XÁC ĐỊNH VAI TRÒ THEN CHỐT CỦA NHÀ NƯỚC TRONG CHỦ ĐỘNG XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH CÔNG NGHIỆP GẮN VỚI CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0

12/07/2019

Tại Hội thảo "Công nghiệp 4.0 và chính sách công nghiệp: Kinh nghiệm từ Đức và gợi ý chính sách cho Việt Nam", do Ủy ban Kinh tế phối hợp Viện Friedrich Ebert Stiftung (FES) của Đức tại Việt Nam và Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức sáng 12/7 tại Nhà Quốc hội, các đại biểu cho rằng Nhà nước cần phải có chính sách công nghiệp tổng thể nhằm tận dụng được hiệu ứng tích cực việc hội nhập kinh tế quốc tế và hạn chế những tác động tiêu cực.

Xác định mục tiêu phát triển đất nước từ vị thế của quốc gia đi sau

Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta khẳng định mục tiêu đến năm 2020 là phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại.

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức là một chủ trương lớn, quan trọng được Đảng nêu ra trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên thế giới đã hình thành và phát triển với tốc độ rất nhanh, tạo sự biến đổi trong vài năm bằng cả 10 năm của giai đoạn trước.

Tuy nhiên, Đại hội vấn đưa ra một số lượng quá lớn các ngành công nghiệp cần được ưu tiên gồm công nghiệp chế tạo, công nghiệp chế biến, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp năng lượng, cơ khí, điện tử, hóa chất, công nghiệp xây dựng, xây lắp và công nghiệp quốc phòng-an ninh, chưa kể đến các ưu tiên khác trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, phát triển kết cấu hạ tầng…

Hội thảo "Công nghiệp 4.0 và chính sách công nghiệp: Kinh nghiệm từ Đức và gợi ý chính sách cho Việt Nam"

Từ sau Đại hội XII, chúng ta đề cập nhiều đến khái niệm Cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng lại chưa cụ thể hóa hết được những mục tiêu cần đạt tới của nước ta vào thời điểm 2030 và không có một lộ trình rõ ràng để đi tới mục tiêu đó. Điều này đặt ra băn khoăn, liệu các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch 2016-2020 và mục tiêu tới năm 2030 có thực sự hướng tới mục tiêu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp hay không và khi nào chúng ta đạt được mục tiêu này theo kế hoạch 10 năm 2021-2030.

Trong khoảng 3 năm trở lại đây, Việt Nam là một trong những nước nói đến cách mạng công nghiệp 4.0 nhiều nhất mặc dù không phải là nước có nền công nghiệp phát triển, không có đủ cơ sở, bệ đỡ để triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.  Song theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên, việc đề cập nhiều đến cách mạng công nghiệp 4.0 thể hiện mong muốn, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân tìm con đường ngắn nhất, nhanh nhất phát triển đất nước từ vị thế của quốc gia đi sau.

Trong khi đó, theo Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Văn phòng Chính phủ Nguyễn Ngọc Điệp, cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên 3 trụ cột là kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý, trong đó công nghệ sinh học hay lĩnh vực vật lý  hiện chưa có đánh giá đúng mức và chính sách rõ ràng. Nếu không có chính sách chủ động về công nghiệp thì Việt Nam sẽ mắc kẹt như trước đây ngành nào cũng xác định là mũi nhọn, nền kinh tế trong nước được ví như nền kinh tế quả mít và không có ngành nào có được sự đầu tư phát triển ở mức độ cao.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phùng Văn Hùng phát biểu tại hội thảo

Còn Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phùng Văn Hùng lại cho rằng, hiện nay Việt Nam có chính sách công nghiệp nhưng chưa thực sự rõ ràng và nguồn lực thực hiện còn yếu và vấn đề hiện nay là cần xác định trọng tâm của chính sách công nghiệp.

Xác định mục tiêu để hoạch định chính sách

Hiện nay nhiều nhà nghiên cứu đang cho rằng nền kinh tế Việt Nam phát triển dưới tiềm năng. Do vậy cần phải các định mức độ đóng góp vào hiệu quả sử dụng của các tiềm năng hiện tại của nền kinh tế mà chúng ta chưa tận dụng được, cũng như mức độ đóng góp khi ứng dụng tri thức thông qua cách mạng công nghiệp 4.0 góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội như thế nào.

Mặt khác, với cơ cấu và mô hình kinh tế của Việt Nam như hiện nay, dự báo đến năm 2020, nước ta mới có thể bắt đầu thời kỳ tăng trưởng dựa vào xuất khẩu đối với một số ngành công nghiệp mà doanh nghiệp trong nước là chủ đạo.

Xác định được tình hình trên, trong chương trình chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII năm 2021, đặt ra nhiệm vụ cho các cơ quan của Quốc hội với tư cách là cơ quan hoạch định, thẩm định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đó là, hoạch định rõ các mục tiêu cụ thể đảm bảo phát triển kinh tế nước ta theo định hướng xã hội chủ nghĩa; xác định mô hình kinh tế xã hội của nước ta vào giai đoạn 2030-2045 với các tiêu chí cụ thể; lực chọn một số ngành nghề mũi nhọn cần phải tập trung phát triển, trong đó phân định rõ lĩnh vực nào doanh nghiệp Nhà nước phải thực hiện, lĩnh vực nào ưu tiên cho kinh tế tư nhân tập trung phát triển và xác định lộ trình thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch 5 năm, các điều kiện cần thiết để thực hiện mục tiêu để từ đó sớm hoạch định chính sách vĩ mô và hỗ trợ phát triển kinh tế vi mô.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên trao đổi tại hội thảo

Theo các chuyên gia, chính sách công nghiệp của Việt Nam cần lan tỏa được hiệu ứng tích cực từ doanh nghiệp FDI và chuỗi giá trị toàn cầu, hạn chế tiêu cực bằng chính sách của Nhà nước. Nếu không, Việt Nam sẽ bị mắc kẹt trong sản xuất đơn giản mang lại ít giá trị. Chính sách công nghiệp, ngay từ đầu, cần được gắn với phát triển xã hội, bởi đây là nguồn để tăng năng xuất lao động, thúc đẩy trở lại cho kinh tế…Bên cạnh đó việc định hướng lựa chọn công nghệ cũng cần quan tâm tới hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên bày tỏ đồng thuận với quan điểm cho rằng thay vì quá tập trung vào khái niệm, định nghĩa thế nào là cách mạng công nghiệp 4.0 thì cần tập trung vào giải quyết câu hỏi làm thế nào để thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0. Khẳng định sự cần thiết của chính sách công nghiệp được ban hành ở cấp có thẩm quyền cao nhất, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cũng lưu ý chính sách công nghiệp cần đặt trọng bối cảnh của các hiệp định thương mại đa phương, song phương, các hiệp định bảo hộ đầu tư, trong WTO để hoạch định.

Bảo Yến