CẦN CÓ QUY ĐỊNH VỀ CƠ CHẾ PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH TRONG LUẬT THANH NIÊN (SỬA ĐỔI)

11/03/2020

Tại Hội nghị “Tham vấn ý kiến xây dựng Luật Thanh niên (sửa đổi) do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức vừa qua, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) cần bổ sung các quy định về cơ chế phối hợp liên ngành để huy động nguồn lực của toàn xã hội để chăm lo, giáo dục đào tạo thanh niên.

Công tác thanh niên và quản lý thanh niên có tính liên ngành

Thanh niên là đội quân xung kích cách mạng, sẵn sàng đón nhận những việc mới, việc khó; xung phong lên rừng, xuống biển theo tiếng gọi của Tổ quốc. Trong mọi thời kỳ cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, chỉ thị về thanh niên và công tác thanh niên. Việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng đối với thanh niên và công tác thanh niên thành các chính sách, pháp luật của Nhà nước ngày càng được quan tâm nhiều hơn nhằm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thanh niên thành lực lượng hùng hậu, trung thành, kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Theo đó, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, các chủ thể xã hội có trách nhiệm tham gia làm công tác thanh niên và công tác quản lý thanh niên.

Các đại biểu cho rằng, công tác thanh niên và công tác quản lý thanh niên là công tác có tính liên ngành - công tác không phải do một ngành, một cấp hay một đoàn thể nào thực hiện.

Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh phát biểu

Để có những chính sách phát triển thanh niên phù hợp và đi vào cuộc sống, các đại biểu cho rằng, cần có sự phối hợp liên ngành để xây dựng và thực hiện chính sách cho thanh niên. Do vậy, đề xuất cơ chế phối hợp liên ngành trong việc xây dựng, ban hành và thực thi chính sách phát triển thanh niên trong Luật Thanh niên (sửa đổi) là cần thiết và thiết thực.

Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho rằng, cơ chế phối hợp liên ngành trong việc thực hiện chính sách phát triển thanh niên sẽ giúp huy động sức mạnh (nguồn lực) của toàn xã hội để chăm lo, giáo dục đào tạo thanh niên Việt Nam trở thành công dân tốt và nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo đó, ngành Nội vụ có thể phối hợp với các ngành, địa phương, tổ chức quần chúng và các ngành ở Trung ương và địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Uỷ ban quốc gia về thanh niên, các tổ chức quần chúng nhân dân (phi chính phủ), các đơn vị kinh tế, xã hội, lực lượng vũ trang; các cơ quan thông tin đại chúng và các tổ chức quốc tế,…  để lồng ghép chương trình, kế hoạch phát triển thanh niên vào chương trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, đơn vị; lồng ghép với chương trình, đề án, dự án, kế hoạch của ngành, đoàn thể và đơn vị; ký nghị quyết, chương trình, kế hoạch liên tịch để xây dựng và thực hiện chính sách phát triển thanh niên.

Đề xuất quy định về cơ chế phối hợp liên ngành trong dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi)

Tại hội nghị, các đại biểu đã mạnh đề xuất các quy định về cơ chế phối hợp liên ngành trong việc xây dựng và thực thi chính sách phát triển thanh niên ở Việt Nam nhằm làm rõ cơ sở pháp lý, thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan trong công tác quản lý thanh niên.

Theo đó, dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) cần quy định nguyên tắc, phương thức, nội dung và trách nhiệm phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong xây dựng và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án, dự án và các chính sách khác liên quan đến thanh niên nhằm tăng cường trách nhiệm, năng lực quản lý và sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên. Đồng thời, bảo đảm các chính sách, pháp luật đối với thanh niên được tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời và đạt kết quả tốt; và nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với với thanh niên và công tác thanh niên trong phạm vi toàn quốc.

Toàn cảnh hội nghị

Cụ thể, Bộ Nội vụ sẽ là đầu mối đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên. Các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm ban hành chính sách, pháp luật đối với thanh niên theo ngành, lĩnh vực; đồng thời có trách nhiệm chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan khác ở Trung ương và địa phương trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên. Trường hợp giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan phối hợp có ý kiến khác nhau trong việc xây dựng chính sách, pháp luật đối với thanh niên thì Bộ Nội vụ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp và cơ quan chủ trì soạn thảo thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định để thống nhất nội dung trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành.

Nội dung phối hợp sẽ tập trung vào việc xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật đối với thanh niên; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về thanh niên, công tác thanh niên; việc triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên; việc cung cấp thông tin, số liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước về công tác thanh niên; việc kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về chính sách, pháp luật đối với thanh niên… Bộ Nội vụ chủ trì, làm đầu mối trong việc tổ chức thực hiện.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cần trao đổi, thống nhất với Bộ Nội vụ trong việc ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật, đề án, dự án, chương trình, kế hoạch chiến lược liên quan đến thanh niên do các bộ,  cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tham mưu, đề xuất. Đồng thời đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp đối với thanh niên thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành mình; phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức đoàn kiểm tra và xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành, lĩnh vực. 

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng cần quy định trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đối với thanh niên khi có yêu cầu và tổ chức kiểm tra việc xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên tại địa phương.

Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam cũng cần phối hợp với các tổ chức, cơ quan có liên quan thực hiện chức năng tư vấn của Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh niên, giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan, tổ chức liên quan giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về công tác thanh niên.  Đồng thời, phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu, đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách về thanh niên và công tác thanh niên;, tổ chức liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện pháp luật, chính sách thanh niên và công tác thanh niên.

Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các đại biểu đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội trong việc xây dựng và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách đối với thanh niên của các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban dân dân các tỉnh trong việc tham gia xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên.

Các đại biểu khẳng định, công tác phối hợp liên ngành trong việc thực hiện chính sách là rất khó và phức tạp bởi không cơ quan nào tự mình muốn làm thêm công việc không trực tiếp tác động đến đối tượng quản lý của bộ, ngành và địa phương mình. Trong khi đó, chính sách phát triển thanh niên là chính sách vĩ mô của Nhà nước nhằm tác động và điều chỉnh một lớp người trong độ tuổi nhất định từ đủ 16 đến 30 tuổi là rất rộng và thuộc trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, song nếu các quy định về cơ chế phối hợp liên ngành được “luật hóa” trong Luật Thanh niên (sửa đổi) sẽ xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương đối với thanh niên. Theo đó, sẽ giải quyết được những vướng mắc, bất cập hiện nay trong việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách phát triển thanh niên./.

Thu Phương