Trước đó, trong các ngày từ 02/11/2020 đến ngày 05/11/2020, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và tại Hội trường về phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) năm 2021. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tài chính -Ngân sách phối hợp với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan của Chính phủ tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết về phân bổ NSTW năm 2021.
Tại phiên họp, sau khi nghe trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về phương án phân bổ NSTW năm 2021 và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ NSTW năm 2021, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ NSTW năm 2021 với 449/451 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,15% tổng số đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết bằng hệ thống điện tử
Nghị quyết của Quốc hội xác định tổng số thu và chi ngân sách trung ương năm 2021. Theo đó, tổng số thu ngân sách trung ương là 739.401 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 603.929 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách trung ương là 1.058.271 tỷ đồng, trong đó dự toán 350.804 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Nghị quyết cũng quy định phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 theo từng lĩnh vực và chi tiết cho từng Bộ, cơ quan trung ương theo các phụ lục số I, II, III và IV; Phân bổ số bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương theo các phụ lục số V và VI; Mức bội thu, mức vay bù đắp bội chi, vay để trả nợ gốc của ngân sách địa phương theo Phụ lục số VII kèm theo.
Quốc hội giao Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng Bộ, cơ quan trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định của pháp luật và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính đặc thù được cấp có thẩm quyền quy định đối với một số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước cho tới khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Trung ương. Giao, hướng dẫn nhiệm vụ thu, chi năm 2021 cho các cơ quan, đơn vị này tiết kiệm chi tối thiểu 15% so với năm 2020.
Cho phép bố trí vốn ngân sách nhà nước năm 2021 để thực hiện các chế độ, chính sách, nhiệm vụ, dự án đầu tư dở dang thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020 cần tiếp tục triển khai trong năm 2021 cho đến khi các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội quyết định có hiệu lực; đối với một số khoản chi đã có cơ chế, chính sách xác định được nhiệm vụ nhưng chưa có cơ sở tính toán để phân bổ, bố trí cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Chính phủ chịu trách nhiệm rà soát, phân bổ cụ thể đúng quy định của pháp luật.
Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021
Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước theo thứ tự ưu tiên đã được quy định trong Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan; ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước, dự án cấp bách, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, các dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn, vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; bố trí vốn cho các dự án đã thực hiện thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung cho các dự án có khả năng hoàn thành; kiên quyết cắt giảm số vốn bố trí không đúng quy định, không bố trí vốn cho các dự án chưa đủ điều kiện, thủ tục đầu tư theo quy định. Đối với các nhiệm vụ, dự án chưa đủ thủ tục đầu tư tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2020, cần tiếp tục hoàn thiện, phân bổ sau khi Quốc hội khóa XV quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán chi ngân sách địa phương, bội chi ngân sách địa phương, tổng mức vay của ngân sách địa phương (bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc), quyết định phân bổ dự toán ngân sách theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.
Điều hành kinh phí chi trả chi phí phát hành, mua lại, hoán đổi, thanh toán trái phiếu chính phủ trong phạm vi dự toán chi trả nợ lãi của ngân sách trung ương năm 2021 được Quốc hội quyết định. Chủ động thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công.
Cho phép tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho địa phương để thực hiện các chính sách về tiền lương, an sinh xã hội do Trung ương ban hành theo nguyên tắc hỗ trợ của giai đoạn 2017-2020.
Đối với một số địa phương thu ngân sách địa phương năm 2021 giảm lớn, ngân sách trung ương hỗ trợ bảo đảm mặt bằng dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2021 không thấp hơn dự toán năm 2017 tính theo đúng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên ngân sách nhà nước đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định; đồng thời, hỗ trợ theo quy định để đảm bảo địa phương này đủ nguồn kinh phí thực hiện chính sách tiền lương, chính sách an sinh xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành.
Quốc hội cũng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan khác ở Trung ương và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp.
Kiểm toán Nhà nước, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tiến hành kiểm toán việc thực hiện phân bổ ngân sách trung ương bảo đảm đúng quy định của pháp luật./.