ở quê ngày xưa nào cũng bờ tường rào là cây ruối, cây dâm bụt, cây cúc tần, chè mạn, có thể làm đúng là công trình đa mục tiêu, môi trường sống rất nhẹ nhàng. Bây giờ về đến nông thôn thấy nhà nào cũng xây bờ tường rào, kiên cố, kín cổng cao tường. Vừa là bê tông hóa, vừa tiếp tay cho trái đất ấm lên. Cùng với đó vấn đề an ninh, trật tự vẫn chưa đảm bảo, đi đến đâu cũng sợ. Thậm chí có một số địa phương, đơn vị cả huyện hoặc thậm chí có những địa phương toàn tỉnh sắp hoàn thành chương trình nông thôn mới nhưng vấn đề tín dụng đen ở nông thôn rất nặng nề.

Do đó đại biểu đề nghị xung quanh vấn đề chương trình xây dựng mới thì bên cạnh mặt được, trong báo cáo cũng phải nêu lên những vấn đề chưa được để có chỉ đạo tiếp theo để bước vào giai đoạn mới khi chúng ta xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu làm sao cho thật sự bền vững.

Đại biểu Lê Văn Sỹ: Quan tâm nội dung về phát triển y tế

Quan tâm đến vấn đề y tế, đại biểu Lê Văn Sỹ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nêu rõ, đánh giá thực hiện nhiệm vụ của Đại hội XII, y tế là một trong những trụ cột để phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những thành tựu hết sức đáng mừng. Trong đó dịch vụ kỹ thuật gần như đuổi kịp với các nước trong khu vực và thậm chí có những dịch vụ kỹ thuật làm tốt. Cho nên, phần thành tựu nên có đánh giá mặn hơn một chút nữa để động viên nguồn lực về y tế là một trong những trụ cột an sinh xã hội. Trong phần đánh giá nhược điểm, chỉ đánh giá là chất lượng y tế ở khu vực miền sâu, miền xa, đồng bào miền núi, khu vực hải đảo chất lượng còn kém, v.v.. nhưng chưa đánh giá cơ chế, thể chế, định hướng cho phát triển y tế trong giai đoạn vừa qua đã bộc lộ được những khuyết tật gì dẫn đến những yếu kém trong hệ thống tổ chức quản lý cũng như phát triển về mặt dịch vụ, kỹ thuật, khi mà hàng năm vẫn số lượng người đi khám, chữa bệnh ở nước ngoài, ta gọi là chảy máu ngoại tệ ra nước ngoài vẫn còn lớn. Đại biểu nhấn mạnh phải có đánh giá để có định hướng.

 

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nội dung văn kiện cần phải có nghị quyết về hoàn thiện cơ chế, thể chế và các chính sách đối với phát triển y tế, đưa mục tiêu phát triển y tế thành một trong những trụ cột phát triển kinh tế - xã hội thì đưa thành một mục riêng như đối với giáo dục đào tạo. Theo đó, phải đưa ra nội dung “đổi mới căn bản hệ thống tổ chức mạng lưới y tế từ Trung ương đến cơ sở theo hướng hiện đại, phù hợp với tình hình mới”; đồng thời phải đảm bảo có một sức mạnh để ngành y tế phát triển được và đảm bảo vấn đề chăm sóc sức khỏe nhân dân.  Làm rõ cho đề nghị này, đại biểu Lê Văn Sỹ cho biết, hiện nay mạng lưới y tế từ Trung ương đến địa phương đang thay đổi rất nhiều, lúc thì sáp nhập, lúc thì tách, tách xong lại sáp nhập, đặc biệt với các bệnh viện và trung tâm y tế ở tuyến huyện. Hiện nay đang tồn tại vấn đề huyện nào mà Bệnh viện đa khoa huyện đạt hạng 2 thì Trung tâm y tế tách riêng. Nếu đang đạt hạng 3 thì Trung tâm y tế và bệnh viện sáp nhập lại. Như vậy, cùng trong một hệ thống chính trị, nhưng các cơ sở y tế ở các địa dư tuyến huyện tổ chức rất khác nhau. Đây là vấn đề cần phải đổi mới và phải có một chính sách bền vững.

Đồng thời, hoàn thiện căn bản thể chế, cơ chế, chính sách về tự chủ bệnh viện. Hầu hết các bệnh viện tự chủ một phần. Các bệnh viện tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên mỗi ngày một tăng số lượng lên. Số bệnh viện tự chủ cả chi thường xuyên và chi đầu tư thì hiện nay Chính phủ đang cho thí điểm 4 bệnh viện lớn, đó là việc Bệnh viện hữu nghị Việt - Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K Hà Nội và Bệnh viện Chợ Rẫy. Đây là giai đoạn đang thí điểm, nhưng phần lớn các bệnh viện hiện nay đã tự chủ một phần. Theo Nghị định 16 đã từ nhóm 3 trở lên, cho nên thể chế, cơ chế, chính sách để thực hiện cơ chế tự chủ cũng phải đưa vào nghị quyết để sớm có hệ thống cơ chế, chính sách thực hiện vấn đề này tốt hơn.

Vấn đề xã hội hóa công tác y tế cũng phải có một hệ thống hướng dẫn để bảo đảm cho các bệnh viện khi thực hiện đảm bảo không bị sai. Hiện nay duy nhất Bộ Y tế có Thông tư 15 về vấn đề hướng dẫn liên doanh, liên kết sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết, v.v. đến nay đã rất lạc hậu. Trong khi Nghị định 85 từ năm 2012 cũng đã lạc hậu, Nghị định 16 từ năm 2015 đến nay theo như Thủ tướng giải thích Bộ Tài chính đang chủ trì ban hành và sẽ ban hành đồng bộ cho tất cả các đơn vị sự nghiệp công, không ban hành riêng cho bất kỳ một ngành nào nữa.

Đại biểu nhấn mạnh phải có thể chế, cơ chế, chính sách về tự chủ bệnh viện, xã hội hóa công tác y tế, đảm bảo công bằng, minh bạch, hiệu quả. Vấn đề này từ Nghị quyết của Đảng đến hệ thống chính sách của Nhà nước phải đồng bộ. Nếu không có chính sách rõ ràng, minh bạch và không có một cơ chế về xã hội hóa thì các cơ sở y tế, hệ thống y tế không dám làm, vì làm nó sẽ sai; Hai là, sẽ hạn chế tốc độ phát triển. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ, tốt nhất nên dành cho y tế một mục riêng lớn như đối với giáo dục và đào tạo thì mới thỏa đáng với phát triển y tế hiện nay, đảm bảo chăm sóc con người Việt Nam từ lúc trước sinh, khám tiền hôn nhân cho đến lúc có thai, lúc sau sinh và chăm sóc cho đến lúc lớn, đảm bảo một xã hội khỏe mạnh thì chúng ta sẽ có một sức mạnh để phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Lê Xuân Thân: chỉ đạo thống nhất để phát triển kinh tế biển

Góp ý về nội dung kinh tế biển, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa Lê Xuân Thân nêu rõ kinh tế biển trong dự thảo báo cáo chính trị có một đoạn rất dài, ghi rất rõ ở trang 30 là “thực hiện tốt chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo, tài nguyên, môi trường biển, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống nhân dân vùng biển đảo”. Các nội dung tiếp theo dự thảo nghị quyết đã ghi rất rõ định hướng phát triển. Tuy nhiên đại biểu cho rằng nội dung này chưa hoàn toàn đầy đủ và chưa cụ thể. Đại biểu cho biết, Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố, điều nằm ven biển. Với 28 tỉnh này, với lợi thế của biển rất lớn, chúng ta cũng đã và đang thực hiện rất nhiều năm, đặc biệt năm 2018 chúng ta đã có Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế biển. Động lực phát triển và mục tiêu phát triển định hướng rõ, nhưng các thành tố để tạo nên kinh tế biển đề nghị các nhà chuyên gia và những đồng chí tham gia Tổ biên tập nên có nội dung cụ thể.

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa Lê Xuân Thân thảo luận tổ

Theo đại biểu Lê Xuân Thân, nói đến biển thì có 3 nội dung: Một là vận tải biển. Hai là nuôi trồng và khai thác thủy sản. Ba là du lịch biển. Ba nội dung này kết thành kinh tế biển. Mục tiêu là phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh giữ chủ quyền biển đảo nên liên quan tới ba nội dung trên nên xác định vận tải biển, nuôi trồng, đánh bắt, khai thác như thế nào, thống nhất trên toàn bộ vùng biển của Việt Nam. Du lịch biển phải có một tầm nhìn, có sự chỉ huy và có sự điều hành thống nhất. Tỉnh nào cũng đưa vào chương trình kinh tế của mình về phát triển kinh tế biển theo nghị quyết, nhưng sự liên kết với nhau của 28 tỉnh, toàn bộ vùng biển không có sự chỉ huy thống nhất, mà mỗi tỉnh làm một cách khác nhau, tùy vào điều kiện, nhận thức và khai thác của từng tỉnh. Thực tế này đòi hỏi có nhận thức thống nhất, một sự điều hành chỉ huy thống nhất để đưa toàn bộ quy hoạch vùng biển này ở ba nội dung trên để từ đó khai thác tốt và triệt để hơn kinh tế biển.

Xác định xây dựng nhà nước pháp quyền là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, quá trình làm văn kiện lần này được chuẩn bị từ sớm, rất bài bản, rất công phu, khoa học và một tinh thần dân chủ, cầu thị. Văn kiện này chắt lọc tinh hoa, trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đồng bào ta ở trong nước, nước ngoài.

Nội hàm của Báo cáo chính trị cũng như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tập trung đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, trọng tâm của khóa XIII này và những năm tiếp theo.

Về định hướng xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng nếu nói trong giai đoạn hiện nay thì 3 trọng tâm lớn là xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa là những yếu tố góp phần vào phát triển nhanh và bền vững của đất nước, trong đó có nhà nước pháp quyền. Vẫn phải xác định xây dựng nhà nước pháp quyền là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị trên cả 3 phương diện, cả lập pháp, hành pháp và tư pháp. Muốn xây dựng nhà nước pháp quyền thì một trong ba nhiệm vụ đột phá của Văn kiện Đại hội lần này và tới đây vẫn là hoàn thiện, xây dựng thể chế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tại phiên thảo luận tổ

Về Quốc hội, văn kiện nói làm thế nào để khẳng định vị trí cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, tăng cường chất lượng hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng, giám sát tối cao. Xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, dân chủ, hiện đại, kiến tạo. Xây dựng một nền tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, liêm chính, dân chủ, công minh để phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Mặc dù báo cáo chính trị  không được dài, nhưng ít nhất cũng phải có những nội dung này. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng tới đây Trung ương cũng cần ra nghị quyết về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong đó hai bộ phận: Một là, xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật; Hai là chiến lược về cải cách tư pháp.

Trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của Báo cáo chính trị đặt ra và 3 đột phá chiến lược xác định là thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng để hoàn thiện nhà nước pháp quyền, hoàn thiện nền kinh tế thị trường, hoàn thiện vấn đề hội nhập quốc tế, phải xác định trọng tâm, mục tiêu vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp, phải coi đó là vấn đề pháp luật phải hoàn thiện. Nguồn nhân lực cũng rất quan trọng, không có người, không có cán bộ thì không thể làm được gì. Nhưng nguồn nhân lực ta vẫn nói câu của Nghị quyết Trung ương nói xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Nhưng trong báo cáo về chiến lược và công tác xây dựng Đảng nhiều chỗ dùng chưa thống nhất với nhau. Cuối cùng là hạ tầng thì vô cùng quan trọng, nó gắn giải pháp, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Nếu không có quy hoạch, không có ưu tiên chọn định hướng đầu tư trọng tâm trọng điểm, cuối cùng lại mắc bệnh dàn trải,  lãng phí, không phát huy được hiệu quả./.

Bảo Yến