GÓP Ý DỰ THẢO VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẢNG LẦN THỨ XIII: CHÚ TRỌNG PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ DOANH NHÂN

28/01/2021

Hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về các dự thảo Văn kiện trình tại Đại hội.

Thảo luận ở Tại tổ 07 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu; Nghệ An và Trà Vinh, dưới sự chủ trì của Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Ngô Chí Cường, các đại biểu Quốc hội đề nghị chú trọng một số nội dung trongChiến lược phát triển kinh tế xã hội năm 2021-2030 như trong đột phá chiến lược về nguồn nhân lực chú ý đến phát triển đội ngũ doanh nhân, đội ngũ lao động có khả năng thích ứng, đổi mới về quản trị doanh nghiệp và định hướng phát triển.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh đề nghị Trung ương cần nhấn mạnh và làm nổi bật hơn những điểm đáng tự hào của Việt Nam trong nhiệm kỳ qua như là những đóng góp với quốc tế trong giải quyết các vấn đề nhân quyền; việc cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình quốc tế; Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu gần như tuyệt đối, 192/193 nước; xử trí phù hợp với các tình huống trên Biển Đông. Đồng thời, Trung ương cần xác định rõ vị trí, tiềm lực kinh tế của nước ta hiện nay làm cơ sở để lựa chọn phương án, mục tiêu phát triển trong thời gian đến nhằm đảm bảo là sát với thực tiễn, khả thi, hạn chế tối đa những lựa chọn, kỳ vọng theo cảm tính chủ quan và không có cơ sở.

Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh

Về thành tựu, tôi đề nghị bổ sung thêm một số thành tựu trong những văn kiện chưa nêu: một là hệ thống cơ sở hạ tầng có bước phát triển mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước bảo đảm cấp độ tăng trưởng kinh tế; hai là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thì được nâng cao rõ rệt, đặc biệt là khi chúng ta ra nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; thứ ba là chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội của khu vực nông thôn.

Về hạn chế, khuyết điểm trong Báo cáo trình Đại hội, đại biểu Thạch Phước Bình bày tỏ đồng tình với những hạn chế mà báo cáo đã nêu, đồng thời cho rằng Trung ương cần đánh giá, bổ sung một số hạn chế trên một số lĩnh vực.

Trên lĩnh vực kinh tế trong nhiệm kỳ qua Trung ương cần đánh giá sát một số chỉ tiêu kinh tế, xã hội thì chưa đạt kế hoạch. Đại biểu đề nghị nêu rõ: Nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì chúng ta không đạt; Tình trạng mất cân đối về cơ cấu kinh tế vùng, miền, ngành, vốn còn cao, những vấn đề mang tính liên ngành chậm được xử lý; Công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý dự báo tình hình ở một số lĩnh vực kinh tế thì chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Đây là hạn chế mà trong phần kinh tế Trung ương cần nêu thêm.

Trên lĩnh vực văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường, đề nghị xem xét bổ sung hạn chế về năng suất lao động của Việt Nam tuy là có được cải thiện đáng kể, nhưng nhìn chung vẫn thấp, chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước trong khu vực tiếp tục gia tăng. Hệ thống pháp luật về quản lý, khai thác tài nguyên thì chưa hoàn thiện, còn rất nhiều bất cập, gây thất thoát, lãng phí, tạo kẽ hở cho tiêu cực, tham nhũng dẫn đến các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài gây bức, điểm nóng trong nhân dân.

Về Chiến lược phát triển kinh tế xã hội năm 2021-2030, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, bối cảnh kinh tế trong nước trong thời gian tới cần bổ sung thêm nguyên nhân chính làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, chủ yếu là do hệ thống pháp luật, chính sách chưa đồng bộ, một số nội dung chưa sát thực tế, có thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân khi thực hiện.

Thảo luận ở Tại tổ 07 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu; Nghệ An và Trà Vinh

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho rằng báo cáo chiến lược đã đánh giá rất rõ về bối cảnh trước khi thực hiện Chiến lược rất nhiều những thành tựu trên nhiều phương diện, từ cơ cấu kinh tế, từ 3 đột phá chiến lược, từ cả chỉ số, đồng thời chỉ rõ nhiều nguyên nhân.

Quan tâm đến hạn chế trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp còn chậm, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền cho biết báo cáo đã đánh giá rất kỹ, chỉ mới tập trung vào sắp xếp gọn lại doanh nghiệp, chưa có thực sự đổi mới về quản trị doanh nghiệp và định hướng phát triển. Đại biểu cho rằng hiện này còn thiếu hẳn một chiến lược phát triển doanh nghiệp, nhưng trong phần chiến lược trong giai đoạn tới văn kiện lại không làm rõ điều này.

Bên cạnh đó là chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân. Trong đột phá về nguồn nhân lực thì trí thức là hết sức quan trọng nhưng đội ngũ doanh nhân cũng rất quan trọng. Lâu nay quá trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển, nâng cao để tạo thành một đội ngũ doanh nhân thực sự có đủ sức để vươn ra thế giới chưa rõ, còn chắp vá. Người nào làm được là đều có nguyên nhân của nó cả, đi từ bất động sản, đi từ kẽ hở chính sách, đi từ quan hệ là nhiêu, chứ còn có một chiến lược phát triển doanh nhân để doanh nhân tự đủ sức trong một cơ chế để phát triển, rồi dựa vào chính sách để phát triển, mở rộng quan hệ quốc tế để phát triển. Do đó, đại biểu cho rằng điều này cũng cần phải làm rõ hơn trong phần giải pháp.

Trong đột phá về chiến lược về mặt nguồn nhân lực cũng chỉ mới đề cập đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong khi điều quan trọng là nguồn nhân lực phải có khả năng thích ứng trong mọi trường hợp, trí thức cũng thích ứng được, đội ngũ doanh nghiệp cũng thích ứng được, người lao động thích ứng được./.

Bảo Yến