KHÔNG LÀM PHỨC TẠP THÊM QUY TRÌNH BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

31/03/2020

Cho ý kiến lần hai về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại phiên họp thứ 43, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc sửa đổi là cần thiết để làm rõ thêm và tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan trình và cơ quan thẩm tra, đảm bảo chất lượng của dự án luật nhưng không làm xáo trộn và phức tạp thêm quy trình.

 

Về trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 41, dự thảo Luật bổ sung một số quy định cho thống nhất và phù hợp với thực tế đang thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Theo đó, bổ sung quy định cơ quan soạn thảo, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án có trách nhiệm nghiên cứu, dự kiến sơ bộ nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận ở Tổ đại biểu Quốc hội để gửi tới đại biểu Quốc hội trước khi thảo luận tại Hội trường.

Đối với các dự án luật được xem xét, thông qua theo quy trình tại 2 kỳ họp hoặc 3 kỳ họp, quy định cụ thể thời hạn cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất nội dung dự kiến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo theo ý kiến của đại biểu Quốc hội để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời gửi Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày Quốc hội kết thúc thảo luận Hội trường.

Khi lấy ý kiến của các Ủy ban về nội dung tiếp thu, hoàn chỉnh đối với dự án luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cân nhắc không quy định trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan trình trong việc dự kiến, đề xuất nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, vì cho rằng quy định như vậy dẫn đến sự thiếu thống nhất trong phân công, có thể làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các cơ quan và không đủ thời gian dành cho cơ quan thẩm tra để nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.

Tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng cho rằng phương án Ủy ban Pháp luật đề xuất hơi phức tạp và trên thực tế thì sẽ rất khó để xử lý, rất khó khăn cho cơ quan thẩm tra, đặc biệt đối với các dự án luật phức tạp vì không còn thời gian vật chất.

Hơn nữa, quy trình như vậy sẽ không thống nhất đối với các dự án luật thông qua tại một kỳ họp. Đều là luật nhưng quy trình lại khác đối với từng dự án nếu như thông qua tại 1, 2 hay 3 kỳ họp.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, bổ sung thêm quy định “cơ quan trình dự án đề xuất nội dung dự kiến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan chủ trì thẩm tra” không những không xử lý được vấn đề cắt khúc mà lại cắt khúc bé hơn trong giai đoạn giữa hai kỳ họp. Cơ quan trình dự kiến nội dung giải trình, cơ quan thẩm tra nghiên cứu giải trình và sau đó báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Khi đó, vai trò chủ thể chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối là không rõ, như vậy sẽ lại càng khó khăn khi xác định trách nhiệm nếu phát sinh vấn đề.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết thêm, Chính phủ tiếp tục đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép xin ý kiến Quốc hội với 2 phương án: một là cơ quan trình chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý và hai là quy định như hiện hành.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, quy trình giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật xác định rõ ràng. Khi Quốc hội thảo luận, Bộ trưởng chỉ giải trình, làm rõ các vấn đề mà các đại biểu quan tâm. Trách nhiệm giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cơ quan thẩm tra chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thực hiện tiếp thu, giải trình và hoàn chỉnh dự án Luật.

Nhấn mạnh sửa đổi Luật lần này là nhằm tăng cường phối hợp giữa cơ quan trình và cơ quan thẩm tra để nâng cao chất lượng xây dựng luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết thêm thực tế quy trình hiện nay không có vướng mắc, nhiều khóa Quốc hội đang làm theo quy trình này. Riêng Khóa XIV, Quốc hội có cải tiến nâng cao, tạo điều kiện thêm cho cơ quan trình có điều kiện để báo cáo làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Thực tế trước đây, khi một dự án luật của Chính phủ trình thì Bộ trưởng của cơ quan chủ trì soạn thảo rất vất vả để làm Trưởng Ban soạn thảo. Chính phủ khi đó chưa tập trung dành thời gian nhiều để đầu tư cho việc thảo luận luật mà chủ yếu vẫn là cơ quan giao chủ trì soạn thảo. Khi đi nghe ý kiến, Bộ trưởng chỉ lần đầu tiên đi đến báo cáo giải trình, những lần tiếp theo cử thứ trưởng, nay thứ trưởng này, mai lại thứ trưởng khác. Ra Quốc hội lần thứ hai lại khoán trắng hết cho cơ quan chủ trì thẩm tra. Vì thế Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cải tiến, yêu cầu khi thảo luận lần một hay lần hai, Bộ trưởng đều phải có mặt, bảo đảm chịu trách nhiệm cho tới cùng trước Chính phủ, giúp cho Chính phủ trình dự thảo này. Quy định này cũng tạo điều kiện để Bộ trưởng báo cáo rõ thêm trước Quốc hội về những vấn đề còn ý kiến khác nhau, cũng chính là tạo điều kiện cho Chính phủ bảo vệ quan điểm trước Quốc hội rất rõ ràng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, gần đây có bước tiến bộ hơn khi Chính phủ phân công cho cơ quan chủ trì, Bộ trưởng thay mặt chuẩn bị tiếp thu phần thảo luận, Quốc hội vừa thảo luận xong ở tổ, ở hội trường là có báo cáo tiếp thu, giải trình gửi Quốc hội. Chính vì thực tế đó nên lần này khi sửa đổi, bổ sung các Điều 74, 75, 76, 77 vẫn vẫn theo hướng như quy định hiện hành “không đổi vai”, nhưng có bổ sung thêm các công đoạn để làm rõ thêm và tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan trình và cơ quan thẩm tra, đảm bảo chất lượng của dự án luật trình.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, thời gian giữa hai kỳ họp bình quân là khoảng 4 tháng để tiếp thu, chỉnh lý một dự án luật, trong đó mất  khoảng 30 ngày cho cơ quan trình để chuẩn bị báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến, tức là cơ quan chủ trì thẩm tra còn lại 3 tháng. Trong 4 tháng giữa 2 kỳ họp có những dự án luật Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải nghe 2 lần, những dự án luật đơn giản, không có ý kiến khác nhau là một lần lấy ý kiến, nhưng có những dự án luật phải thảo luận 2 lần. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thể hiện lại các điều khoản sửa đổi, bổ sung cho đơn giản hơn, tránh quá nhiều chữ nghĩa rườm rà, không phức tạp quá các điều khoản của dự án luật. Đồng thời xem xét quy định bổ sung công đoạn mà làm phức tạp thêm trình tự, thủ tục thì thực sự có cần thiết hay không trong bối cảnh đổi mới thủ tục hành chính trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Sửa đổi luật là cần thiết nhưng không đến mức do luật này mà ách tắc trong việc làm luật hay ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nên chỉ sửa đổi, bổ sung những gì thực sự cần thiết, bất cập, không làm xáo trộn và phức tạp thêm quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.

Bảo Yến