CHÍNH PHỦ BÁO CÁO GIẢI TRÌNH MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ VIỆC THÀNH LẬP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH THUỘC CÁC TỈNH BÌNH ĐỊNH, HÒA BÌNH VÀ BẮC NINH

12/01/2021

Tiếp tục phiên họp thứ 52, sáng ngày 12/01/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Báo cáo Bổ sung, giải trình một số nội dung về hồ sơ, đề án thành lập thị trấn thuộc tỉnh Bình Định; thành lập 02 phường thuộc thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; thành lập 05 phường thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Toàn cảnh phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, ngày 29/12/2020, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức cuộc họp thẩm tra hồ sơ, đề án của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị trấn Cát Tiến thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định; thành lập 02 phường thuộc thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình và thành lập 05 phường thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Căn cứ ý kiến kết luận cuộc họp, Chính phủ bổ sung, giải trình như sau:

Giải trình về việc thành lập thị trấn Cát Tiến thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định

Bộ trưởng  Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, về việc phân loại đô thị Cát Tiến còn 09/59 tiêu chí chưa đạt theo quy định đối với đô thị loại V, Chính phủ bổ sung và giải trình như sau: Để khắc phục và hoàn thiện các tiêu chuẩn đô thị loại V của Cát Tiến; các dự án, công trình phúc lợi, cơ sở hạ tầng, hạ tầng xã hội trên địa bàn xã đã được quan tâm đầu tư và triển khai theo quy hoạch chung đô thị Cát Tiến đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt như: xây dựng Trung tâm y tế y tế Cát Tiến, xây dựng trường trung học phổ thông sẽ được triển khai sau năm 2025; xây dựng bến xe với quy mô diện tích khoảng 3,0 ha; cùng với đó thực hiện dự án xây dựng đường giao thông nối từ đường trục Khu kinh tế đến khu tâm linh chùa Linh Phong (đã được HĐND tỉnh thông qua); tuyến đường trục chính hướng biển và khai thác khu đất DVDL-01 tại văn bản số 2910/UBND-KT ngày 25 tháng 5 năm 2018 cùng nhiều dự án xây dựng các tuyến đường trong khu vực. Bên cạnh đó, huyện Phù Cát cũng đã tập trung xây dựng hồ điều hòa và các tuyến kênh thoát nước dọc theo đường nối từ đường trục Khu kinh tế đến khu tâm linh chùa Linh Phong, hồ điều hòa và tuyến kênh thoát lũ gần chợ Kẻ Thủ với chiều dài 1600m trong giai đoạn 2019-2020; thực hiện dự án xây dựng trạm xử lý nước thải với công suất 4.800 m3/ng.đ sau năm 2025….

Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định cũng đã chỉ đạo các Sở ngành, UBND huyện Phù Cát khẩn trương rà soát, đánh giá việc thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị Cát Tiến để có cơ sở điều chỉnh, tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án về cơ sở hạ tầng, hạ tầng xã hội trên địa bàn xã Cát Tiến nói riêng và huyện Phù Cát nói chung nhằm sớm đưa Cát Tiến trở thành một trong những đô thị vệ tinh của thành phố Quy Nhơn đảm nhiệm chức năng dịch vụ, du lịch, phục vụ sự phát triển của KKT Nhơn Hội nói riêng và của tỉnh Bình Định nói chung.

Về ý kiến tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3 năm gần nhất của xã Cát Tiến là 5,30%, trong đó năm 2017, tỷ lệ này là 6,46%, năm 2018 là 6,43% và năm 2019 là 3,00%. Như vậy, năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhiều so với 2 năm trước

Chính phủ bổ sung và giải trình như sau: Tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 là 3%, giảm nhiều so với năm 2017, 2018 là do: Ngày 28/12/2018, UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 4814/QĐ-UBND công nhận xã Cát Tiến là đô thị loại V. Đồng thời UBND tỉnh chỉ đạo sớm triển khai đồng bộ các giải pháp để phấn đấu đưa Cát Tiến trở thành thị trấn vào năm 2020.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định, trong năm 2019, UBND huyện Phù Cát đã rà soát các tiêu chí, trong đó có tiêu chí hộ nghèo (năm 2018 là 6,43%). Trên cơ sở đó, năm 2019, Huyện uỷ và UBND huyện Phù Cát đã chỉ đạo UBND xã Cát Tiến cùng cả hệ thống chính trị của xã tích cực triển khai các giải pháp giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo. Đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và bà con nhân dân áp dụng các biện pháp giảm nghèo như: thực  hiện các mô hình phát triển kinh tế để phát triển kinh tế hộ gia đình. Đặc biệt, vận động cán bộ đảng viên và Nhân dân có mức thu nhập khá nhận chăm sóc, nuôi dưỡng các trường hợp hộ nghèo là cha mẹ hoặc người thân là các hộ nghèo thuộc diện người già, gia đình neo đơn… Nhờ thực hiện các giải pháp trên nên cuối năm 2019, số hộ nghèo giảm xuống còn 100 hộ trong tổng số 3.330 hộ trên địa bàn toàn xã (đạt tỷ lệ 3,00%).

Về việc số liệu diện tích tự nhiên của tỉnh Bình Định, của xã Cát Tiến nêu trong Đề án không thống nhất với số liệu này đã được quy định tại các Quyết định số 1672/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 3666/QĐ-UBND ngày 10 tháng 10 năm 2019 và Quyết định số 2720/QĐ-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2010 của UBND tỉnh Bình Định, Chính phủ bổ sung và giải trình như sau: Số liệu diện tích tự nhiên của tỉnh Bình Định đang sử dụng trong đề án đã được quy định tại Quyết định số 2908/QĐ-BTNMT ngày 13 tháng 11 năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2018. Theo đó, diện tích tự nhiên của tỉnh Bình Định là 6.066,21 km2 (chưa bao gồm 512 ha đang chồng lấn với tỉnh Phú Yên).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, đối với ý kiến về việc theo Đề án thành lập thị trấn thì năm 2019 xã Cát Tiến có quy mô dân số là 11.597 người và tổng số lao động làm việc trong các ngành kinh tế là 6.856 người; nhưng theo Đề án đề nghị công nhận xã Cát Tiến, huyện Phù Cát là đô thị loại V thì dân số thường trú năm 2017 của xã Cát Tiến là 12.883 người (lệch 1.286 người) và tổng số lao động làm việc trong các ngành kinh tế là 9.320 người (lệch 2.464 người). Chính phủ bổ sung và giải trình như sau: Về quy mô dân năm 2019 xã Cát Tiến là 11.597 người được lấy theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở được tiến hành vào thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019 theo Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ.  

Về tổng số lao động làm việc trong các ngành kinh tế năm 2017 là 9.320 người, năm 2019 là 6.856 người. Năm 2017 trên cơ sở các quy hoạch được phê duyệt, UBND tỉnh Bình Định đầu tư xây dựng đường nối và khu dân cư dọc đường nối đường trục khu kinh tế đến khu tâm linh; UBND huyện Phù Cát triển khai các bước chuẩn bị đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu dân cư . Năm 2017, trên địa bàn xã có 03 dự án bước đầu khai thác, phục vụ khách du lịch và 04 dự án đang triển khai thi công, bao gồm: khu du lịch Trung Hội (Crows Treats),khu du lịch Trung Lương và khu du lịch tâm linh; các dự án đang thi công: Phong Điện Phương Mai 3, khu du lịch Resort Maia, khu du lịch Phương Mai Bay, khu du lịch chùa Linh Phong và các dự án của tỉnh đang triển khai: đường trục Khu Kinh tế, đường nối từ đường trục khu kinh tế đến khu du lịch tâm linh. Các hoạt động xây dựng trên địa bàn xã phát triển mạnh mẽ thu hút lượng lao động từ địa phương khác tới sinh sống và làm việc dẫn đến số lượng lao động trong các ngành kinh tế tăng cao. Năm 2019, các dự án xây dựng cơ bản đã hoàn thành lượng lao động giảm mạnh kéo theo lao động trong các ngành kinh tế giảm so với năm 2017.

Về ý kiến: Ảnh hưởng của việc thành lập thị trấn đối với giá cả nói chung, giá đất đai nói riêng trên địa bàn xã Cát Tiển và tác động đối với tổ chức, cá nhân trên địa bàn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Định, hiện nay giá đất theo quy định tại các trục đường chính của xã Cát Tiến là 3 triệu đồng/m2, nhưng giá giao dịch thực tế đã là 10 triệu đồng/m2. Sau khi thị trấn Cát Tiến được thành lập, các dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh, bảo đảm khắc phục được các tiêu chí còn thiếu đối với đô thị loại V thì khi đó giá đất nói riêng, giá cả thị trường nói chung sẽ có điều chỉnh tăng phù hợp với tính chất và trình độ đô thị hóa của đô thị Cát Tiến. Theo đó, tổ chức, cá nhân có đất sẽ được hưởng lợi từ việc tăng giá đất, thu nhập nâng lên, ngân sách địa phương có thêm nguồn thu, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn Cát Tiến cũng được nâng lên tương xứng.

Giải trình về việc thành lập 02 phường Quỳnh Lâm và Trung Minh thuộc thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, đối với ý kiến: Diện tích đất lâm nghiệp của xã Sủ Ngòi (dự kiến thành lập phường Quỳnh Lâm) chiếm tới 74,28%, trong khi cơ cấu nông lâm nghiệp, thủy sản chỉ chiếm 5,1%; diện tích đất lâm nghiệp của xã Trung Minh (dự kiến thành lập phường Trung Minh) chiếm tới 65,33%, trong khi cơ cấu nông lâm nghiệp, thủy sản chỉ chiếm 12%. Thành phố Hòa Bình nói chung và 02 xã dự kiến thành lập phường nói riêng chủ trương phát triển kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp - thủy sản. Vì vậy, đề nghị làm rõ thêm thực trạng và giá trị sử dụng của diện tích đất lâm nghiệp, định hướng phát triển để tận dụng nguồn tài nguyên đất lâm nghiệp trên địa bàn, Chính phủ bổ sung và giải trình như sau:

Diện tích đất lâm nghiệp hiện tại của xã Sủ Ngòi đang chiếm 74,28% và xã Trung Minh 65,33%, chủ yếu trồng các cây lâm nghiệp nhưng hiệu quả kinh tế không cao, vì vậy, phương hướng thời gian tới để khai thác hiệu quả hơn nguồn tài nguyên đất lâm nghiệp, cụ thể:

- Đối với xã Trung Minh trong thời gian tới sẽ thực hiện dự án đô thị sinh thái Gelesimco với diện tích 67 ha; dự án đô thị sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng phía đông xã Trung Minh với diện tích 162 ha và khoảng 108 ha du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng khu hồ Ngọc.

- Đối với xã Sủ Ngòi trong thời gian tới sẽ thực hiện dự án công viên Hòa Bình với diện tích 17 ha và hướng phát triển du lịch sinh thái.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Báo cáo Bổ sung, giải trình một số nội dung về hồ sơ, đề án thành lập thị trấn thuộc tỉnh Bình Định; thành lập 02 phường thuộc thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; thành lập 05 phường thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Giải trình về ý kiến: Phương hướng phát triển phường Quỳnh Lâm và phường Trung Minh khi được thành lập đều đề ra chỉ tiêu tăng tỷ lệ độ che phủ rừng, cụ thể là phường Quỳnh Lâm phấn đấu đạt tỷ lệ độ che phủ rừng 48% trở lên, phường Trung Minh đạt tỷ lệ 55-60%. Đề nghị báo cáo về tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn 02 xã hiện nay và phương hướng, kế hoạch để đạt được tỷ lệ phấn đấu nêu trên, Chính phủ cho biết, hiện tỷ lệ độ che phủ rừng của khu vực dự kiến thành lập phường Quỳnh Lâm là 39%, phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ 48% trở lên và khu vực dự kiến thành lập phường Trung Minh đạt tỷ lệ 40,3%, phấn đấu đến năm 2025 là 55-60% trở lên.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết đối với ý kiến: Hiện nay, trên địa bàn xã Trung Minh vẫn chưa xây dựng được hệ thống thoát nước thải, nước thải chủ yếu xả trực tiếp ra vườn, rãnh xung quanh nhà hoặc mương, ruộng trong khu vực. Vì vậy, đề nghị cần sớm có kế hoạch và phương án khắc phục tình trạng nêu trên, bảo đảm vệ sinh môi trường và chất lượng sống của không gian đô thị, Chính phủ giải trình như sau: Hiện nay, trên địa bàn xã Trung Minh đã xây dựng trạm xử lý nước thải thuộc dự án sân golf Hilltop Valley phục vụ xử lý nước thải của dự án và một số hộ dân thuộc khu vực lân cận. Ngoài ra, trên địa bàn xã Trung Minh hiện đang thực hiện dự án khu đô thị mới Trung Minh với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ trong đó xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống rãnh thoát nước thải, tổ chức đấu nối đối với các hộ dân vào hệ thống, chấm dứt tình trạng thoát nước thải chưa qua xử lý. Đồng thời, thực hiện công tác đấu nối vào hệ thống thoát nước của dự án khu đô thị mới Trung Minh theo quy hoạch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình phê duyệt.

Giải trình câu hỏi về việc tại sao thành lập phường trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số xã Sủ Ngòi lại đổi tên thành phường Quỳnh Lâm, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết ngày 22/6/1886, thực dân Pháp ra Nghị định thành lập tỉnh Mường Hòa Bình. Năm 1891, châu Kỳ Sơn chính thức được thành lập, châu Kỳ Sơn gồm 05 tổng: Quỳnh Lâm, Cao Phong, Hòa Bình và Phú Cường. Vùng đất Sủ Ngòi trước năm 1945 thuộc tổng Hòa Bình.

Tháng 4/1947, thực dân Pháp đánh chiếm tỉnh Hòa Bình lần thứ nhất, để thuận lợi cho việc chỉ đạo phong trào kháng chiến, Ủy ban kháng chiến hành chính châu Kỳ Sơn quyết định cắt làng Sủ nhập về xã Trung Minh. Làng Sủ Bến và làng Ngòi lúc này thuộc xã Quỳnh Lâm. Cuối năm 1950, xã Quỳnh Lâm được chia thành 05 thôn: Tự Do, Cộng Hòa, Thống Nhất, Thái Bình và Bình Thanh. Xóm Ngòi, xóm Sủ Bến thuộc thôn Cộng Hòa. Tháng 6/1955, Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu III quyết định chia xã Quỳnh Lâm thành 05 xã: Độc Lập, Thống Nhất, Bình Thanh, Thái Bình và Dân Chủ.

Xã Sủ Ngòi được thành lập vào ngày 22/01/1957 theo Quyết nghị số 147-QN/LK3 của Ủy ban hành chính Liên khu III, xã Sủ Ngòi có 3 xóm là Sủ (Đồi), Sủ Bến, Ngòi (Chìu).

Như vậy, để lưu giữ lại nguồn gốc lịch sử tên Quỳnh Lâm của địa phương và thể theo yêu cầu của Nhân dân trong xã. Ủy ban nhân dân xã đã tổ chức lấy ý kiến Nhân dân của 09 xóm về việc đổi tên phường Sủ Ngòi thành phường Quỳnh Lâm trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân hộ khẩu xã Sủ Ngòi - thành phố Hòa Bình (kết quả đạt được 97% cử tri tán thành đổi tên thành phường Quỳnh Lâm). Do đó, việc đổi tên phường Sủ Ngòi thành phường Quỳnh Lâm là cần thiết, thể theo nguyện vọng của người dân và phù hợp với quy định của pháp luật.

Giải trình về việc thành lập 05 phường Hương Mạc, Phù Chẩn, Phù Khê, Tam Sơn, Tương Giang thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Giải trình về ý kiến: Với tốc độ đô thị hóa cao của thị xã Từ Sơn như hiện nay thì cùng với việc thành lập các phường nên thành lập thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết,  Ủy ban nhân dân tỉnh đã xin chủ trương của Bộ Nội vụ về việc thành lập thành phố Từ Sơn tại Công văn số 590/UBND-NC ngày 25 tháng 12 năm 2020. UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở ngành và thị xã Từ Sơn triển khai xây dựng đề án thành lập thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc ninh dự kiến báo cáo Chính phủ trong Quý III năm 2021.

Về ý kiến: Làm rõ hơn nguyên nhân của việc các cử tri chưa tán thành về việc chuyển từ mô hình xã lên phường (cụ thể xã Hương Mạc) để có giải pháp tuyên truyền, vận động phù hợp, Chính phủ bổ sung và giải trình như sau:

Trong quá trình tổ chức tuyên truyền lấy ý kiến cử tri, thị xã Từ Sơn và xã Hương Mạc đã nhiều lần tuyên truyền, vận động nhân dân bỏ phiếu đầy đủ. Tuy nhiên, khi tổ chức phát phiếu lấy ý kiến cử tri còn nhiều cử tri đi làm ăn xa, bận việc,… không tham gia bỏ phiếu và một số người dân còn nhận thức việc thành lập phường sẽ làm tăng chi phí trong sinh hoạt hàng ngày nên không đồng ý việc thành lập phường, dẫn đến tỷ lệ cử tri đồng ý trên tổng số cử tri của xã bị thấp (chỉ đạt 70,29% tổng số cử tri đồng ý). Tuy nhiên, tỷ lệ cử tri đồng ý vẫn đảm bảo điều kiện theo các quy định hiện hành để thực hiện việc thành lập phường Hương mạc.

Đối với ý kiến: Cần có kế hoạch cụ thể đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hiện có để đáp ứng với yêu cầu quản lý của chính quyền ở đô thị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định: Chính phủ bổ sung và giải trình như sau:

Về nội dung này Ủy ban nhân dân tỉnh đã có định hướng, phương án về việc bố trí, sắp xếp, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức để kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của chính quyền ở đô thị theo hướng văn minh, hiện đại sau khi thành lập các phường. Trong quá trình kiện toàn bộ máy, sẽ xây dựng và bố trí đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực và phẩm chất theo hướng tinh gọn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Lập kế hoạch tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho các cán bộ, công chức thuộc các phường mới thành lập về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền phường - chính quyền đô thị; riêng các Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và công chức Địa chính - xây dựng của các phường sẽ bồi dưỡng thêm các nội dung chuyên sâu về quản lý, thực hiện quy hoạch đô thị, quản lý dân cư.

Thực hiện Đề án “Bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh” được phê duyệt tại Quyết định số 224/QĐ-UBND ngày 10 tháng 5 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh, 05 xã dự kiến thành lập phường thuộc thị xã Từ Sơn đã được bố trí lực lượng Công an chính quy. Sau khi thành lập phường, lực lượng Công an chính quy của các xã này được giữ nguyên, không làm ảnh hưởng đến cơ cấu chung của Công an tỉnh, đồng thời đáp ứng tốt yêu cầu theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Về ý kiến: Đề nghị giải trình rõ hơn về tiêu chuẩn cấp điện sinh hoạt của xã Tam Sơn chưa đạt tiêu chuẩn, Chính phủ bổ sung và giải trình như sau: Trong những năm gần đây, xã Tam Sơn có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội dẫn đến đời sống vật chất và tinh thần Nhân dân ngày càng nâng cao. Các hộ gia đình đã lắp sử dụng điện mặt trời cung cấp một phần điện sinh hoạt, nhiều hộ gia đình đã áp dụng công nghệ khoa học vào đời sống như hệ thống nhà thông minh smart home tự động bặt, tắt các thiết bị điện trong gia đình,… dẫn đến mức tiêu thụ điện sinh hoạt của người dân giảm xuống, tuy nhiên chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao./.

Lan Hương - Minh Hùng

Các bài viết khác