RÀ SOÁT MỘT SỐ QUY ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC LÀM VÀ AN SINH XÃ HỘI

12/01/2021

Báo cáo tới các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết kết quả rà soát một số quy định cụ thể về lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long làm rõ một số nội dung tại Kỳ họp thứ 10

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, đối với các kiến nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam liên quan đến các quy định về về lao động, việc làm và an sinh xã hội, Bộ đã rà soát 709 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội; phát hiện một số quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không phù hợp thực tiễn, như sau:

Đối với Luật Việc làm năm 2013, về đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại Luật Việc làm năm 2013 chưa bao phủ hết tất cả đối tượng có quan hệ lao động (Điều 43) như: người có hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng đến chưa đủ 03 tháng,...Về điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề chưa hợp lý, khả thi, điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động khá chặt chẽ, khó tiếp cận để đáp ứng đủ điều kiện (Điều 47 ). Về chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn nhiều bất cập, chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự gắn với thị trường lao động, mới chỉ tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức, còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa theo thông lệ quốc tế.

Về phương án xử lý, Bộ trưởng cho biết cần sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, trong đó, có nghiên cứu, xử lý các vấn đề trên cho phù hợp với thực tiễn.

Đối với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chưa thích ứng với quá trình già hóa dân số và sự xuất hiện các quan hệ lao động mới. Việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội còn dưới mức tiềm năng; độ bao phủ bảo hiểm xã hội tăng chậm; số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng nhanh. Tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi bảo hiểm xã hội chậm được khắc phục. Quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong dài hạn.

Về phương án xử lý, sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội theo định hướng cải cách tại mục III Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Về Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2012), Quy định điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xác nhận người có công với cách mạng còn chưa cụ thể, chưa rõ ràng. Nhiều vấn đề vướng mắc về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xác nhận người có công với cách mạng: một số điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công với cách mạng quy định trong Pháp lệnh còn chưa đủ rõ về mức độ cống hiến, đóng góp nên thực tế triển khai có nhiều vướng mắc; một số khái niệm, thuật ngữ và tiêu chí chưa rõ ràng dẫn đến cách hiểu khác nhau và áp dụng không thống nhất; chưa quy định cụ thể về điều kiện xác nhận là người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận liệt sĩ, thương binh và bệnh binh trong thời kỳ đất nước hòa bình (thời bình) chưa quy định rõ ràng; quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ tồn đọng chưa được quy định…Về chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân chưa hợp lý, một số quy định về chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân chưa đảm bảo cân đối, hài hòa về mức độ cống hiến giữa các đối tượng là người có công với cách mạng: chưa quy định chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân người có công với cách mạng trước ngày 01/01/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8/1945; chưa quy định trợ cấp một lần đối với thân nhân (khi Bà mẹ Việt Nam anh hùng chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi hoặc đang hưởng chế độ ưu đãi mà chết, chưa quy định chế độ trợ cấp một lần đối với thân nhân anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến); chưa có quy định về chế độ bảo hiểm y tế đối với vợ (chồng) liệt sĩ lấy vợ (chồng) khác … 

Phương án xử lý, ban hành Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng( Pháp lệnh năm 2020) để giải quyết các vấn đề nêu trên.

Về đối tượng trợ giúp xã hội và mức trợ giúp xã hội tại Nghị định số  136/2013/NĐ-CP không phù hợp với thực tiễn, đối tượng trợ giúp xã hội và mức trợ giúp xã hội tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội không phù hợp thực tiễn, mức trợ cấp rất thấp, dẫn đến điều kiện sống của các đối tượng được hưởng trợ giúp xã hội hết sức khó khăn . Về đối tượng trợ giúp xã hội là người cao tuổi, chỉ áp dụng đối với người từ đủ 80 tuổi trở lên là chưa phù hợp, cần hạ độ tuổi được hưởng trợ cấp đối với người cao tuổi. Ngoài ra, cần xem xét để đưa bệnh hiểm nghèo, phải điều trị lâu dài, kinh phí lớn vào danh mục được hưởng chế độ bảo trợ xã hội…

Phương án xử lý, ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 136/2013/NĐ-CP, trong đó có nghiên cứu, giải quyết vấn đề nêu trên.

Về chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg đã lạc hậu, không phù hợp, chuẩn nghèo tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 bằng 70% mức sống tối thiểu tại thời điểm 2015 với mức 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị và 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn đã lạc hậu, không phù hợp do không được cập nhật chỉ số giá CPI hàng năm.

Bộ trưởng cho biết, phương án xử lý vấn đề này là sửa đổi, bổ sung Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg. Hiện nay, nội dung nêu trên đã được xử lý tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn nghèo đa chiều (đã thẩm định, đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ)./.

Hồ Hương

Các bài viết khác