Xác định chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam trong tình hình mới
Biển Việt Nam có diện tích rộng hơn 1.000.000 km2 và hơn 3.000 đảo lớn nhỏ, nằm trọn trong Biển Đông, có vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau khi Việt Nam trở thành thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển, ngày 28/3/1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Theo đó, Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách Nhà nước thực hiện chức năng quản lý an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm chấp hành pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trên các vùng biển, thềm lục địa Việt Nam.

Quốc hội thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV
Tuy nhiên, xuất phát từ đặc thù vùng biển Việt Nam rộng; hoạt động quản lý nhà nước trên biển đa ngành, đa lĩnh vực cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp với Cảnh sát biển Việt Nam, do đó Cảnh sát biển Việt Nam có vị trí vai trò nòng cốt, trung tâm, có phạm vi hoạt động rộng trên các vùng biển Việt Nam để bảo đảm thực thi pháp luật nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước trên biển.
Đối với hợp tác quốc tế, đặc thù hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam mang tính quốc tế cao, có tác động trực tiếp tới hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, Cảnh sát biển Việt Nam cần phải tăng cường hợp tác với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của quốc gia khác trong đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm trên biển, thực hiện quyền truy đuổi, tiến hành tuần tra chung, diễn tập an ninh hàng hải, chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền, v.v. Đồng thời, mở rộng hợp tác quốc tế với những quốc gia có lực lượng thực thi pháp luật trên biển mạnh, có kinh nghiệm tổ chức, xây dựng lực lượng, quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Do đó, Luật Cảnh sát biển Việt Nam không chỉ tạo cơ sở để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ vùng biển, mà còn tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam, xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các quốc gia trên thế giới; thiết thực hỗ trợ hoạt động ngoại giao của Nhà nước, đối ngoại quốc phòng trong giải quyết những vấn đề quốc tế liên quan đến chủ quyền, an ninh biển, đảo.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam
Với 8 Chương, 41 điều ngoài các quy định chung và điều khoản thi hành, Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam; hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; phối hợp hoạt động giữa Cảnh sát biển Việt Nam với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng; tổ chức của Cảnh sát biển Việt Nam; bảo đảm hoạt động và chế độ chính sách của Cảnh sát biển Việt Nam; và quản lý nhà nước và trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương với Cảnh sát biển Việt Nam.
Đây là bước phát triển về cơ sở pháp lý, có ý nghĩa rất quan trọng trong thực thi pháp luật trên biển; thể hiện sự tập trung ý chí của Đảng, Nhà nước, nguyện vọng của Nhân dân, là tuyên bố mạnh mẽ về quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Thống nhất trong chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện để bảo đảm hiệu lực hiệu quả của Luật
Có thể thấy, Luật Cảnh sát biển Việt Nam có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan tới nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn trên biển; chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam liên quan tới nhiều Bộ, ngành, chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân. Để bảo đảm triển khai thi hành Luật đồng bộ, đầy đủ, hiệu quả trên phạm vi cả nước, cần có sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ, tích cực, chủ động, kịp thời của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Để tổ chức triển khai thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Theo đó, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật triển khai thi hành Luật có hiệu lực đồng thời với Luật Cảnh sát biển Việt Nam từ ngày 1/7/2019; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án triển khai thực hiện Luật theo Kế hoạch này; trong đó, Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 25, 26, 29, 31, 34); Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 15); Thông tư của Bộ trưởng Quốc phòng quy định quy trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 13); Thông tư của Bộ trưởng Quốc phòng quy định điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn công dân vào Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 35); Quyết định của Bộ trưởng Quốc phòng ban hành quy định về trang bị của Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 33); Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Quy chế phối hợp giữa cảnh sát biển Việt Nam và các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng (Điều 22).
Kế hoạch nêu rõ, từ năm 2019 và các năm tiếp theo, Bộ Quốc phòng chủ trì tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành với nội dung, hình thức phù hợp cho từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức pháp luật và trách nhiệm xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; tương xứng với vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam trong tình hình mới, nhất là tại địa bàn các tỉnh, thành phố ven biển, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Tổ chức tập huấn Luật cho cán bộ chủ trì bộ, ngành trung ương, địa phương, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và cán bộ có liên quan nhằm nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai đồng bộ, sâu rộng, thiết thực và hiệu quả.
Từ năm 2020 đến 2025, Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng Đề án, Kế hoạch củng cố, sắp xếp, cơ cấu lại Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển Việt Nam hiện có để cụ thể hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kế hoạch yêu cầu việc nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ, đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án. Đồng thời phân công Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ trì và phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan, tổ chức liên quan. Yêu cầu thời gian thực hiện từ năm 2020 đến 2025.