Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt báo cáo
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, ngày 24/10/2020, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng báo cáo việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua như sau:
Về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, nội dung giải thích cụm từ “lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc” tại khoản 3 Điều 3 đã bao gồm “trang bị, vũ khí, phương tiện”. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thay cụm từ “cử, điều chỉnh, rút lực lượng” bằng cụm từ “triển khai lực lượng” cho thống nhất với nội dung Chương II và Chương III như dự thảo Nghị quyết.
Về nguyên tắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chủ trương “4 không” là những nguyên tắc của chính sách đối ngoại quốc phòng tại Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 và việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là một lĩnh vực của công tác đối ngoại quốc phòng. Trên cơ sở các chủ trương này, Điều 4 dự thảo Nghị quyết đã thể chế thành những nguyên tắc trong việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc thực hiện theo nguyên tắc trung lập, vô tư, tự nguyện đóng góp về con người, tài chính, phương tiện, phù hợp với khả năng của Việt Nam và đã được quy định tại khoản 3 Điều này. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chuyển điểm a và điểm b khoản 1 Điều 5 dự thảo Nghị quyết Chính phủ trình thành khoản 4 và khoản 5 Điều 4; sửa tên Điều là “Nguyên tắc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc” và chỉnh lý lại Điều này như dự thảo Nghị quyết.
Về xử lý vi phạm, khiếu nại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thỏa thuận giữa Việt Nam và Liên Hợp quốc là điều ước quốc tế được quy định tại Luật Điều ước quốc tế năm 2016, nên đề nghị không quy định trong dự thảo Nghị quyết.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Liên Hợp quốc có quy định việc xử lý vi phạm của lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc theo nguyên tắc đối tượng vi phạm sẽ bị điều tra và xử lý theo pháp luật nước cử quân trên cơ sở quyền ưu đãi và miễn trừ theo Công ước về quyền ưu đãi và miễn trừ của Liên hợp quốc năm 1946, được thể hiện qua: thỏa thuận giữa Liên hợp quốc và quốc gia sở tại, thỏa thuận giữa Liên hợp quốc và quốc gia nước cử quân. Qua rà soát, để bảo đảm chặt chẽ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý lại Điều này như dự thảo Nghị quyết.
Về xây dựng lực lượng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo quy trình triển khai lực lượng của Liên hợp quốc, đây là giai đoạn chuẩn bị lực lượng để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của Liên hợp quốc và thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định. Vì vậy, đề nghị Quốc hội không bổ sung nội dung này vào dự thảo Nghị quyết.
Toàn cảnh Phiên họp
Về quy trình cử mới, điều chỉnh, rút lực lượng và quy trình cử luân phiên, thay thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Điều 12 và Điều 13 quy định quy trình đối với các hoạt động khác nhau để bảo đảm rõ ràng, rành mạch và thuận lợi trong quá trình thực hiện, nên đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, căn cứ quy định “Bộ Quốc phòng tham mưu, giúp việc Hội đồng Quốc phòng an ninh” tại khoản 1 Điều 35 Luật Quốc phòng và để thống nhất với Điều 8, Điều 17, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho quy định cụ thể “Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an...” để thực hiện các quy trình tại Điều 12 và Điều 13 và chỉnh lý như dự thảo Nghị quyết.
Về nội dung quản lý nhà nước và nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho sửa lại tên Điều 15 và Điều 16 dự thảo Nghị quyết Chính phủ trình thành Điều 16 là “Nội dung quản lý nhà nước” và Điều 17 là “Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ”. Bên cạnh đó, thực hiện Đề án Tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được Bộ Chính trị thông qua ngày 23/11/2012, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các ban, Bộ, ngành liên quan thực hiện việc kiện toàn Tổ công tác liên ngành về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam có trách nhiệm giúp Tổ công tác liên ngành tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền về việc cử lực lượng Việt Nam tham gia nên quy định trách nhiệm của Bộ Quốc phòng đối với Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam trong việc điều phối các hoạt động chung của lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là cần thiết. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung điểm b khoản 2 Điều 17 như dự thảo Nghị quyết.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng bên cạnh những lĩnh vực gìn giữ hòa bình thông thường, Liên hợp quốc có thể triển khai một số lĩnh vực khác để thực thi sứ mệnh của mình ở một quốc gia cụ thể. Trong trường hợp Việt Nam được Liên hợp quốc đề nghị tham gia các lĩnh vực mới, nếu phù hợp với các nguyên tắc của Nghị quyết này và năng lực của Việt Nam, Chính phủ sẽ xem xét, trình Hội đồng Quốc phòng an ninh cho ý kiến theo thẩm quyền. Do đó, quy định như dự thảo Nghị quyết để thuận lợi về mặt pháp lý khi triển khai các lĩnh vực mới mà Việt Nam có thế mạnh và có điều kiện tham gia. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm chặt chẽ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho sửa tên Điều là “Hình thức và lĩnh vực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc” và chỉnh lý Điều này như dự thảo Nghị quyết.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nêu rõ, ngoài các vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội và đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý, sắp xếp lại một số điều, khoản cho phù hợp về thể thức, kỹ thuật, bố cục văn bản, tránh chồng chéo, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật và có tính khả thi./.