Trình bày Tờ trình về việc phê chuẩn quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nêu rõ căn cứ quy định tại tại Khoản 7, Điều 12 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021quy định: “Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn”. Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê chuẩn Quyết định của Viện trưởng VKSND tối cao quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Tờ trình
Căn cứ vào Khoản 4, Khoản 5, Điều 12, Luật giám định tư pháp năm 2020 thì Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao là tổ chức giám định tư pháp công lập có tài khoản và con dấu riêng; thực hiện giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử. Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao có chức năng, nhiệm vụ sau đây:
Một là, thực hiện giám định kỹ thuật hình sự về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử theo quy định của pháp luật tố tụng và pháp luật giám định tư pháp;
Hai là, nghiên cứu khoa học chuyên ngành kỹ thuật hình sự về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử;
Ba là, thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế chuyên ngành kỹ thuật hình sự về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử theo quy định của pháp luật;
Bốn là, hằng năm, tổng kết, báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tổ chức, hoạt động giám định kỹ thuật hình sự về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử để báo cáo Quốc hội, đồng thời gửi báo cáo về Bộ Tư pháp, Bộ Công an theo quy định của pháp luật;
Và các nhiệm vụ khác do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giao theo quy định của pháp luật.
Với chức năng, nhiệm vụ như trên, VKSND tối cao xác định vị trí pháp lý, quy mô, tính chất Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao là đơn vị cấp phòng thuộc Văn phòng VKSND tối cao. Tuy nhiên, chức năng, nhiệm vụ của Phòng giám định độc lập với chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng VKSND tối cao; chịu sự quản lý về mặt hành chính của Văn phòng VKSND tối cao.
Cơ cấu tổ chức của Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao gồm: Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, các Giám định viên và công chức khác. Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng phụ trách chuyên môn về giám định tư pháp phải là giám định viên tư pháp. Việc bổ nhiệm Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng thực hiện theo quy định của Viện trưởng VKSND tối cao.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Tờ trình của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho hay, để đảm bảo tính khách quan trong việc giám định và giám định lại (Hội đồng giám định gồm có ít nhất 03 thành viên là những người có chuyên môn cao và có uy tín trong lĩnh vực cần giám định), cũng như tình hình biên chế đang khó khăn hiện nay, dự kiến biên chế của Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao từ 07-09 công chức.
Trong tổng chỉ tiêu biên chế được giao, VKSND tối cao sẽ điều chỉnh, bố trí, sắp xếp biên chế hợp lý, đủ số lượng và chất lượng để thực hiện tốt nhiệm vụ được Quốc hội giao (không làm tăng thêm biên chế).
Kinh phí hoạt động của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự này trong nguồn kinh phí VKSND tối cao được Ngân sách nhà nước cấp.
Sau khi nghe trình bày Tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành thảo luận về nội dung này./.