Quốc hội đã nghe báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021
Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong các ngày từ 02/11 đến ngày 05/11, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và tại Hội trường về phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) năm 2021. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tài chính - Ngân sách phối hợp với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan của Chính phủ tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết về phân bổ NSTW năm 2021.
Kịp thời hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại do thiên tai từ nguồn dự phòng NSTW
Về phương án phân bổ NSTW năm 2021, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị tăng mức phân bổ ngân sách để chi hỗ trợ cho việc khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; tăng hỗ trợ đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các địa phương bị bão lũ ở miền Trung; ưu tiên đầu tư, nâng cấp các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão. Có ý kiến đề nghị ưu tiên hỗ trợ các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một số vùng miền khác trong việc xử lý xâm nhập mặn, hạn hán; quan tâm phân bổ chi ngân sách cho các nhiệm vụ cấp bách như: an ninh nguồn nước, kè biên giới...
Giải trình nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, như ý kiến nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu, từ đầu năm đến nay, thiên tai, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng lớn đến nhiều vùng trên cả nước. Đặc biệt, thời gian vừa qua, bão lũ đã liên tiếp xảy ra tại các tỉnh miền Trung, gây ngập lụt trên diện rộng, sạt lở đất nghiêm trọng ở nhiều nơi, dẫn đến thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề tới đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân trên địa bàn.
Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hỗ trợ kịp thời các địa phương bị thiệt hại về dân sinh và khôi phục cơ sở hạ tầng phát sinh ngoài dự toán từ nguồn dự phòng NSTW, dự trữ của Trung ương và chỉ đạo các địa phương huy động nguồn lực của địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai.
Trong năm 2020, để phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, NSTW đã hỗ trợ 530 tỷ đồng cho 08 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long để khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn; dự kiến hỗ trợ 381,8 tỷ đồng cho 11 địa phương khu vực miền núi phía Bắc để khắc phục thiệt hại do mưa đá, dông lốc, sạt lở cơ sở hạ tầng do thiên tai gây ra trong 8 tháng đầu năm. Đối với ảnh hưởng của mưa lũ miền Trung, Tây Nguyên trong tháng 10/2020, đã bước đầu bổ sung 500 tỷ đồng cho 05 địa phương miền Trung; NSTW sẽ tiếp tục hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại về nhà ở với mức tối đa 40 triệu đồng/hộ có nhà bị sập, đổ, trôi hoàn toàn; 10 triệu đồng/hộ có nhà bị hư hỏng nặng... theo quy định tại Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 5/11/2020 của Chính phủ. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất cấp 28,7 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia, nhiều hàng hóa, vật tư, thuốc men, giống,... để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và sản xuất.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) đã bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ bảo trì, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đê điều, hồ đập... sau bão lũ; dự phòng NSNN để chủ động xử lý các vấn đề cấp bách phát sinh trên.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải khẳng định, trong điều hành NSNN năm 2020 và năm 2021 đã quan tâm đến khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả lũ lụt ở miền Trung, xâm nhập mặn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long…
Đồng thời tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các Bộ, địa phương tiếp tục ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn đầu tư phát triển và sử dụng dự phòng ngân sách hàng năm của Trung ương và địa phương để hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng của thiên tai, khắc phục hậu quả cơ sở hạ tầng thiết yếu do ảnh hưởng của thiên tai; đồng thời rà soát, cân đối tăng mức hỗ trợ từ NSTW cho các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bão lũ thời gian qua trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó chú trọng đầu tư, nâng cấp kè biên giới, an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập.
Đề nghị Chính phủ có phương án bố trí nguồn lực phù hợp để phục vụ cho việc cung cấp vắc-xin phòng, chống dịch
Giải trình về ý kiến của một số đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ việc bố trí và cân đối ngân sách cho phòng chống Đại dịch Covid-19, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, NSTW và ngân sách các địa phương đã chủ động sử dụng nguồn lực bố trí trong dự toán và các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện chi cho phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, do mức độ nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho phép huy động cả nguồn tăng thu, tiết kiệm chi NSTW năm 2019 để đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ cho các địa phương phòng, chống đại dịch Covid-19 và hỗ trợ khó khăn cho người dân và người lao động trong các doanh nghiệp.
Năm 2021, dự toán NSNN trình Quốc hội dự kiến bố trí dự phòng NSNN; chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính và dự trữ quốc gia để chủ động xử lý các vấn đề cấp bách phát sinh trong điều hành như: phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh.... Ngoài ra, dự toán NSTW còn bố trí trong dự toán chi thường xuyên của Bộ Y tế dành cho hoạt động chỉ đạo tuyến về phòng chống dịch bệnh, thực hiện Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, chủ động hơn trong việc dành nguồn lực cho y tế dự phòng, ưu tiên bố trí kinh phí cho y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ có phương án bố trí nguồn lực phù hợp để phục vụ cho việc cung cấp vắc-xin phòng, chống dịch.
Cơ bản đã bố trí đủ vốn thực hiện chính sách an sinh xã hội
Có ý kiến cho rằng một số chính sách đã được phê duyệt nhưng chưa được bố trí ngân sách hoặc bố trí còn thấp, nhất là thực hiện chính sách chi cho con người, chi an sinh xã hội và chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi khó khăn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho biết, việc hỗ trợ kinh phí tăng thêm từ NSTW cho ngân sách địa phương (NSĐP) thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành được thực hiện trên cơ sở nguồn lực của NSTW và khả năng cân đối ngân sách từng địa phương. Trường hợp địa phương không cân đối được nguồn, NSTW sẽ bổ sung, hỗ trợ cho địa phương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Những năm qua, để tăng cường phân cấp, đảm bảo tính chủ động trong điều hành ngân sách của các địa phương, NSTW đã bố trí kinh phí hỗ trợ an sinh xã hội cho các địa phương trong dự toán ngân sách hàng năm. Trên cơ sở báo cáo kết quả thực hiện chính sách của các địa phương, NSTW sẽ bổ sung phần chênh lệch thiếu cho từng địa phương để có nguồn thực hiện các chính sách, chế độ theo đúng quy định. Thời gian qua, các chính sách đã ban hành cơ bản đã được bố trí đủ vốn.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát lại các chính sách đã ban hành, đặc biệt là mức chi để điều chỉnh nếu bất hợp lý và yêu cầu thực hiện nghiêm quy định “chỉ ban hành chính sách mới khi xác định rõ nguồn lực”.
Đối với một số chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg và Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, NSTW đã hỗ trợ các địa phương bằng cả nguồn vốn sự nghiệp và vốn đầu tư. Đến năm 2020, NSTW đã bố trí đủ vốn sự nghiệp để hỗ trợ các địa phương thực hiện các chính sách này. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục bố trí vốn đầu tư cho các địa phương có dự án đủ thủ tục đầu tư gắn với việc lồng ghép thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2021-2025 để thực hiện đầy đủ các chính sách đã ban hành.
Cho phép bố trí vốn ngân sách để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, dự án đầu tư dở dang thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020
Đối với ý kiến đề nghị rà soát lại để bảo đảm cơ cấu chi đầu tư và chi thường xuyên đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ưu tiên phân bổ kinh phí để thực hiện các chính sách cấp bách về sản xuất nông lâm nghiệp, phát triển giáo dục, y tế… hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở các vùng đặc biệt khó khăn, thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho biết, hiện nay, các Bộ chủ quản các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu thuộc giai đoạn 2016-2020 đang phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát nội dung, đối tượng, địa bàn cụ thể để lồng ghép vào Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Dự toán chi NSTW năm 2021 dự kiến dành nguồn trong các lĩnh vực chi NSTW (phần dự toán chưa phân bổ) để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo phê quyệt, các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển dở dang, các chính sách, chế độ, nhiệm vụ chi thường xuyên thuộc các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020 cần tiếp tục triển khai thực hiện, trên cơ sở nguyên tắc: bảo đảm kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách cấp bách liên quan trực tiếp đến con người; các nội dung hỗ trợ khác như: phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; ưu tiên bố trí theo khả năng cân đối của NSTW trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong phương án phân bổ, đề nghị Chính phủ lưu ý việc ưu tiên bố trí cho các nội dung tái định cư, ổn định đời sống nhân dân, có nhà ở cho đồng bào miền núi ở các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 quy định rõ: “Cho phép bố trí vốn ngân sách nhà nước năm 2021 để thực hiện các chế độ, chính sách, nhiệm vụ, dự án đầu tư dở dang thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020 cần tiếp tục triển khai trong năm 2021 cho đến khi các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội quyết định có hiệu lực; đối với một số khoản chi đã có cơ chế, chính sách xác định được nhiệm vụ nhưng chưa có cơ sở tính toán để phân bổ, bố trí cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Chính phủ chịu trách nhiệm rà soát, phân bổ cụ thể đúng quy định của pháp luật”.
Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 cũng đã tiếp thu nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội góp ý về từ ngữ, kỹ thuật văn bản./.