Ngày 06 tháng 9 năm 2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 570/NQ-UBTVQH14 về việc điều chuyển dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động năm 2018 của Tổng cục Thuế cho Tổng cục Hải quan (Nghị quyết 570/NQ-UBTVQH14), trong đó đề nghị Chính phủ “Tổ chức đánh giá, rà soát và đề xuất sửa đổi các tỷ lệ khoán kinh phí đảm bảo hoạt động cho Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016-2020 quy định tại Nghị quyết 1094/NQ-UBTVQH13 ngày 18 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phù hợp với việc tinh giản và sắp xếp lại bộ máy, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và áp dụng cho các năm 2019, 2020”.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 570/NQ-UBTVQH14 về việc điều chuyển dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động năm 2018 của Tổng cục Thuế cho Tổng cục Hải quan, Chính phủ đã tổ chức đánh giá tình hình thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan trong giai đoạn 3 năm 2016-2018, trên cơ sở đó đề xuất điều chỉnh các tỷ lệ khoán kinh phí đảm bảo hoạt động đối với 2 Tổng cục trong 2 năm 2019, 2020.
Triển khai thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế đạt kết quả tích cực
Theo đánh giá của Chính phủ, sau 03 năm thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế theo Nghị quyết số 1094/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 13/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kết quả đạt được trong hoạt động của 2 Tổng cục là tích cực và tương đối toàn diện trên các mặt công tác, cơ bản đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trao đổi về các nội dung trình của Chính phủ tại Phiên họp toàn thể lần thứ 43 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách
Trong 03 năm, cả hai cơ quan liên tiếp hoàn thành vượt dự toán thu NSNN được giao và tăng cao so với số thực hiện năm trước. Đối với Tổng cục Thuế: số thu nội địa và dầu thô năm 2016 vượt 10,8% so với dự toán, tăng 22,6%; năm 2017 vượt 6,2% so với dự toán, tăng 14,7%; năm 2018 vượt 7,3% so với dự toán, tăng 11,6% so với thực hiện năm trước. Đối với Tổng cục Hải quan: số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2016 vượt 0,5% so với dự toán, tăng 3,5%; năm 2017 vượt 4,2%, tăng 9,5%; năm 2018 vượt 11,3%, tăng 6% so với thực hiện năm trước.
Công tác cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh; quy trình nghiệp vụ quản lý được cải tiến theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; chất lượng hoạt động nghiệp vụ từng bước cải thiện, bảo đảm tính công khai, minh bạch, đơn giản, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhân dân thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và tham gia vào quá trình giám sát công chức thuế, hải quan thực thi pháp luật.
Tổ chức bộ máy được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả; từng bước kiện toàn và xây dựng lực lượng cán bộ, công chức, viên chức Thuế và Hải quan trong sạch, vững mạnh, có trình độ chuyên môn cao
Việc sử dụng kinh phí được giao đảm bảo đúng chính sách, chế độ, tiết kiệm và hiệu quả, tạo điều kiện bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức; công tác công khai, dân chủ được chú trọng thực hiện. Cơ chế quản lý tài chính và biên chế theo Nghị quyết số 1094/NQ-UBTVQH13 đã trao quyền tự chủ cho thủ trưởng đơn vị (Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Chi Cục trưởng) trong công tác tổ chức công việc, sử dụng lao động và sử dụng các nguồn lực tài chính.
Xác định tỷ lệ khoán kinh phí bảo đảm hoạt động cho từng Tổng cục chưa sát thực tế
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với 2 Tổng cục trong 03 năm qua cũng còn một số hạn chế như cơ chế giao dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động cho 2 Tổng cục còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt.
Mặt khác, việc bố trí vốn đầu tư hàng năm cho 2 Tổng cục không đảm bảo mức theo chế độ quy định.Về vốn đầu tư xây dựng ngân sách tập trung của 2 Tổng cục (theo cơ chế được phê duyệt tối thiểu 10% dự toán theo cơ chế quy định), tuy nhiên do nguồn kinh phí còn hạn chế, nên dự toán chi đầu tư giao cho 2 Tổng cục luôn ở mức rất thấp như báo cáo nêu trên, gây khó khăn lớn trong tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, các tỷ lệ khoán chi được xác định dựa trên cơ sở bối cảnh kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế và khả năng ngân sách năm 2015, chưa lường hết tác động của điều kiện bên ngoài và những yêu cầu đổi mới trong sắp xếp lại bộ máy cơ quan nhà nước, cải cách hành chính và quản lý tài chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Đối với Tổng cục Thuế, số thu NSNN được giao thực hiện làm cơ sở xác định kinh phí bảo đảm hoạt động hằng năm đều tăng, dẫn tới dự toán kinh phí được giao cũng tăng lên. Trong khi đó, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực và hiệu quả, Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch sáp nhập các Chi cục Thuế thành Chi cục Thuế khu vực. Theo đó, việc triển khai mua sắm tài sản, đầu tư xây dựng của các Chi cục Thuế đã phải tạm dừng để rà soát, đánh giá lại nhu cầu, đảm bảo sử dụng kinh phí tiết kiệm, tránh lãng phí. Do đó, 2 năm 2017-2018 Tổng cục Thuế không sử dụng hết dự toán kinh phí thường xuyên được giao, số kinh phí chuyển nguồn sang năm sau lớn hơn.
Đối với Tổng cục Hải quan, tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đã được dự báo trong quá trình xác định tỷ lệ khoán chi cho Tổng cục. Tuy nhiên, do tiến trình hội nhập nhanh và sâu hơn dự kiến, kết hợp với ảnh hưởng của tình hình chính trị - thương mại toàn cầu đã tác động không thuận đến số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (số thu hàng năm không tăng, hoặc tăng không đáng kể). Đồng thời, đòi hỏi phải đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa công tác quản lý thu Hải quan để phù hợp với trình độ các nước và đủ năng lực để ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại qua biên giới. Thực tế, từ năm 2016 đến nay, dự toán thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu cơ bản không tăng nên dự toán kinh phí chi bảo đảm hoạt động hàng năm giao cho Tổng cục Hải quan cũng không tăng, hoặc tăng không đáng kể.
Tờ trình của Chính phủ cho rằng, xu hướng không sử dụng hết kinh phí được giao của Tổng cục Thuế; trong khi Tổng cục Hải quan không đủ nguồn lực để đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa công tác quản lý và quy trình thu Hải quan. Thực tế này đòi hỏi có sự điều chỉnh tỷ lệ khoán kinh phí bảo đảm hoạt động cho từng Tổng cục trong 2 năm còn lại của giai đoạn 2016 -2020, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Quang trao đổi tại phiên họp toàn thể của Ủy ban
Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan trong giai đoạn 3 năm 2016-2018, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án điều chỉnh tỷ lệ khoán kinh phí bảo đảm hoạt động cho 2 Tổng cục trong năm 2019 và 2020 trên cơ sở nguyên tắc đảm bảo đủ kinh phí đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ chi của từng Tổng cục trong 2 năm 2019 và 2020, đồng thời, không làm tăng dự toán chi ngân sách trung ương năm 2019 đã được Quốc hội quyết định; không làm tăng mức bố trí dự toán chi ngân sách trung ương năm 2020 so với mức được bố trí theo chế độ hiện hành.
Đề nghị giải trình làm rõ nguyên nhân giao dự toán chi đầu tư thấp
Trước đó, tại phiên họp toàn thể lần thứ 42 (tháng 2/2020), Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã thẩm tra Tờ trình số 02/TTr-CP. Ủy ban Tài chính – Ngân sách ghi nhận và đánh giá việc thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan trong giai đoạn 03 năm 2016-2018 đã mang lại những kết quả tích cực, song cũng còn hạn chế và phát sinh những vấn đề cần phải xử lý để đảm bảo phù hợp với tình hình mới. Thực tế việc không sử dụng hết kinh phí được giao của Tổng cục Thuế qua các năm, trong khi kinh phí cấp cho Tổng cục Hải quan lại không đủ cho thấy việc xác định tỷ lệ là chưa sát, dẫn đến việc luôn phải đề xuất điều chỉnh.
Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 43 (tháng 3/2020), cho ý kiến về nội dung này, Ủy ban Tài chính – Ngân sách thống nhất với nội dung nêu tại Tờ trình của Chính phủ, đánh giá cao các kết quả đạt được trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, tăng cường hiệu quả hoạt động và cải cách bộ máy của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan. Trong đó, nhấn mạnh việc 2 Tổng cục đã thực hiện tốt việc đảm bảo nguồn thu NSNN, hoàn thành vượt dự toán thu trong các năm và tăng cao hơn so với thực hiện năm trước. Thu nội địa và dầu thô vượt dự toán trung bình ở mức 8,1% và tăng trung bình 16,3% so với năm trước, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt dự toạn ở mức trung bình 5,3% và tăng trung bình 4,56% so với năm trước.
Cùng với đó, công tác cải cách thủ tục hành chính đạt được nhiều thành quả đáng kể, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả và ngày càng hiện đại, góp phần nâng cao tín nhiệm quốc gia như việc cung cấp các thủ tục hành chính trực tuyến, khai/nộp thuế điện tử được thực hiện với tỷ lệ rất cao (99,93% đối với khai thuế và 96,42% đối với nộp thuế) hệ thống một cửa quốc gia, một cửa ASEAN.
Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng ghi nhận tổ chức bộ máy cũng được tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả là một trong 3 bộ ngành đi đầu trong công tác cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp
Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, trong 3 năm dự toán chi đầu tư giao cho 2 Tổng cục luôn ở mức rất thấp (Tổng cục Thuế bằng 0,34%, Tổng cục Hải quan bằng 0,77%), trong khi đó, theo Nghị quyết số 1094/NQQ-UBTVQH12 là 10%, gây khó khăn lớn trong tổ chức thực hiện, dẫn đến thực tế tỷ lệ giao kinh phí hoạt động cho Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan trên dự toàn thu ngân sách hàng năm trong giai đoạn 2016-2018 luôn thấp hơn so với tỷ lệ khoán kinh phí đảm bảo hoạt động cho hai Tổng cục đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị giải trình làm rõ nguyên nhân giao dự toán chi đầu tư thấp hoặc không bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, còn chi thường xuyên cơ bản vẫn đảm bảo tỷ lệ./.