HỘI THẢO VỀ QUY TRÌNH CHÍNH SÁCH VÀ VAI TRÒ, NĂNG LỰC HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

11/11/2020

Sáng 11/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội thảo “Bàn về quy trình chính sách và vai trò, năng lực hoạch định chính sách của Đại biểu Quốc hội Việt Nam”. TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực chính sách công.

 

Toàn cảnh Hội thảo "Bàn về quy trình chính sách và vai trò, năng lực hoạch định chính sách của Đại biểu Quốc hội Việt Nam"

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Hải Đường cho biết, Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua có điểm mới đáng chú ý liên quan đến quy trình chính sách, đó là quy định về yêu cầu xây dựng nội dung chính sách và báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự án, pháp lệnh. Mặc dù vậy, việc thực thi những quy định này trên thực tế vẫn còn những hạn chế vướng mắc; còn thiếu những nghiên cứu chuyên sau về quy trình hoạch định chính sách, phân tích đánh giá chính sách công để hỗ trợ hoạt động của các Đại biểu Quốc hội trong các giai đoạn của quy trình lập pháp.

Tại hội thảo các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về quy trình chính sách; vai trò, năng lực hoạch định chính sách; mô hình đánh giá chính sách công; ... Đồng thời, các đại biểu cũng phân tích làm rõ mối quan hệ giữa quy trình chính sách và quy trình lập pháp ở Việt Nam và đưa ra nhiều kiến nghị nhằm hoàn thiện mô hình đánh giá chính sách công hiện nay.

Cho ý kiến tại Hội thảo, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cho rằng, các hoạt động của quy trình chính sách có mối quan hệ chặt chẽ với các hoạt động trong các giai đoạn của quy trình lập pháp, có thể coi việc đề xuất chính sách là khởi đầu của quy trình lập pháp; nếu các chính sách được chấp thuận thì các bước tiếp theo của quy trình lập pháp mới được tiếp tục. Các hoạt động của quy trình chính sách và quy trình lập pháp luôn gắn kết, song hành và hỗ trợ nhau với mục đích ban hành các chính sách, quy phạm pháp luật tốt nhất, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống và có tính khả thi cao.

Phân tích về mô hình hoạch định chính sách công, TS. Ngyễn Trọng Bình, Học viện Chính trị khu vực IV, cho biết đến nay, giới nghiên cứu đã đề xuất nhiều mô hình hoạch định chính sách công khác nhau. Trong đó, điển hình nhất là mô hình lý tính (hay còn gọi là mô hình truyền thống) và mô hình xã hội (hay mô hình có sự tham gia).

TS. Nguyễn Trọng Bình kiến nghị, trong bối cảnh mới hiện nay, vận dụng mô hình xã hội trong hoạch định chính sách công là lựa chọn hợp lý và cần thiết. Để tăng cường dân chủ hóa việc hoạch định chính sách công ở nước ta cần coi trọng một số về đề như: coi trọng nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về dân chủ hóa quá trình hoạch định chính sách công; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật, nhất là pháp luật về sự tham gia của người dân trong quá trình hoạch định chính sách công; thực hiện tốt công khai, minh bạch trong quá trình hoạch định chính sách công cũng như tạo lập cơ chế và đa dạng hóa hình thức tham gia của người dân trong quá trình hoạch định chính sách; coi trọng xây dựng các tổ chức tư vấn chính sách nhằm phát huy tốt vai trò của các tổ chức tư vấn trong quá trình xây dựng chính sách;...

Về quy trình lập pháp và quy trình chính sách ở Việt Nam, ông Nguyễn Anh Phương, Viện Nghiên cứu lập pháp, cho rằng trong hoạt động lập pháp nói chung, không dễ để phân biệt giữa quy trình lập pháp với quy trình chính sách, cũng như phân biệt luật với chính sách, làm luật với làm chính sách. Ông Nguyễn Anh Phương bày tỏ quan điểm ủng hộ thiết kế một quy trình lập pháp trong đó tích hợp các công đoạn làm chính sách, nhằm nâng cao vai trò và năng lực hoạch định chính sách của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.

Cho ý kiến về hoàn thiện mô hình đánh giá chính sách công, theo PGS.TS Đỗ Phú Hải, mô hình hiệu quả đánh giá chính sách công chịu ảnh hưởng của một số nhân tốt cơ bản, đó chính là các nguồn lực về tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất trang thiết bị sử dụng cho đánh giá chính sách công. Trong đó, mô hình hiệu quả đánh giá chính sách công phụ thuộc rất lớn vào nguồn lực tài chính liên quan đến huy động và bố trí nguồn lực tài chính cho công việc đánh giá chính sách công. Bên cạnh đó, các mối quan hệ ngang dọc, văn hóa tổ chức nhà nước và giá trị xã hội đều là những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến đánh giá chính sách công. Đánh giá chính sách bị chi phối bởi văn hóa chính trị, yếu tố quốc tế, truyền thông và dư luận xã hội.

PGS. TS Đỗ Phú Hải cũng nhấn mạnh, mô hình hiệu quả đánh giá chính sách công thể hiện mối quan hệ nhân quả giữa hiệu quả đánh giá và tập hợp các biến số độc lập mô phỏng hiệu quả đánh giá chính sách công. Các biến số quyết định hiệu quả đánh giá chính sách công bao gồm việc xác định mục tiêu, cách tiếp cận, phương pháp đánh giá, chủ thể, thể chế và các nhân tố ảnh hưởng đến đánh giá chính sách công luôn biến động tạo nên sự đa dạng các mô hình đánh giá chính sách công trong thực tiễn. 

Cũng tại hội thảo, một số ý kiến đại biểu đề nghị cần phải nhận diện những yếu tố gây ảnh hưởng tới năng lực chính sách của các đại biểu quốc hội để có phương hướng hoàn thiện phù hợp.

Kết luận Hội thảo, TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, đánh giá cao những ý kiến phát biểu và đề nghị Ban Chủ nhiệm đề tài tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện đề tài khoa học cấp Bộ về “Nâng cao năng lực hoạch định chính sách của Đại biểu Quốc hội trong hoạt động lập pháp”./.

Lê Anh