QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN TRỰC TUYẾN VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM

27/05/2020

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, chiều ngày 27/5, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.

 

Toàn cảnh Phiên họp

Tại Phiên họp, các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận váo các nội dung như: phân tích và đánh giá về tình hình xâm hại trẻ em giai đoạn từ 01/01/2015 đến 30/6/2020 và dự báo tình hình xâm hại trẻ em trong thời gian tới; đánh giá về tình hình ban hành chính sách, pháp luật và việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Phân tích và đánh giá rõ những kết quả đã đạt được, những hạn chế yếu kém, bất cập trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trong thời gian qua. Đồng thời, phân tích nguyên nhân của những kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế, bất cập, yếu kém trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em; xác định trách nhiệm và rút ra các bài học kinh nghiệm trong công tác này; đánh giá, cho ý kiến về những giải pháp, kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận và cho ý kiến cụ thể vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Phát biểu thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành cao với nhận xét của Đoàn giám sát rằng cùng với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em. Tuy nhiên, vẫn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em, trong đó nhiều vụ xâm hại nghiêm trọng. Ngoài ra, còn số lượng khá lớn trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động, trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc và trẻ em tảo hôn.

Cho ý kiến tại Phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Phúc- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, đánh giá, qua cáo cáo có thể thấy thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai đồng bộ, nghiêm túc các giải pháp về phòng, chống xâm hại trẻ em, nhiều chính sách và văn bản dưới Luật được ban hành kịp thời; công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục tích cực…Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm nguyên nhân của tình hình xâm hại trẻ em. Theo đại biểu, nếu tìm được rõ nguyên nhân thì sẽ xác định rõ trách nhiệm, kiến nghị được các cấp các ngành có biện pháp khả thi hơn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, về thực hiện chính sách pháp luật về nội dung này, đề nghị bổ sung trong báo cáo một số hạn chế như việc việc tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến xâm hại trẻ em còn nhiều khó khăn do tâm lý của trẻ em hoang mang lo sợ, hoặc sự việc xảy ra sau một thời gian ngại, tâm lý gia định ngai công khai vấn đề nhạy cảm…; công tác tiếp cận trẻ em bị xâm hại còn nhiều vướng mắc; nhân lực của công tác quản lý nhà nước về trẻ em là kiêm nhiệm; kinh phí cho công tác bảo vệ trẻ em là rất thấp, công tác hỗ trợ trẻ em chưa linh động. Từ phân tích trên đại biểu đề nghị bổ sung giải pháp Chính phủ cần đưa mục tiêu bảo vệ trẻ em là mục tiêu quốc gia và chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện chính sách về bảo vệ trẻ em.

Đại biểu Trần Thị Vĩnh Nghi phát biểu từ điểm cầu trực tuyến

Cũng tham gia phát biểu từ điểm cầu trực tuyến, đại biểu Trần Thị Vĩnh Nghi- Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ, tán thành với nhận xét của Đoàn Giám sát về nguyên nhân chủ quan của những tồn tại hạn chế, trong đó có nguyên nhân một số cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nhận thức chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, chưa thực sự quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng, thậm chí, một số nơi còn coi nhẹ công tác này. Đồng thời, đại biểu đề nghị làm rõ nội dung, qua thực tiễn rà soát hệ thống văn bản của các tỉnh/ thành cho thấy văn bản chỉ đạo ở lĩnh vực này đều do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu và đề xuất, đây là cơ quan tham mưu chính. Nhưng việc thiếu công tác tham mưu từ các ngành có liên quan về trẻ em dẫn đến tình trạng công tác này chưa đạt được kết quả như mong muốn. Đưa ra kiến nghị đối với Chính phủ, đại biểu đề nghị Chính phủ ban hành chương trình phòng chống xâm hại trẻ em trong môi trường giáo dục vào năm 2020; ngành giáo dục phải đáp ứng được cơ sở vật chất an toàn, đảm bảo trường, lớp kiên cố.

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Phan Viết Lượng- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước, chỉ ra rằng sự phát triển của kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế cũng có nhiều tác động tiêu cực đến trẻ em; xâm hại trẻ em ngày càng tinh vi, bất thường, người bị xâm hại tuổi còn nhỏ, nhiều vụ việc được người thân phát hiện nhưng không dám tố giác. Bảo vệ chăm sóc trẻ em là trách nhiệm, nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội. Trong thời gian tới, tình hình xâm hại trẻ em có thể ngày càng khó khăn, phức tạp, vì vậy cần phải quan tâm về mọi mặt để đạt được mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi xâm hại trẻ em. Do đó, đại biểu đề nghị tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; ban hành nhiều chính sách mới đối với trẻ em; các Bộ, ngành cần quan tâm sáng tạo trong việc triển khai các chương trình giáo dục, văn hóa cho trẻ em; tăng cường công tác điều hòa phối hợp của các cơ quan, tổ chức được giao thực hiện nhiệm vụ về trẻ em; tăng cường công tác thanh tra, giám sát về việc thực hiện các nhiệm vụ này.

Đại biểu Phan Viết Lượng cho ý kiến

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ: Qua một ngày thảo luận tâm huyết, thẳng thắn, sôi nổi, các đại biểu Quốc hội đánh giá đây là một chuyên đề giám sát thiết thực; hoan nghênh Đoàn Giám sát trong thời gian dịch bệnh Covid-19 đã nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra. Các đại biểu Quốc hội tán thành nhận định, cùng với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em. Tuy nhiên tình hình xâm hại trẻ em vẫn còn phức tạp và có xu hướng gia tăng, do đó cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn tình trạng này. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn Giám sát phối hợp các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua./.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh