CẦN THIẾT TRIỂN KHAI ĐẦU TƯ DỰ ÁN HỒ CHỨA NƯỚC BẢN MỒNG

05/11/2020

Báo cáo thẩm tra về đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh sự cần thiết triển khai đầu tư Dự án này.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng báo cáo thẩm tra

Báo cáo thẩm tra về đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt đầu tư từ năm 2009 trên địa bàn 02 tỉnh Nghệ An (03 huyện Nghĩa đàn, huyện Quỳ hợp và Quỳ Châu) và tỉnh Thanh Hóa (huyện Như Xuân); các hạng mục chính của công trình đặt tại tỉnh Nghệ An và có một phần lòng hồ tại Thanh Hóa. Hồ có dung tích chứa là 225 triệu m3, khi đưa vào hoạt động sẽ cấp nước tưới cho 18.871 ha cây trồng ven sông Hiếu, cho phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản); cho sản xuất công nghiệp, dân sinh; bổ sung nước về mùa kiệt cho sông Cả với lưu lượng 22 m3/s và 2 hệ thống thủy lợi lớn ở hạ du là Nam và Bắc Nghệ An; cắt giảm lũ cho hạ du sông Hiếu; đồng thời kết hợp phát điện với công suất 45MW.

Dự án này đưa vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết được 1/3 nhu cầu thiếu nước của Nghệ An, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) khu vực Tây Nghệ An và Nam Thanh Hóa - là khu vực thường xuyên thiếu nước nhưng lại có diện tích đất rộng, thích hợp cho phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, Dự án còn tạo sự kết nối, điều tiết nước trong hệ thống công trình thủy lợi khu vực bắc trung bộ nói chung và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa nói riêng. Vì vậy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với tầm quan trọng và sự cần thiết của Dự án.

Về việc triển khai thực hiện Dự án, như báo cáo số 462/BC-CP đã nêu, Dự án Hồ Chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An thuộc nhóm A; cấp quyết định chủ trương đầu tư là Thủ tướng Chính phủ (văn bản số 154/TTg-NN ngày 20/1/2006); cấp quyết định phê duyệt đầu tư là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Quyết định số 1478/QĐ-BNN-XD, ngày 26/5/2009). Dự án được chia làm 04 hợp phần chính gồm: Hợp phần công trình đầu mối, hệ thống kênh lấy nước trực tiếp từ hồ Bản Mồng do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 4 làm chủ đầu tư; Hợp phần các trạm bơm lấy nước từ Sông Hiếu và hệ thống kênh kèm theo do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư; Hợp phần đền bù, di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư (phần địa bàn tỉnh Nghệ An); do UBND huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư (phần địa bàn tỉnh Thanh Hóa); Hợp phần công trình thủy điện do Tổng công ty Cơ điện, xây dựng Nông nghiệp và Thủy lợi (AGRIMECO) làm chủ đầu tư. Thời gian dự kiến hoàn thành công trình là 5 năm tính từ ngày khởi công.

Về các giai đoạn của Dự án, Dự án đã được khởi công năm 2010 nhưng đến năm 2011 Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 1792/CT-TTg cho dừng giãn tiến độ Dự án và chọn điểm dừng kỹ thuật do khó khăn về vốn. Vì vậy, Dự án dừng thi công các hạng mục chính nhưng trong thời gian này vẫn phải triển khai một số hạng mục theo điểm dừng kỹ thuật, phù hợp với nguồn vốn đã bố trí. Đến năm 2017, Dự án được bố trí vốn trở lại trong nguồn vốn trung hạn 2016-2020 để tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, trong thời gian này có sự thay đổi về chỉ số giá xây dựng, về tăng định mức bồi thường hỗ trợ tái định cư (trước đây định mức hỗ trợ, bồi thường được tính theo Nghị định 84/2007/NĐ-CP nhưng đến năm 2017 lại thực hiện theo Nghị định 47/2014/NĐ-CP) nên nguồn kinh phí bố trí không đủ để thực hiện Dự án. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ (Văn bản số 3842/BNN- KH ngày 10/5/2017) xin điều chỉnh và được Thủ tướng Chính phủ cho phép phân kỳ đầu tư thành 02 giai đoạn (Văn bản số 8359/VPCP-NN, ngày 9/8/2017) để phù hợp với việc bố trí vốn theo quy định của Luật Đầu tư công (năm 2014) và tăng hiệu quả sử dụng công trình (hoàn thành phần nào đưa vào hoạt động phần đó). Cụ thể: Giai đoạn 1 (đến năm 2020) cơ bản hoàn thành công trình đầu mối để tích nước 225 triệu m3, tạo nguồn nước tưới cho cây trồng, cấp nước về hạ du cho mùa kiệt 22 m3/s; xây dựng 08 trạm bơm ven sông Hiếu để tưới 3.098 ha. Giai đoạn 2 (sau năm 2020): hoàn thành các công việc còn lại (gồm hệ thống kênh dẫn, giải phóng mặt bằng, tái định cư...).

Ngày 28/6/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 2749/QĐ-BNN-XD về việc phê duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư giai đoạn 1 đối với một số hạng mục chi của Dự án. Nội dung điều chỉnh chủ yếu là phần vốn đầu tư cho bồi thường giải phóng mặt bằng; một số chỉ tiêu kỹ thuật do cập nhật tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới; lựa chọn phương án chống ngập tối ưu để hạn chế tối đa diện tích bị ngập, số lượng hộ dân phải di dời khi giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án (theo phương án được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, số lượng hộ dân phải di dời giảm từ 1.225 hộ xuống dưới 300 hộ (Nghệ An là 178 hộ, Thanh Hóa là 118 hộ), giảm diện tích rừng bị ngập, bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa); đồng thời, các điều chỉnh này không làm thay đổi quy mô, công suất của Dự án.

Qua nghiên cứu báo cáo và khảo sát thực tế tại công trình đầu mối, khu vực lòng hồ Dự án, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng là dự án cấp thiết về hạ tầng kỹ thuật nhưng việc bố trí vốn còn chậm, phải dừng dãn tiến độ; lúc tái khởi động lại gặp nhiều vấn đề phát sinh nên thời gian thực hiện Dự án đã kéo dài hơn 10 năm. Hiện tại, đối với hợp phần xây dựng: các hạng mục chính đã cơ bản hoàn thành, công trình đầu mối (đập, trạm bơm, cống xả sâu) đã thi công được trên 80%; tổng khối lượng thi công toàn Dự án ước đạt gần 90%, giải ngân đạt 77%, dự kiến đến cuối năm 2020 cơ bản hoàn thành.

Tuy nhiên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng chỉ ra khó khăn chính đối với Dự án hiện nay là: Tiến độ giải phóng mặt bằng cho thực hiện Dự án còn chậm, mới thực hiện được 790,14 ha trên địa bàn tỉnh Nghệ An (gồm 404,14 ha phục vụ cho xây dựng công trình đầu mối, trạm bơm, cống và 386 ha lòng hồ); khối lượng phải giải phóng mặt bằng còn lại gồm 1.383 ha thuộc tỉnh Nghệ An, 681 ha thuộc tỉnh Thanh Hoá; Một số hạng mục công trình xây dựng chưa xong do phải dừng vì liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất thuộc thẩm quyền của Quốc hội (tràn xả lũ dừng ở cao trình +55,0/63,6 m để xả lũ, hạn chế diện tích ngập rừng lòng hồ).

Do vậy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường  đề nghị, thời gian tới, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo giải quyết tốt các vấn đề phát sinh do trượt giá, điều chỉnh kỹ thuật theo hướng tối ưu hóa, đặc biệt vấn đề giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư cho người dân khu vực Dự án (thuộc trách nhiệm UBND tỉnh Nghệ An, UBND huyện Như Xuân, Thanh Hóa); bảo đảm nguồn vốn cho giai đoạn 2 để Dự án sớm đưa vào hoạt động./.

Hồ Hương