Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo một số nội dung
Báo cáo tại Phiên họp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, các Tòa án triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục có nhiều biến động; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trong nước, mặc dù an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn ổn định song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; nhất là đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến các mặt của đời sống kinh tế, xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án. Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi, manh động, có tính chất xuyên quốc gia; các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính gia tăng về số lượng và có tính chất ngày càng gay gắt, phức tạp. Bên cạnh việc phải làm tốt công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc, đáp ứng các chỉ tiêu, yêu cầu theo Nghị quyết của Quốc hội, các Tòa án còn phải tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tinh giản biên chế; tổ chức triển khai thi hành các đạo luật quan trọng liên quan tới hoạt động của Tòa án và triển khai các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị.
Trong nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết trong đó đề ra các yêu cầu, nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể và đòi hỏi hệ thống Tòa án phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu, chủ động nắm bắt tình hình và tổ chức thực hiện quyết liệt nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác.
Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, trên cơ sở quán triệt nghiêm túc các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, hàng năm, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đều ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án; yêu cầu các Tòa án chủ động, sáng tạo đề ra các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc. Kế thừa và phát huy những kết quả hoạt động của các nhiệm kỳ trước; căn cứ vào thực tiễn để đề ra nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, thiết thực hoàn thành các chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống Tòa án.
Cụ thể, ngành Tòa án đã tăng cường công tác xây dựng pháp luật, tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật và phát triển án lệ; Đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; Nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án; Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải tranh chấp dân sự, đối thoại khiếu kiện hành chính; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết các loại vụ việc; Nâng cao chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo thẩm tra
Thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, Tòa án nhân dân tối cao đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ. Nhìn chung kết quả công tác các mặt của Toà án nhân dân các cấp có nhiều chuyển biến tích cực, hoạt động tố tụng ngày càng công khai, minh bạch; chất lượng công tác của Toà án nhân dân được nâng lên, về cơ bản đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, yêu cầu trong các Nghị quyết của Quốc hội , nhất là: giảm mạnh các trường hợp khởi tố, điều tra, truy tố oan, trong nhiệm kỳ chưa phát hiện trường hợp nào Tòa án kết án oan người vô tội; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, nhất là án kinh tế, tham nhũng, không có trường hợp nào xét xử quá hạn luật định; nguyên tắc tranh tụng trong xét xử ngày càng được bảo đảm tốt hơn… Công tác xây dựng ngành Toà án nhân dân được chú trọng, hướng đến tính chuyên nghiệp, hiệu quả; công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp được tăng cường. Hoạt động của ngành Toà án nhân dân trong nhiệm kỳ 2016-2021 đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, giải quyết kịp thời các tranh chấp, khiếu kiện; góp phần quan trọng giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Toà án nhân dân tối cao được chuẩn bị công phu, nghiêm túc; cơ bản phản ánh đầy đủ tình hình thực hiện các nhiệm vụ công tác của Toà án nhân dân các cấp trong nhiệm kỳ qua, đã nêu bật những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, hạn chế; đồng thời phân tích các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề ra giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, phần đánh giá về nguyên nhân chủ quan trong các Báo cáo chưa thật sự sâu sắc, cần được đánh giá đầy đủ hơn.
Qua thẩm tra báo cáo công tác của ngành Tòa án nhân dân nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV (2016-2021), Uỷ ban Tư pháp có một số kiến nghị như sau: Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao có các giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết, xét xử các loại án trong nhiệm kỳ tới, khắc phục những hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra trong Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại, các yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp; nâng cao số lượng và chất lượng giải quyết các vụ án hành chính. Đồng thời, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao có giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, bảo đảm các chỉ tiêu của Quốc hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá báo cáo đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu nêu bật được những kết quả đạt được cũng như chỉ ra những tồn tại, hạn chế và phân tích nguyên nhân của những hạn chế này.
Đi vào một số nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, giai đoạn 2019-2021 cả hệ thống chính trị trong đó có ngành Tòa án, thực hiện nghị quyết của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, trong đó có việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Đối với các đơn vị hành chính cấp huyện nó tác động đến tổ chức bộ máy của cả ngành Tòa án. Trong quá trình sắp xếp, chúng ta giảm được 08 đơn vị hành chính cấp huyện và ở các đơn vị này đều có sự sắp xếp, sáp nhập các Tòa án cấp huyện. Do đó, trong báo cáo cần có đánh giá thêm về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong việc sắp xếp tổ chức, bộ máy của các Tòa án ở 08 đơn vị hành chính cấp huyện này để thấy được những khó khăn, vướng mắc hay những thuận lợi rút kinh nghiệm thực hiện tiếp ở giai đoạn sau.
Phát biểu tại Phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh quan tâm đến vấn đề về xử lý án hành chính. Theo đó, kết quả xử lý tăng 8,8% so với Nghị quyết của của Quốc hội, đây rõ ràng là tín hiệu tích cực, cử tri, nhân dân rất quan tâm đến vấn đề này. Do đó, đề nghị làm rõ hơn số 8,8% tăng lên là do các giải pháp, biện pháp của các cơ quan tư pháp hay là do thay đổi nhận thức, ý thức hành động của các cơ quan hành pháp, của Ủy ban nhân dân, của Chủ tịch Ủy ban nhân dân để có kết quả này.
Phát biểu tại Phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, trong Nghị quyết về triển khai thi hành Hiến pháp đặt ra nhiệm vụ của Tòa án xây dựng luật về tố tụng lao động, đó cũng là nhiệm vụ của Tòa án đối với nhiệm kỳ này. Do đó, phần đánh giá tổng kết của Tòa án nhân dân cũng cần làm rõ nhiệm vụ này đã thực hiện như thế nào. Cần thiết hay ko cần thiết xây dựng luật.
Kết luận một số nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, báo cáo tổng kết nhiệm kỳ được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Sau khi tiếp thu, chỉnh sửa bổ sung các ý kiến góp ý của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì đủ điều kiện trình tại Kỳ họp thứ 11. Đề nghị ngành Tòa án nhân dân hoàn thiện báo cáo để trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới đây./.