BỘ CÔNG THƯƠNG: ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP ĐỂ PHÁT TRIỂN ỨNG DỤNG CƠ KHÍ CHẾ TẠO TRONG NƯỚC

09/01/2020

Làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết Bộ thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển ứng dụng cơ khí chế tạo trong nước.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, tính đến hết năm 2017, số lượng doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh là khoảng hơn 25.000 doanh nghiệp, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo; tạo việc làm cho gần 16% tổng số lao động trong các doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo. Trong nước đã có hệ thống các nhà máy cơ khí với đủ các quy mô lớn nhỏ. Tại một số địa phương, vùng kinh tế đã manh nha mô hình cụm ngành (cluster) về ngành chế tạo (như khu phức hợp cơ khí Chu Lai - Quảng Nam...). Đã hình thành một số doanh nghiệp có tiềm năng phát triển ngang tầm khu vực. Một số phân ngành cơ khí đã chế tạo được các sản phẩm chất lượng khá tốt, đạt tiêu chuẩn khu vực thậm chí quốc tế (như Máy biến áp nguồn ba pha 500kV - 467MVA, Hệ thống lọc bụi tĩnh điện nhà máy nhiệt điện, Giàn khoan tự nâng độ sâu 90m nước...). Hiện nay, ngành cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở ba phân ngành gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy, cơ khí gia dụng và dụng cụ, và ô tô và phụ tùng ô tô. Ba phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước.

Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể: sản phẩm cơ khí Việt Nam có rất ít thương hiệu trong nước. Năng lực cạnh tranh của sản phẩm cơ khí nội địa yếu kém. Ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng khoảng 32% nhu cầu trong nước. Hiệu quả đầu tư của toàn ngành cơ khí nhìn chung chưa cao, chưa thể hiện vai trò là nền tảng cho phát triển công nghiệp. Trình độ cơ khí chế tạo, đặc biệt là cơ khí chính xác còn lạc hậu so với nhiều nước từ 2 - 3 thế hệ. Tỷ lệ sử dụng máy tính để điều khiển quá trình gia công chế tạo thấp, chỉ khoảng 20% (máy CNC), dao động từ 8,3% (trong phân ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn), 16,7% (trong phân ngành sản xuất ô tô và xe có động cơ khác). Các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam phổ biến là quy mô nhỏ, trình độ hạn chế, hầu hết chưa làm chủ được công nghệ nguồn, thiếu máy móc chuyên dụng phục vụ chuyên môn hóa sản xuất. Phần lớn các doanh nghiệp cơ khí nội địa không có năng lực tự nghiên cứu, thiết kế sản phẩm.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh làm rõ một số nội dung

Bộ cũng cho biết, nguyên nhân khách quan của tình trạng này là do Việt Nam là quốc gia có xuất phát điểm thấp, tích lũy năng lực của công nghiệp nói chung và ngành cơ khí nói riêng (gồm vốn tư bản, trình độ sản xuất, trình độ doanh nghiệp và nguồn nhân lực trong nước) còn kém. Việt Nam chưa có một hệ sinh thái công nghiệp, chưa có một xã hội sản xuất để tạo môi trường thuận lợi cho ngành cơ khí phát triển, thể hiện: Công nghiệp nói chung và ngành cơ khí nói riêng chưa thu hút được sự quan tâm đầu tư của xã hội do vốn đầu tư lớn, tỷ suất lợi nhuận thấp, rào cản gia nhập thị trường khắt khe hơn các ngành dịch vụ khác; Số lượng doanh nghiệp công nghiệp, doanh nghiệp cơ khí còn rất ít; Mất cân đối trong tình trạng đào tạo nguồn nhân lực - đặc biệt là lực lượng công nhân kỹ thuật cho công nghiệp và cơ khí, dẫn đến tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”; Dung lượng thị trường đối với nhiều ngành cơ khí còn nhỏ, chưa đảm bảo tính kinh tế trong việc đầu tư sản xuất; Dư địa can thiệp chính sách để phát triển ngành cơ khí (đặc biệt là các yêu cầu về nội địa hóa sản phẩm trong nước) bị thu hẹp do các cam kết quốc tế. Nguyên nhân chủ quan là do việc ban hành và triển khai các chính sách để thực hiện chiến lược của Đảng, Chính phủ về phát triển ngành cơ khí còn chậm và thiếu hiệu quả; Việc bố trí các nguồn lực để triển khai các chính sách phát triển ngành cơ khí chưa phù hợp với thực trạng và trình độ doanh nghiệp cơ khí Việt Nam. Bên cạnh đó, trình độ doanh nghiệp cũng như nguồn nhân lực cho ngành cơ khí còn thấp. Công tác nghiên cứu, phát triển chưa được các doanh nghiệp chủ động quan tâm, đặc biệt là thiếu lực lượng tư vấn, thiết kế công nghệ và thiết kế chế tạo. Công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, dẫn đến chưa tự chủ được các vật liệu cơ bản cũng như các linh phụ kiện đầu vào cho các ngành cơ khí.

Trên cơ sở chỉ ra được những tồn tại, vướng mắc, Bộ Công thương đã đề ra những giải pháp khắc phục thời gian tới. Theo đó cần chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của các loại thị trường nhằm phân bổ nguồn lực quốc gia hợp lý, tập trung tạo sự hấp dẫn để thu hút đầu tư vào khu vực sản xuất công nghiệp cũng như ngành cơ khí. Tạo dựng thị trường cho các doanh nghiệp cơ khí bằng cách bảo vệ thị trường trong nước thông qua các biện pháp thuế quan, hàng rào kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Tạo các đơn hàng cho các doanh nghiệp cơ khí nội địa theo hướng có quy định kèm theo chế tài chặt chẽ việc sử dụng sản phẩm cơ khí trong nước đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn của doanh nghiệp nhà nước, mua sắm Chính phủ; Chú trọng phát triển, kích thích thị trường cho một số ngành cơ khí ưu tiên như ô tô, cơ khí nông nghiệp, đường sắt. Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tận dụng lợi thế thị trường nước ngoài từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư; tăng cường quảng bá hàng hóa, thương hiệu sản phẩm cơ khí Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Ngoài ra, Bộ Công thương cũng thực hiện những giải pháp để nâng cao năng lực doanh nghiệp cơ khí bằng việc hỗ trợ nguồn tín dụng cho doanh nghiệp cơ khí theo hướng sử dụng nguồn vốn vay thương mại với lãi suất đặc biệt ưu đãi theo cơ chế cấp bù lãi suất từ ngân sách nhà nước – tương tự cơ chế đối với bất động sản và nông nghiệp trước đây; Hỗ trợ đào tạo, xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao; đặc biệt là đội ngũ công nhân kỹ thuật; Hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và phát triển (R&D) cho các doanh nghiệp ngành cơ khí; đặc biệt là khả năng tự thiết kế, chế tạo sản phẩm trong nước./.

Hồ Hương