​LỒNG GHÉP VẤN ĐỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT ĐIỆN ẢNH (SỬA ĐỔI)

07/03/2020

Báo cáo tại Hội nghị đánh giá tác động xã hội và tác động giới của chính sách trong đề nghị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và điều chỉnh chương trình năm 2020 do Ủy ban Về các vấn đề xã hội phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức ngày 03/3, đại diện Cơ quan soạn thảo cho biết đã tiến hành lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).


Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo một số nội dung

Đại diện Cơ quan soạn thảo- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, về thực hiện quy trình, thủ tục lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, Hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) được xây dựng đảm bảo theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và văn bản chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Xác định đưa các vấn đề bình đẳng giới lồng ghép vào trong các quy định của văn bản pháp luật - theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Bình đẳng giới năm 2006 - là biện pháp chiến lược để đạt được mục tiêu bình đẳng giới trong các lĩnh vực đời sống văn hóa, xã hội, ngay từ giai đoạn lập Đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào quá trình đánh giá tác động về kinh tế xã hội đối với nam, nữ theo 04 tiêu chí: cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và hưởng thụ các quyền, lợi ích của mỗi giới khi thực hiện chính sách.

Cụ thể, ngay từ trong giai đoạn lập đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) Ban soạn thảo đã tiến hành nghiên cứu theo các nội dung: Xác định vấn đề bình đẳng giới và các biện pháp giải quyết trong lĩnh vực mà dự án Luật điều chỉnh, trong đó xác định có hay không có vấn đề giới, phân tích các nguyên nhân, bất cập của vấn đề giới; Đánh giá tác động kinh tế, xã hội, giới, tác động của thủ tục hành chính và tác động đối với hệ thống pháp luật của từng giải pháp chính sách giải quyết vấn đề bao gồm cả vấn đề về giới; Dự báo tác động của các chính sách, quy định trong dự án Luật khi được ban hành đối với nữ và nam; tổng hợp, so sánh kết quả đánh giá tác động của các chính sách, quy định trong dự án Luật, đề xuất giải pháp tối ưu giải quyết vấn đề về giới; Xác định cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách, cơ quan chịu trách nhiệm thi hành chính sách và nguồn lực đảm bảo thi hành chính sách, trong đó bao gồm các vấn đề giới trong phạm vi Luật điều chỉnh; Xây dựng báo cáo đánh giá tác động, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Trong quá trình triển khai xây dựng đề nghị xây dựng dự thảo Luật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện đúng quy trình, thủ tục lồng ghép vấn đề về giới và các quy định trong Luật Bình đẳng giới. Đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được gửi để xin ý kiến của các Bộ, ban, ngành trong đó có Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Theo Cơ quan soạn thảo, qua rà soát đánh giá thực tiễn các quy định của Hiến pháp 2013 và các đạo luật liên quan, nội dung của đề nghị xây dựng Luật cho thấy các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã đáp ứng các nguyên tắc bình đẳng giới, theo đó đảm bảo nam giới và nữ giới được bình đẳng trong việc tham gia vào các hoạt động liên quan đến điện ảnh, hưởng thụ các chế độ, chính sách trong lĩnh vực điện ảnh.

Đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) lựa chọn 04 chính sách lớn để đánh giá trong Báo cáo đánh giá tác động của chính sách. Cụ thể: Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; Tạo bình đẳng, hỗ trợ, khuyến khích hoạt động phát hành và phổ biến phim Việt Nam; Khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong nước và nước ngoài; Đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiến tiến trong bối cảnh của cách mạng khoa học kỹ thuật.

Trong hoạt động điện ảnh, các chính sách được xây dựng không có sự phân biệt về giới cho người làm trong lĩnh vực điện ảnh; các chính sách và dự thảo điều Luật tại Đề cương Luật là trung tính giới, không có một điều khoản riêng nào quy định về giới. Do đó, theo Cơ quan soạn thảo, các chính sách và quy định trong đề nghị xây dựng Luật không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện quyền và nghĩa vụ khi tham gia của mỗi giới; quyền lợi được áp dụng chung, không có sự phân biệt đối xử về giới, không gây bất bình đẳng về giới. Các chính sách đều quy định tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân nói chung tham gia các hoạt động sản xuất, phát hành, phổ biến phim, xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong nước và nước ngoài, không có quy định phân biệt là nam hay nữ, qua đó quyền bình đẳng giới được thể hiện rất rõ. Các quy định về thành lập văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh nước ngoài tại Việt Nam, Quyền và nghĩa vụ của Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc: doanh nghiệp sản xuất phim, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sản xuất phim, doanh nghiệp phát hành phim, doanh nghiệp phổ biến phim cũng không có sự phân biệt Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc là nam hay nữ.

Toàn cảnh Hội nghị

Chỉ ra một số đặc điểm về giới trong thực tiễn hoạt động điện ảnh, đại diện Cơ quan soạn thảo cho biết, công nghiệp điện ảnh có đặc điểm khác biệt với nhiều ngành sản xuất kinh doanh khác khi tổ chức sản xuất theo nhiều công đoạn tách nhau về không gian địa lý với nhiều đối tác cùng phối hợp sáng tạo gia công tác phẩm. Tỷ lệ áp dụng công nghệ luôn ở mức cao, điện ảnh cũng là ngành đi đầu trong việc áp dụng những công nghệ kỹ thuật mới. Đồng thời, dự án điện ảnh thường mang tính cấp bách về mặt thời gian, hiệu quả kinh tế và xã hội tác phẩm điện ảnh phụ thuộc lớn vào quãng thời gian hoàn thiện, thời điểm sản xuất và phát hành, do vậy nhân lực làm việc trong ngành điện ảnh cũng khác biệt so với các ngành khác. Điều này dẫn đến ở sự mất cân đối về giới làm việc trong các lĩnh vực của ngành công nghiệp điện ảnh.

Mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng ở Việt Nam cũng như trên thế giới, phái nữ trong các vị trí sáng tạo quan trọng luôn ở mức thấp, tuy rằng số lượng phụ nữ và nam giới theo học trong các cơ sở đào tạo về điện ảnh là tương đương. Trong giai đoạn chuẩn bị sản xuất cũng như giai đoạn quay phim, phụ nữ ít được đóng vai trò quyết định sáng tạo của đoàn làm phim đặc biệt các vị trí đạo diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật, âm thanh. Phụ nữ chiếm đa số chỉ tại các bộ phận hóa trang, phục trang, phục vụ ăn uống…, theo truyền thống được coi là nơi làm việc nữ tính. Quay phim, âm thanh, ánh sáng kỹ sảo hiện trường…được cho là lĩnh vực dành cho nam giới. Trong những khâu hậu trường hoặc hậu kỳ, nam giới cũng đóng vai trò thống lĩnh vì giai đoạn này đòi hỏi tính cấp bách về thời gian và áp dụng nhiều công nghệ kỹ thuật nên cần sự tham gia của các kỹ thuật viên, các kỹ sư, đảm nhiệm xây dựng kỹ sảo hình ảnh, âm thanh, biên tập, dựng phim, hòa âm. Lực lượng lao động này đa phần là nam giới. Do đó, sự mất cân đối về giới trong ngành sản xuất phim là một đặc thù lớn của điện ảnh. Bên cạnh đó phụ nữ cũng là nhóm lao động dễ bị tổn thương trong ngành công nghiệp thể hiện ở những vụ việc xâm phạm tình dục đối với các nữ nghệ sĩ, môi trường làm thiếu thân thiện, sự phân biệt đối xử đối với nữ giới trong phân công công việc, phân định mức thu nhập. Đây là những vẫn đề nổi cộm đã thu hút mối quan tâm của đông đảo các nhà làm phim và dư luận xã hội.

Cơ quan soạn thảo cũng cho biết, nhu cầu cấp thiết đối với việc soạn thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) là phải đưa ra các biện pháp kết hợp để chống lại sự bất bình đẳng, thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong ngành, xây dựng nên những quy định sâu sát, toàn diện bảo đảm cân bằng giới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh điện ảnh. Dự kiến Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2020, khi tiến hành thực hiện các bước tiếp theo để xây dựng dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiến hành gửi xin ý kiến dự thảo Luật đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật để các quy định của dự án Luật đảm bảo xem xét dưới các góc độ đa chiều, từ nhiều phía, tránh việc phân biệt đối xử về giới trong dự án Luật

Thảo luận tại Hội nghị, đại diện Cơ quan soạn thảo chỉ ra các quy định và các giải pháp của chính sách được lựa chọn trong dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) là trung tính giới, không mang tính phân biệt, không gây ra, không có nguy cơ gây ra sự bất bình đẳng hay các vấn đề về giới, phù hợp với quy định của Luật Bình đẳng giới, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phù hợp với các cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bên cạnh đó, đã đánh giá tác động về xã hội dự đoán phòng ngừa những tác động tiêu cực của các quy định để lựa chọn những giải pháp có tác động tích cực đến xã hội. Tuy nhiên, một số ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị cho rằng Luật Điện ảnh (sửa đổi) cũng có nhiều vấn đề về giới cần được quan tâm, làm rõ. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu thêm về vấn đề này để có báo cáo chi tiết hơn.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt nêu rõ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành cần chủ động tổ chức thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tuân thủ trình tự, thủ tục theo đúng quy định của Luật; thực hiện nghiêm túc việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới ngay từ công đoạn đầu khi thực hiện việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc lập đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nói riêng và trong công tác xây dựng pháp luật nói chung. Ủy ban Về các vấn đề xã hội sẽ có buổi làm việc cụ thể với Cơ quan soạn thảo trong từng dự án Luật để rà soát kỹ lưỡng lại các vấn đề về đánh giá tác động xã hội và lồng ghép bình đẳng giới./.

Hồ Hương - Nghĩa Đức