GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: TỶ LỆ ĐUỐI NƯỚC Ở VIỆT NAM CAO GẤP 10 LẦN SO VỚI CÁC NƯỚC PHÁT TRIỂN

12/07/2019

Hằng năm, đuối nước cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 trẻ em tại Việt Nam, trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ. Con số này đã khiến Việt Nam trở thành nước có tỉ lệ trẻ em đuối nước cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần so với các nước phát triển.

Hiện trường vụ đuối nước thương tâm tại tỉnh Hòa Bình đã cướp đi sinh mạng của 8 học sinh trên sông Đà

Ngày 08/02/2019, 06  học sinh đã bị thiệt mạng tại biển Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam…

Dư luận chưa hết bàng hoàng thì vào ngày 21/3/2019, một vụ đuối nước thương tâm tiếp tục xảy ra trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã cướp đi sinh mạng của 8 học sinh trên sông Đà.

Sáng 30/5, tại xã Trung Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, 5 học sinh lớp 8 cũng bị đuối nước tập thể tại khu vực đập nước Trại Xanh ở xã Trung Thành. Tại tỉnh Thanh Hóa, chỉ tính riêng trong tháng 5, đã xảy ra 7 vụ đuối nước, cướp đi sinh mạng của 10 người.

Đây là những vụ đuối nước tập thể điển hình từ đầu năm đến nay. Bên cạnh đó, hàng nghìn vụ tai nạn đuối nước nghiêm trọng khác đã để lại nỗi đau vô cùng lớn cho những người ở lại.

Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em, chiếm 48,8% do tai nạn thương tích. Tỷ lệ đuối nước trẻ em ở nước ta cao gấp 10 lần so với các nước phát triển. Có 53% các trường hợp chết đuối xảy ra khi trẻ em chơi gần ao, suối, sông, hồ, kênh, mương… không có sự bảo vệ của người lớn.

Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định trách nhiệm của Nhà nước đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 234 phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020. Chương trình đã thể hiện sự liên kết của các ngành nhằm tăng cường nỗ lực chung để phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, phòng, chống đuối nước trẻ em, với mục tiêu giảm tử vong do đuối nước, dạy các kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em và tạo một môi trường an toàn cho trẻ em.

Tuy nhiên, số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, chỉ khoảng 30% học sinh tiểu học và THCS ở Việt Nam biết bơi. Việc dạy bơi cho trẻ gặp nhiều khó khăn do thiếu giáo viên dạy bơi và thiếu bể bơi, đặc biệt là các xã nghèo, vùng khó khăn. Số liệu của Bộ Giáo dục và đào tạo cho thấy: Trong tổng số 15.000 trường tiểu học trên cả nước, hiện mới có khoảng 700 trường có bể bơi.

Việt Nam có tới 2.360 con sông, kênh lớn nhỏ với tổng chiều dài khoảng 41.900 km. Cả nước hiện có hơn 2.300 bến khách ngang sông, dọc tuyến, việc trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết về bơi lội sẽ giúp các em tránh được nhiều rủi ro khi tham gia giao thông, vui chơi và kịp thời ứng phó khi gặp tình huống nguy hiểm xảy ra. Xung quanh vấn đế này, phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội ghi nhận một số ý kiến của đại biểu Tạ Văn Hạ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:

Đại biểu Tạ Văn Hạ: Gia đình có vai trò đặc bệt quan trọng trong phòng chống đuối nước

Phóng viên: Thưa đại biểu vì sao nước ta có tỷ lệ đuối nước cao gấp 10 lần so với các nước phát triển?

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ: Hiện nay nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về nguy cơ gây đuối nước ở trẻ nhỏ còn chưa đúng mức. Trẻ thiếu sự giám sát, trông giữ của gia đình và người chăm sóc. Công tác quản lý của gia đình, nhà trường đối với con em, học sinh trong và ngoài trường học cũng còn hạn chế. Công tác dạy bơi trong trường học cũng chưa thực sự được chú trọng. Trẻ em chưa biết bơi, chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức và kỹ năng để phòng tránh đuối nước. Ngoài ra, trẻ cũng chưa nhận biết được những nơi, khu vực nguy hiểm, chưa có kỹ năng thoát hiểm khi gặp nạn. Cơ quan quản lý nhà nước chưa làm hết trách nhiệm trong công tác quản lý. Môi trường sống xung quanh trẻ thiếu an toàn, trong khi đó chính quyền các cấp, người dân nhiều địa phương còn chủ quan, thiếu trách nhiệm trong việc tuyên truyền, cảnh báo quan lý những khu vực nguy hiểm. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết, khí hậu ở nước ta cũng diễn biến bất thường.

Phóng viên: Theo đại biểu những vụ chết đuối xảy ra, trách nhiệm thuộc về ai, cơ quan nào?

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ: Luật Trẻ em có 25 điều quy định về quyền trẻ em, một trong những quyền quan trọng đó là quyền chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Không chăm sóc được, không bảo vệ được và để cho trẻ em, học sinh xảy ra đuối nước trước hết trách nhiệm thuộc về người lớn, thuộc về gia đình. Gia đình đã không trang bị những kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức về phòng chống đuối nước hoặc tạo điều kiện cho con em được học bơi. Cách quản lý giáo dục của gia đình còn lỏng lẻo, cha mẹ chưa thực sự giám sát con trẻ, không răn đe, cảnh báo cho trẻ về những nguy cơ, nguy hiểm ở môi trường nước. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương các cấp cũng có trách nhiệm trong việc tuyên tuyền, cảnh báo, quản lý những khu vực nguy hiểm....

Phóng viên: Theo Đại biểu, cần phải có những giải pháp căn cơ nào để có thể bảo vệ và giảm thiểu tai nạn đuối nước đối với trẻ nhỏ?

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ: Hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước thì vai trò của gia đình và nhà trường là hết sức quan trọng. Định hướng kỹ năng sinh tồn cho trẻ, trong đó có kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Theo đó phải trang bị đầy đủ tối đa những kiến thức về bơi lội và cũng như những kỹ năng xử lý tình huống khi bơi. Đồng thời tăng cường giám sát và quản lý con em.

Thời gian học sinh sinh hoạt, học tập tại nhà trường rất nhiều cho nên điều kiện để hướng dẫn, tuyên truyền dạy học sinh kỹ năng, kiến thức bơi lội cũng rất thuận lợi và cần thiết. Bên cạnh đó cần có sự vào cuộc, trách nhiệm của các ngành, chính quyền các cấp, đặc biệt là sự phối hợp vào cuộc của các tổ chức đoàn thể trong đó vai trò đoàn thanh niên là rất quan trọng. Chính quyền các cấp rà soát, bổ sung các biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn, rào chắn... những khu vực chứa nước nguy hiểm./.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Lê Phương