ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO BÁO CÁO CÔNG TÁC NHIỆM KỲ 2016-2021 VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

12/01/2021

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 52, sáng ngày 12/01, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.

 

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí báo cáo một số nội dung

Báo cáo tại Phiên họp, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo toàn ngành Kiểm sát quán triệt, thực hiện nghiêm, hiệu quả các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, các nghị quyết của Quốc hội về công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; nỗ lực triển khai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, tạo được sự chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác, nhất là nhiệm vụ phòng, chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm, thực hiện đạt và vượt các nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác được Quốc hội giao.

Theo Viện trưởng, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, trách nhiệm công tố được tăng cường ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện kiểm sát theo luật định, nhất là những nhiệm vụ mới, quy định mới của pháp luật; gắn hoạt động công tố với hoạt động điều tra; chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa được nâng cao, đảm bảo căn cứ và tính thuyết phục của quyết định truy tố,... Đã phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trong việc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận đồng tình ủng hộ, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong xã hội, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Các trường hợp oan sai giảm, việc bỏ lọt tội phạm từng bước được hạn chế (số người bị bắt, tạm giữ hình sự sau phải trả tự do, xử lý hành chính giảm dần; tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, đúng tội danh vượt chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội; các trường hợp oan, sai giảm dần từng năm).

Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, nhất là công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng, hiệu quả các kháng nghị, kiến nghị được nâng lên, làm giảm các loại vi phạm trong các lĩnh vực hoạt động tư pháp, góp phần tăng cường pháp chế trong hoạt động tư pháp, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân được tôn trọng, thực hiện nghiêm, từng bước khắc phục những hạn chế, tồn tại được Ủy ban Tư pháp Quốc hội thẩm tra, kiến nghị; tiếp tục hoàn thành vượt các chỉ tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, cụ thể, một số chỉ tiêu chưa đáp ứng yêu cầu Quốc hội hoặc có chỉ tiêu không thể thực hiện, như: còn có trường hợp bắt, tạm giữ, tạm giam sau phải trả tự do không xử lý hình sự; còn để xảy ra một số trường hợp oan, sai phát sinh yêu cầu bồi thường; một số vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung; chất lượng kháng nghị các vụ án hành chính còn thấp; tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị  giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đáp ứng yêu cầu. Những hạn chế, tồn tại trên do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do các vụ việc tăng thêm nhiều trong tất cả các lĩnh vực, nhiều nhiệm vụ tăng thêm theo quy định của pháp luật nhưng các đơn vị đều phải cắt giảm biên chế; cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, điều kiện làm việc chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ ; một số quy định mới của pháp luật nhận thức chưa thống nhất nhưng chậm được hướng dẫn thực hiện; năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm, chấp hành kỷ luật nghiệp vụ của một bộ phận lãnh đạo, Kiểm sát viên còn hạn chế; một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; phương pháp quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo một số đơn vị chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo thẩm tra

Thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao được chuẩn bị công phu, nghiêm túc; cơ bản phản ánh đầy đủ tình hình thực hiện các nhiệm vụ công tác của Viện Kiểm sát nhân dân các cấp trong nhiệm kỳ qua, đã nêu bật những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, hạn chế; đồng thời phân tích các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề ra giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, phần đánh giá về nguyên nhân chủ quan trong các Báo cáo chưa thật sự sâu sắc, cần được đánh giá đầy đủ hơn.

Qua thẩm tra báo cáo công tác của ngành kiểm sát nhân dân nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV (2016-2021), Ủy ban Tư pháp có một số kiến nghị như sau: Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao triển khai các giải pháp quyết liệt, hạn chế đến mức thấp nhất việc làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm; chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân dân các cấp tiếp tục tăng cường kiểm sát chặt chẽ, thường xuyên việc tạm đình chỉ điều tra, định kỳ hằng năm rà soát các trường hợp tạm đình chỉ điều tra, nhất là các vụ án sắp hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự để yêu cầu phục hồi điều tra khi có căn cứ.

Đồng thời, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có các giải pháp khắc phục những hạn chế trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, các vụ án hành chính và nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, bảo đảm chỉ tiêu, yêu cầu theo Nghị quyết của Quốc hội, bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân; Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; bảo đảm tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, tỷ lệ điều tra khám phá tội phạm đạt chỉ tiêu của Quốc hội; tăng cường phát hiện tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá báo cáo đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu nêu bật được những kết quả đạt được cũng như chỉ ra những tồn tại, hạn chế và phân tích nguyên nhân của những hạn chế này.

Thảo luận tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng báo cáo đã đánh giá rất nghiêm túc những kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại hạn chế trong công tác của ngành nhiệm kỳ vừa qua, đủ tiêu chuẩn đề trình ra Quốc hội trong Kỳ họp tới. Tuy nhiên, báo cáo cần tổng kết kỹ hơn về bối cảnh của ngành trong nhiệm kỳ vừa qua để đánh giá được những thuận lợi, khó khăn. Trong nhiệm kỳ 2019-2021, ngành đã có sự sắp xếp các Viện Kiểm sát cấp huyện ở 08 đơn vị hành chính mới được thành lập, do đó cần báo cáo rõ hơn về nội dung này để rút ra bài học kinh nghiệm.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị báo cáo cần làm rõ hơn vấn đề tranh tụng tại Phiên tòa, vai trò của Luật sư trong việc tham gia sớm vào các vụ án. Bên cạnh đó, cần báo cáo rõ nét hơn về việc điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án về xâm hại trẻ em.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, so với nhiệm kỳ khóa XIII thì nhiệm kỳ khóa XIV này các hoạt động tư pháp tiến bộ hơn nhiều. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, đã có sự phối hợp rất tốt giữa các cơ quan của Quốc hội đối với ngành kiểm sát nhân dân nói riêng và ngành tư pháp nói chung.

Kết luận một số nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá báo cáo tổng kết nhiệm kỳ được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Sau khi tiếp thu, chỉnh sửa bổ sung các ý kiến góp ý của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì đủ điều kiện trình tại Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội. Đề nghị ngành kiểm sát nhân dân hoàn thiện báo cáo để trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới đây./.

Hồ Hương- Bùi Hùng

Các bài viết khác