BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ LÊ VĨNH TÂN: LUÔN BÁM SÁT CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH CỦA QUỐC HỘI

22/01/2021

Để phục vụ công tác xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội, trong nhiệm kỳ 2016-2020, Bộ Nội vụ đã chủ trì xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và ban hành gần 120 văn bản, trong đó có 04 Luật, 05 Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hơn 40 Nghị định, 05 Quyết định và gần 70 Thông tư, Thông tư liên tịch.

 

Trong nhiệm kỳ 2016-2020, Bộ Nội vụ đã chủ trì xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và ban hành tổng số gần 120 văn bản, trong đó có 04 Luật, 05 Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hơn 40 Nghị định, 05 Quyết định và gần 70 Thông tư, Thông tư liên tịch. 

Bám sát chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã chủ động tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ và đề xuất thực hiện các nhiệm vụ xây dựng thể chế, chính sách pháp luật. Bộ Nội vụ đã kịp thời tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác cải cách thể chế ngành Nội vụ; tập trung vào việc xây dựng các Luật triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, các Nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành các Luật có liên quan. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhân dịp Tết Tân Sửu 2021. 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, năm 2020 có nhiều khó khăn do Covid19 nhưng với thực tế sắp xếp, giảm số lượng đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã theo các Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị và và Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có thể coi là thành công nổi bật của ngành Nội vụ?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Năm 2020 là năm có nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, công tác sắp xếp đơn vị hành chính đã được chuẩn bị kỹ từ trước đó. Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14/5/2019 của Chính phủ về thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, Bộ Nội vụ đã phối họp vói các Bộ, ngành liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Ngày 09/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Kiên Giang. Như vậy, tới thời điểm này cả nước có đã có 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Kết quả đã giảm được 08 đơn vị hành chính cấp huyện và 557 đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, sẽ giảm chi ngân sách Nhà nước do giảm chi tiền lương, phụ cấp và chi hoạt động trong giai đoạn 2021 - 2024 là khoảng 1.431 tỷ đồng (gồm: giảm chi tiền lương và phụ cấp khoảng 511 tỷ đồng; giảm chi hoạt động khoảng 920 tỷ đồng).

Như vậy, thành quả đó là cả một quá trình và là kết quả của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, không chỉ riêng của ngành Nội vụ.

Phóng viên: Biên chế công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước năm 2021 là 247.344 biên chế, giảm 27.504 người (tương ứng giảm hơn 10% so với năm 2015), vượt mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết của Đảng, nhưng lại vô cùng đụng chạm, khó khăn. Bộ trưởng có thể chia sẻ một số nét về tinh giản biên chế, sắp xếp lại các đầu mối của năm 2020 cũng như cả nhiệm kỳ?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương sáu khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Chính phủ đã kịp thời ban hành những chính sách sau:

Chính sách tinh giản biên chế (Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 về chính sách tinh giản biên chế và Nghị định số 143/2020/NĐ-CP ngày 10/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 về chính sách tinh giản biên chế và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 về chính sách tinh giản biên chế).

Ban hành các tiêu chí về thành lập tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; Nghị định số 47/2019/NĐ-CP ngày 05/6/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2016/NĐ-CP ngày 01/02/2016 của Chính phủ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ; Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập).

Đẩy mạnh phân cấp cho các Bộ, ngành, địa phương trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời phỏng vấn của Truyền hình Quốc hội Việt Nam 

Để triển khai thực hiện các quy định nêu trên, các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; hoàn thiện đề án vị trí việc làm; có chính sách hỗ trợ đối với những đối tượng dôi dư do sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện. Mặc dù trong quá trình tổ chức thực hiện cũng có khó khăn, đụng chạm, nhưng các cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị đã quyết tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện, do đó đã được kết quả nêu trên.

Trong thời gian tới, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức bộ máy, biên chế, tinh giản biên chế; các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo tiêu chí được Chính phủ quy định, hoàn thiện đề án vị trí việc làm và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị về sắp xếp tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng biên chế và tinh giản biên chế, bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu, lộ trình tinh giản biên chế tại các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Chính phủ.

Phóng viên: Thực tế cho thấy, kết quả thực hiện tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 39-TW, mới chỉ tập trung giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Theo Bộ trưởng, nguyên nhân do đâu và dẫn đến thách thức nào để thực hiện sắp xếp theo vị trí việc làm và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Thực tế kết quả tinh giản biên chế đã giảm được số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước như mục tiêu của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã được thực hiện nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn, do các cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa hoàn thiện được đề án vị trí việc làm; chưa xác định được chuẩn về cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị; công tác đánh giá, phân loại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn hình thức, nể nang, chưa thực sự sát và đúng với công việc của từng cán bộ, công chức, viên chức. Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới cần tập trung hoàn thiện thể chế về vị trí việc làm, cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức, đánh giá phân loại công chức, viên chức và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Phóng viên: Chuyện tiêu cực “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “chuyến tàu vét”… lâu nay gây phản cảm xã hội đã giảm bớt, nhưng ở một số địa phương vẫn chỉ định cán bộ sau đại hội. Theo Bộ trưởng, liệu có phải do Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức ( năm 2019) chưa có hiệu lực thi hành?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Triển khai các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, trong đó đã quy định rất rõ trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức của người giữ chức vụ, chức danh trong bộ máy nhà nước.

Tôi cho rằng Luật và các Nghị định không phải là nguyên nhân của việc bầu, bổ nhiệm cán bộ sai. Công tác cán bộ là công tác của Đảng, ngoài việc tuân thủ các quy định của pháp luật còn phải thực hiện các quy định hết sức chặt chẽ của Đảng. Chẳng hạn như quy trình bổ nhiệm 5 bước tại Quyết định 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện của Trung ương; các bộ, ngành, địa phương cũng có thẩm quyền ban hành theo phân cấp quản lý.  Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền.

Tại Quy định số 205-QĐ/TW đã quy định rất rõ các hành vi nào là hành vi chạy chức, chạy quyền; hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong chống chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền và quy định cụ thể việc xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Đồng thời, để xử lý triệt để tình trạng bổ nhiệm người trước khi nghỉ việc, nghỉ hưu, tại khoản 6 Điều 5 Quy định 205-QĐ/TW cũng đã quy định rõ “kể từ khi có thông báo nghỉ hưu, nghỉ chờ hưu hoặc chuyển công tác, phải báo cáo bằng văn bản và phải được cấp trên trực tiếp đồng ý trước khi thực hiện quy trình công tác cán bộ theo thẩm quyền được phân cấp”.

Với các quy định của Đảng và pháp luật như đã nêu là tương đối đầy đủ, cấp ủy các cấp, lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần nghiêm túc, quán triệt trong công tác triển khai, thực hiện để hạn chế đến mức tối đa các tiêu cực trong công tác bổ nhiệm cán bộ cuối nhiệm kỳ.

Phóng viên: Công tác xây dựng thể chế thường thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng. Bộ trưởng có tâm đắc gì về lĩnh vực này trong cả nhiệm kỳ qua?

Với chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển phục vụ người dân và doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh cho khởi nghiệp sáng tạo, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật luôn được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là khâu đột phá, nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm, thường xuyên, ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, điều hành.

Trong nhiệm kỳ qua, Bộ trưởng và tập thể Lãnh đạo Bộ Nội vụ đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật lĩnh vực Nội vụ góp phần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Nội vụ nói riêng, tạo khuôn khổ và hành lang pháp lý để thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của Bộ Nội vụ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã trực tiếp phụ trách lĩnh vực pháp chế và Vụ Pháp chế từ ngày 01/7/2018. Bộ trưởng đã yêu cầu các đơn vị lập kế hoạch xây dựng Luật với các mốc tiến độ rõ ràng. Vụ Pháp chế thường xuyên đôn đốc, tham mưu, báo cáo Bộ trưởng kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng Luật.

Bám sát chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã chủ động tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ và đề xuất thực hiện các nhiệm vụ xây dựng thể chế, chính sách pháp luật. Bộ Nội vụ đã kịp thời tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác cải cách thể chế ngành Nội vụ; tập trung vào việc xây dựng các Luật triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, các Nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành các Luật có liên quan. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; rà soát hệ thống hóa, lập danh mục đề xuất văn bản quy phạm pháp luật cần bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với các quy định của pháp luật; công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật được Bộ Nội vụ chú trọng triển khai.

Trong nhiệm kỳ 2016-2020, Bộ Nội vụ đã chủ trì xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và ban hành tổng số gần 120 văn bản, trong đó có 04 Luật, 05 Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hơn 40 Nghị định, 05 Quyết định và gần 70 Thông tư, Thông tư liên tịch.

Công tác xây dựng thể chế pháp luật đòi hỏi phải phối hợp với nhiều Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và thực hiện theo quy trình, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quy định của pháp luật chuyên ngành. Đối với Bộ Nội vụ, để thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là các dự án nhằm kịp thời triển khai thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, 6, 7 và 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, có thời điểm số lượng dự án Luật được giao chủ trì nhiều, dồn vào một giai đoạn ngắn , với thời hạn thực hiện gấp nên công tác chuẩn bị gặp nhiều khó khăn . Việc sửa đổi, bổ sung các Luật đặt ra nhiều nội dung mới, phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và phối hợp với các cấp, các ngành để thực hiện.

Với quyết tâm cao thực hiện nhiệm vụ xây dựng thể chế pháp luật, Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ Nội vụ đã và đang chỉ đạo rất sát sao, quyết liệt; các đơn vị của Bộ tập trung lực lượng và thời gian, đảm bảo chất lượng, tiến độ xây dựng Luật và các văn bản quy định chi tiết.

Phóng viên: Từ việc sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh và thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn có chức năng, nhiệm vụ tương đồng ở địa phương, theo Bộ trưởng có thể rút ra được kinh nghiệm gì cho nhiệm kỳ tới?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Từ 2015 đến nay, đã tập trung sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong, khung cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện giữ ổn định như quy tại Nghị định 37 năm 2014, Nghị định sửa đổi bổ sung số 107, Nghị định 108 năm 2020 đã quy định rõ về tiêu chí thành lập cơ quan chuyên môn đặc thù cấp tỉnh, cấp huyện và các tổ chức thuộc cơ cấu tổ chức của Sở, số lượng cấp Phó của các tổ chức… Trên cơ sở đó phân cấp cho chính quyền địa phương quyết định theo tiêu chí quy định của Chính phủ (bảo đảm nguyên tắc quản lý nhà nước thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến địa phương) và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Ví dụ như Phòng thuộc Sở Thành phố Hồ Chí Minh có tiêu chí về biên chế tối thiểu là 7; tỉnh thành phố loại 1 có tiêu chí về biên chế tối thiểu là 6. Tỉnh loại 2, loại 3 có tiêu chí biên chế tối thiểu là 5. Phòng thuộc Chi cục thuộc sở có biên chế tối thiểu là 5. Chi cục thuộc Sở có biên chế tối thiểu là 12…

Về thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng Nhân dân và Văn phòng Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có tổng kết và có Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14 ngày 18/09/2020. Trong đó quy định hợp nhất 2 Văn phòng (Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân), tách Văn phòng Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để thực hiện theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP. Thí điểm hợp nhất cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện với cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng của Đảng (theo Kết luận số 34-KL/TW).

Một số nhận định và đánh giá về thí điểm: Thực hiện Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội là cái gì đã rõ cần làm ngay, cái gì chưa rõ thì thực hiện thí điểm. Do đó, việc thí điểm hợp nhất các tổ chức nêu trên là cần thiết và đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng để có cơ sở thực tiễn khi đánh giá, tổng kết tìm ra mô hình tổ chức tối ưu, hoạt động hiệu lực hiệu quả. Đồng thời, việc thí điểm không vi phạm nguyên tắc “quản lý nhà nước thống nhất, thông suốt từ trung ương đến địa phương” vì nội dung thí điểm không quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP.

Khi thực hiện thí điểm chưa nghiên cứu kỹ và đầy đủ về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của từng tổ chức. Các cơ quan của Đảng hoạt động theo điều lệ Đảng, còn các cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và hoạt động theo quy định của pháp luật. Theo đó, khi hợp nhất 2 tổ chức nêu trên đã bộc lộ một số hạn chế và vướng mắc, vẫn tồn tại 2 khối làm việc ở 2 trụ sở, biên chế không giảm, vẫn phải sử dụng 2 con dấu để hoạt động...

Theo đó, khi có tổng kết việc thí điểm mô hình tổ chức này theo Kết luận số 34-KL/TW, nếu mô hình được đánh giá tốt, hiệu lực, hiệu quả thì tiếp tục thực hiện và mở rộng. Nếu không hiệu quả thì trở lại mô hình cũ (thực hiện theo quy định của Chính phủ). Thực tế hiện nay ở Hà Giang, sau thời gian thí điểm, Tỉnh ủy đã có Quyết định số 164-QĐ/TU ngày 04/12/2020 thôi thí điểm hợp nhất Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy với Thanh tra tỉnh; Quyết định số 166-QĐ/TU ngày 04/12/2020 thôi thí điểm hợp nhất Ban Tổ chức Tỉnh ủy với Sở Nội vụ…

Tôi nghĩ rằng trong thời gian qua, bản thân 40 năm công tác và đây cũng là nhiệm kỳ cuối tôi công tác ở cơ quan nhà nước, xin cám ơn Đảng, Chính phủ, các địa phương, các Bộ ngành, cán bộ công chức của Bộ Nội vụ đã cộng tác, hỗ trợ tôi trong thời gian đã làm được 1 số việc và tôi cũng cảm thấy hạnh phúc khi đã hoàn thành công việc của mình.

Nhân dịp dầu năm mới 2021 và Tết Tân Sửu sắp tới, tôi xin thay mặt cho lãnh đạo Bộ Nội vụ chúc toàn thể cán bộ, công chức, viên chức nói chung và cán bộ, công chức, viên chức của ngành Nội vụ sang năm mới dồi dào sức khỏe, an khang thịnh vượng.

Phóng viên: Trân trọng cám ơn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân! 

                      Nhân dịp năm mới, kính chúc Bộ trưởng nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công! 

                      Chúc Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong năm 2021!

Ngọc Dũng

Các bài viết khác