LỒNG GHÉP VẤN ĐỀ GIỚI TRONG DỰ THẢO LUẬT PHÒNG, CHỐNG NHIỄM VIRUS GÂY RA HỘI CHỨNG SUY GIẢM MIỄN DỊCH MẮC PHẢI Ở NGƯỜI (HIV/AIDS)

11/03/2020

Báo cáo tại Hội nghị đánh giá tác động xã hội và tác động giới của chính sách trong đề nghị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và điều chỉnh chương trình năm 2020 do Ủy ban Về các vấn đề xã hội phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức đầu tháng 3 vừa qua, đại diện Cơ quan soạn thảo cho biết đã tiến hành lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống nhiễm virut gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).


Đại diện Bộ Y tế báo cáo một số nội dung

Theo Cơ quan soạn thảo- Bộ Y tế cho biết, pháp luật về bình đẳng giới có quy định chung về lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Theo Điều 21 Luật Bình đẳng giới năm 2006, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, chuẩn bị báo cáo việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo các nội dung cụ thể. Trong quá trình lập đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống nhiễm virut gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) với các hoạt động và hoàn thiện Hồ sơ, Bộ Y tế với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo đã quan tâm, thực hiện đầy đủ việc lồng ghép bình đẳng giới, phù hợp với quy định của Luật Bình đẳng giới.

Về xác định vấn đề giới và các biện pháp giải quyết trong lĩnh vực mà văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, Bộ Y tế cho biết, năm 2017, UNWOMEN, cơ quan Liên hợp quốc hoạt động về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đã phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã tiến hành đánh giá giới trong ứng phó với HIV/AIDS tại Việt Nam. Trên cơ sở báo cáo này, Bộ Y tế đã xác định các vấn đề về giới trong phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.

Toàn cảnh Hội nghị

Theo đó, các nội dung được xem xét là: Vấn đề quy định chính sách pháp luật quy định liên quan trực tiếp đến bình đẳng giới. Hệ thống pháp luật liên quan về phòng, chống HIV/AIDS không có ảnh hưởng đến việc đảm bảo bình đẳng giới. Tuy nhiên, các vấn đề về chính sách quy định của Luật có ảnh hưởng gián tiếp đảm việc tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, gồm quy định phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV được miễn phí, quy định này vô hình trong điều kiện nguồn lực không đảm bảo khó triển khai toàn diện xét nghiệm HIV miễn phí cho phụ nữ có mang, tạo rào cản cho việc không được thu phí xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai; Chính sách xét nghiệm cho người dưới 16 tuổi cần có sự đồng ý của người giám hộ, nhưng trong thực tế hiện nay, nguy cơ lây nhiễm HIV tuổi vị thành niên trong nhóm trẻ quan hệ tình dục đồng giới, các em có xu hướng quan hệ tình dục sớm và trên thực tế có một số em bị lây nhiễm HIV, các em sợ không dám công khai với gia đình... do đó việc có bố mẹ đồng ý để các em vị thành niên làm xét nghiệm rất khó khăn, dẫn đến các em không thông báo với gia đình để được cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV theo luật định. Vấn đề không đủ nguồn lực để cung cấp miễn phí dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, trong đó đảm bảo quyền được điều trị ARV đối với tất cả người nhiễm HIV, trong tình huống này những người nhiễm HIV trong trại giam, những người không có quyền công dân, không có bảo hiểm y tế sẽ không được điều trị ARV, vì vậy cần có chính sách hỗ trợ người nhiễm HIV trong các trại giam, trại tạm giam để đảm bảo điều trị ARV liên tục.

Bên cạnh đó, dự Luật cũng xem xét vấn đề xung đột pháp lý liên quan đến triển khai hoạt động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Những người nghiện ma túy, chủ yếu là nam giới, theo quy định tại điều 96 của Luật Xử phạt hành chính, đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, do đó những người nghiện ma túy dạng thuốc phiện đang điều trị bằng thuốc thay thế vẫn thuộc diện bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Vấn đề tiếp cận thông tin người nhiễm HIV, theo quy định chỉ một số nhóm người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc điều trị trực tiếp cho người nhiễm HIV mới được tiếp cận thông tin người nhiễm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây biện pháp xét nghiệm xét nghiệm sớm và điều trị ngay là một trong những biện pháp dự phòng đặc hiệu nhất để phòng lây nhiễm HIV từ người nhiễm HIV sang người khác, do sau khi được điều trị số lượng vi rút trong máu xuống mức thấp, theo khuyến cáo dưới 1000 bản copies/ml máu thĩ xác suất không lây nhiễm HIV qua đường tình dục lên đến 99,8%, tải lượng vi rút máu dưới ngưỡng phát hiện (tương đương 200 bản copies/ml máu) thì không còn lây nhiễm HIV. Do đó, biện pháp mới dự phòng lây nhiễm HIV là tăng cường xét nghiệm sớm và điều trị ngay cho người nhiễm HIV, vì vậy người làm công tác kiểm soát dịch HIV cần phải biết thông tin tình trạng nơi cư trú, đối tượng nguy cơ để đánh giá và tiếp cận các khu vực có dịch, tư vấn cho người nhiễm giới thiệu cho bạn tình, bạn chích chung làm xét nghiệm sớm.

Hiện có 25% số người biết tình trạng HIV nhưng chưa được điều trị ARV, trong đó nữ chiếm khoảng 45%. Trong thực tế, những phụ nữ chưa tham gia điều trị sống vùng sâu, vùng xa nơi điều kiện kinh tế gặp khó khăn, một số phụ nữ khi tham gia điều trị ARV đã quá muộn, như một số trường hợp tại Sơn La, đã được cơ quan báo chí phản ánh. Vì vậy, hệ thống giám sát dịch cần có thông tin cá nhân của người nhiễm để xác định các trường hợp nhiễm chưa được điều trị để tiếp cận và hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia điều trị ARV.

Cơ quan soạn thảo nêu rõ, đề nghị xây dựng Luật này không điều chỉnh vấn đề giới, không tác động trực tiếp nhưng có tác động gián tiếp thuận lợi hơn cho thúc đẩy bình đẳng giới.

Tại Hội nghị, có ý kiến đại biểu tán thành với nhiều nội dung trong báo cáo của Cơ quan soạn thảo, tuy nhiên các đại biểu cũng cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu kỹ, phối hợp với các đơn vị có liên quan để hoàn thành việc đánh giá tác động chính sách và tác động giới một cách kỹ lưỡng, rà soát thêm một bước về trình tự thủ tục, hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật để trình ra Quốc hội.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nguyệt nêu rõ, Bộ Y tế và các bộ, ngành cần chủ động tổ chức thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tuân thủ trình tự, thủ tục theo đúng quy định của Luật; thực hiện nghiêm túc việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới ngay từ công đoạn đầu khi thực hiện việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc lập đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nói riêng và trong công tác xây dựng pháp luật nói chung. Ủy ban Về các vấn đề xã hội sẽ có buổi làm việc cụ thể với Cơ quan soạn thảo trong từng dự án Luật để rà soát kỹ lưỡng lại các vấn đề về đánh giá tác động xã hội và lồng ghép bình đẳng giới./.

Hồ Hương - Nghĩa Đức