ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UỶ BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC TẠI KIÊN GIANG

13/07/2019

Ngày 11 - 12/7, Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường do Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Trần Văn Minh làm Trưởng đoàn đã làm việc tại Kiên Giang về việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đối với ngành công nghiệp năng lượng, vật liệu xây dựng và chế biến thực phẩm.

Báo cáo với Đoàn, Phó giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang Đoàn Hữu Thắng cho biết, hiện tại, ngành công nghiệp năng lượng trên địa bàn chỉ tập trung vào các dự án về đường dây, trạm biến áp; ngành vật liệu xây dựng có khoảng 13 cơ sở, trong  đó có 5 nhà máy sản xuất xi măng, 3 nhà máy sản xuất gạch tuynel, 2 nhà máy sản xuất gạch không nung và các trạm sản xuất bê tông; ngành chế biến thực phẩm có khoảng 220 cơ sở chủ yếu thuộc các ngành nghề chế biến và bảo quản thủy sản đông lạnh, chế biến thực phẩm đóng hộp, sản xuất khô, nước mắm, xay xát lúa gạo… Trong đó, có khoảng 39 cơ sở thuộc đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết; các cơ sở còn lại thuộc đối tượng thực hiện thủ tục xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản.

Đoàn Giám sát đi khảo sát Nhà máy xi măng Kiên Lương

Hầu hết các cơ sở đều thực hiện tương đối đầy đủ việc lập các thủ tục về môi trường như: Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết, lập cam kết hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản. Từ năm 2015 - 2018 có 27 dự án đã lập và được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; trong đó, có 13 dự án thuộc đối tượng phải báo cáo hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án.

Tuy nhiên, đến nay có một dự án đã ngừng hoạt động, 2 dự án đang trong quá trình xây dựng và 3 dự án được cấp xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Các cơ sở đều có đầu tư công trình thu gom, thoát nước và xử lý nước thải phát sinh; đầu tư các công trình xử lý khí thải, bụi với công suất và quy trình kỹ thuật theo đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết được phê duyệt hoặc phương án thay đổi công trình xử lý chất thải được UBND tỉnh chấp thuận. Chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp thông thường và nguy hại đều được chủ cơ sở thu gom, lưu giữ và hợp đồng vận chuyển, xử lý. Hiện nay, tỉnh đã đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động và yêu cầu các đơn vị thuộc đối tượng phải thực hiện giám sát môi trường tự động truyền dữ liệu quan trắc về để vận hành thử nghiệm.

Trong công tác thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, còn tồn tại một số doanh nghiệp chấp hành chính sách, pháp luật chưa nghiêm. Việc thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường của một số cơ sở còn mang tính đối phó. Nguyên nhân là do một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, do phải tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Quang cảnh buổi giám sát tại UBND tỉnh Kiên Giang

Đại diện UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14.5.2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương. Nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14.2.2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường. Cụ thể là bổ sung giải pháp xử lý đối với các đối tượng thuộc khoản 2 Điều 22, sau thời gian Nghị định có hiệu lực 36 tháng mà vẫn chưa lập đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án bảo vệ môi trường đơn giản.

Kiên Giang đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, kiến nghị với Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 338/2016/TT-BTC vì nội dung chi chưa đầy đủ và mức chi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương quá thấp, không bảo đảm phù hợp với nội dung và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nhanh chóng ban hành hướng dẫn về biện pháp khắc phục đối với các đối tượng sản xuất kinh doanh, dịch vụ đã đi vào hoạt động, nhưng không có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường/cam kết bảo vệ môi trường...

Phát biểu tại cuộc là việc, Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Minh ghi nhận nỗ lực của UBND tỉnh Kiên Giang trong ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật và bảo vệ môi trường đối với ngành công nghiệp năng lượng, vật liệu xây dựng và chế biến thực phẩm, đặc biệt là việc xây dựng Quỹ bảo vệ môi trường. Ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của địa phương, Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo, bổ sung, làm rõ một số vấn đề Đoàn giám sát đặt ra.

+ Tại Kiên Giang, Đoàn đã có các cuộc khảo sát thực tế tại Công ty Cổ phần Kiên Hùng, chuyên chế biến thủy hải sản; và Nhà máy xi măng Kiên Lương thuộc Công ty Cổ phần xi măng Hà Tiên 1. 

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)