ĐỀ XUẤT CÁC CHÍNH SÁCH CHO THANH NIÊN TỪ ĐỦ 16 TUỔI ĐẾN DƯỚI 18 TUỔI

10/03/2020

Tại Hội nghị “Tham vấn ý kiến xây dựng Luật Thanh niên (sửa đổi) do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức vừa qua, các đại biểu cho rằng, bộ phận thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là đối tượng đặc thù, do vậy cần có những chính sách riêng nhằm tạo điều kiện, môi trường để phát triển toàn diện…

Toàn cảnh hội nghị

Thanh niên là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia, luôn xung kích, đi đầu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Liên hợp quốc xác định thanh niên là những người trong độ tuổi từ 15 đến 24. Các quốc gia, các tổ chức khác nhau có những quy định khác nhau về độ tuổi thanh niên. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội của từng quốc gia và mục đích khi xác định khái niệm thanh niên mà quy định độ tuổi thanh niên. Tại Việt Nam, Điều 1 Luật Thanh niên 2005 quy định “Thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi”.

Thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là đối tượng đặc thù

Nhiều chuyên gia cho rằng, thanh niên có từng giai đoạn lứa tuổi với tâm sinh lý đặc thù. Việc nghiên cứu, quy định chính sách của Nhà nước đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi trong Luật Thanh niên là rất cần thiết, nhằm đánh giá đúng vai trò của bộ phận thanh niên này trong xây dựng, phát triển đất nước, đồng thời tạo điều kiện, môi trường để họ phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu và mong muốn của Nhà nước và xã hội.

Các nhà khoa học, tâm lý học, các nhà nghiên cứu nhìn nhận về mặt sinh học, tâm lý học, xã hội học của thanh niên cho rằng thanh niên trong độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là một giai đoạn của quá trình xã hội hóa, là thời kỳ chuyển tiếp từ tuổi không còn là “trẻ con” sang giai đoạn “chưa hẳn là người lớn” có đặc trưng riêng về tâm sinh lý.

Thanh niên ở độ tuổi này thường ham học hỏi, thích tìm tòi, khám phá những điều mới mẻ nhưng lại chưa hoàn thiện nhân cách, lập trường. Thanh niên độ tuổi này cần có sự giáo dục, giúp đỡ của Nhà nước, gia đình, nhà trường và xã hội. 

Chính sách cho thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi còn nhiều hạn chế

Những năm qua, các chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được thực hiện có kết quả đáng ghi nhận ở nhiều địa phương, cơ quan, tổ chức; từng bước khẳng định rõ trách nhiệm của Nhà nước, chính quyền các cấp đối với việc bồi dưỡng, giáo dục, phát huy vai trò thanh niên; quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được chú trọng, bảo đảm. Các quy định trong các đạo luật được các cơ quan chức năng, các cơ quan có thẩm quyền coi trọng thực hiện. Các cơ quan Tư pháp xử lý vi phạm đối với thanh niên từ 16 – 18 tuổi cơ bản đúng với quy định của pháp luật.

Trong từng lĩnh vực, chính sách của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của Thanh niên 16 -18 tuổi được chú trọng, quan tâm thực hiện. Trong học tập, các bộ, ngành đã thể chế hóa các quy định, có chính sách cụ thể hỗ trợ học sinh, sinh viên vay vốn để học tập; miễn giảm học phí đối với thanh niên gia đình chính sách, thanh niên dân tộc thiểu số …Trong lao động, Chính phủ và các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp có chính sách hỗ trợ thanh niên học nghề, tạo việc làm; mở rộng các hoạt động đào tạo nghề cho thanh niên. Trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, các địa phương xây dựng nhà văn hóa thanh niên; quan tâm tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ phù hợp từng độ tuổi thanh niên. Trong hoạt động thể dục thể thao, bảo vệ sức khỏe, Nhà nước ban hành chính sách, chương trình, đề án về chăm sóc sức khỏe, thể dục thể thao, phát triển thể lực, trong đó có đối tương thanh niên.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Duy Lãm phát biểu

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các đại biểu tại hội nghị cũng chỉ ra, chính sách cho thanh niên ở độ tuổi này thực vẫn tế còn nhiều hạn chế, bất cập. Một số quy định chưa phù hợp thực tiễn, còn chồng chéo, thiếu cụ thể, có quy định còn chung chung.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Duy Lãm cho rằng, mặc dù pháp luật của nước ta đã quy định rõ nhưng thực thi chưa tốt, chưa nghiêm; ví dụ trong lĩnh vực lao động, người lao động 16 -18 tuổi có lúc, có nơi phải làm việc quá 8 giờ/ ngày, quá 40 giờ/ tuần; các em phải làm công việc nặng nhọc, độc hại; làm việc với máy móc, phương tiện sản xuất  không phù hợp, có nguy cơ gây tai nạn lao động, tiếp xúc với hóa chất độc hại, làm việc trong môi trường có nồng độ bụi cao, môi trường có độ ồn vượt quá tiêu chuẩn cho phép…

Theo đại biểu Nguyễn Duy Lãm, chúng ta vẫn đang còn thiếu cơ chế khuyển khích và tạo điều kiện cho thanh niên 16-18 tuổi tham gia các hoạt động, phát huy và thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

Đề xuất một số chính sách

Từ thực tiễn này cùng với những yêu cầu, đòi hỏi của thời kỳ mới, nhiều ý kiến cho rằng, việc có những quy định riêng về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi trong dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) lần này là tất yếu khách quan để phát huy vai trò của pháp luật về thanh niên trong xã hội và tạo cơ chế, điều kiện để thanh niên độ tuổi này phát triển toàn diện, đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Theo các đại biểu, việc xây dựng chính sách của Nhà nước đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi cố gắng đảm bảo phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi; khuyến khích các em chủ động tìm hiểu và thực hiện chính sách; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên được quy định trong Luật; tôn trọng và đáp ứng các nhu cầu, mong muốn của thanh niên phù hợp độ tuổi như học tập văn hóa tại các Trường Phổ thông; giáo dục kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sống; được thể hiện ý kiến của mình đối với gia đình, nhà trường, xã hội; được tư vấn hướng nghiệp; được tham gia sinh hoạt, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, được tôn trọng, được bảo vệ khi bị xâm hại…

Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội nghị

Bên cạnh đó, các chính sách được ban hành bảo đảm tạo điều kiện cho sự phát triển của thanh niên về thể lực, trí lực, đạo đức; phát huy năng lực, sự sáng tạo của thanh niên trong độ tuổi 16-18 đóng góp nhỏ bé vào sự phát triển chung của địa phương và đất nước.

Theo đó, Nhà nước cần đảm bảo hoàn thành phổ cập chương trình giáo dục theo quy định; được giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc; tạo điều kiện phát triển nhân cách, kỹ năng sống; được tư vấn, hỗ trợ hướng nghiệp, phát triển năng khiếu; học nghề và có việc làm phù hợp; bảo đảm cho thanh niên độ tuổi này được tham gia hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao; được chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có chính sách, cơ chế bảo vệ không bị xâm hại tình dục, không bị bạo hành, lạm dụng sức lao động; có chính sách ưu tiên thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số, thanh niên tại  xã biên giới, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng thanh niên có tài năng./.

Thu Phương