ĐIỀU CHỈNH MỨC THUẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BẢO ĐẢM TIẾP CẬN DẦN VỚI MỨC ĐỘ GÂY Ô NHIỄM CỦA HÀNG HÓA

04/07/2018

Sáng 4/7, tại phiên họp toàn thể lần thứ 26 của Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội thẩm tra về dự án Nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường, nhiều đại biểu bày tỏ tán thành với việc tăng mức thuế bảo vệ môi trường, đặc biệt đối với những mặt hàng gây ô nhiễm nghiêm trọng khi sử dụng.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách họp phiên toàn thể thẩm tra Dự án Nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường

Về sự cần thiết điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, tại nước ta, những năm vừa qua cho thấy tăng trưởng cao kèm theo đó là mức độ gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng do nến kinh tế phát triển chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên mà chưa dựa vào phát triển ứng dựng công nghệ cao.

Qua các nghiên cứu cho thấy, các hàng hóa thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường như xăng dầu, mỡ nhờn, than đá, dung dịch HCFC, túi ni lông thuộc diện chịu thuế…trong quá trình sử dụng gây tác động xấu đến môi trường và cùng theo tính toán để trả lại môi trường thì mức thuế bảo vệ môi trường của các hàng hóa này phải cao hơn rất nhiều.

Tờ trình của Chính phủ cũng cho biết, qua đánh giá tình hình thực hiện, mức thuế bảo vệ môi trường đối với một số hàng hóa đang ở mức thấp so với mức độ tác động đến môi trường khi sử dụng của các hàng hóa này. 

Trong đó, xăng, dầu, mỡ (gọi chung là xăng dầu) là sản phẩm có chứa nhiều chất gây ô nhiễm môi trường như chì, lưu huỳnh, benzel, hydrocacbon thơm, hydrocacbon nặng và một số phụ gia. Đây là những chất gây hại đến an toàn, sức khỏe và môi trường. Do đó, cần thiết điều chỉnh nâng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường, khuyến khích sản xuất, sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường như xăng dầu sinh học.

Than là một trong những sản phẩm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khi sử dụng. Quá trình đốt cháy than cho sản xuất tạo ra khí metan gây hiệu ứng nhà kính và các chất ô nhiễm độc hại khác. Theo kết quả nghiên cứu do PGS.TS Lê Thu Hoa – Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội trình bày tại Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường do Ủy ban Tài chính- Ngân sách tổ chức vào tháng 9/2017 thì xét về thành phần hóa học và mức độ tác động  đến môi trường thì mức độ ô nhiễm môi trường của than đá cao hơn so với xăng dầu.

Tuy nhiên, kể từ thời điểm Luật thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012 đến nay, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm than đá đều ở mức tối thiểu trong khung thuế. Do vậy, cần điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm than đá để khuyến khích hơn nữa việc sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên than và giảm ô nhiễm môi trường.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp

Cùng với đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với núi ni lông của Việt Nam ở mức thấp nên chưa tác động nhiều đến việc hạn chế sản xuất, sử dụng túi ni lông. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước trên thế giới áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường cao hoặc cấm sản xuất như tại Anh là 15 cent/túi tương đương 4.500 đồng/túi; Hồng Koong là 0,05 USD/túi tương đương 1.050 đồng/túi. Một số nước khác còn cấm sản xuất, bán, sử dụng túi ni lông mỏng như tại Trung Quốc cấm sản xuất, bản, sử dụng túi ni lông có độ dày nhỏ hơn 0,025mm. Do đó, cùng với các biện pháp quản lý khác, để góp phần thực hiện mục tiêu giảm dần việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong tiêu dùng, phù hợp với thực tế, Chính phủ đề xuất phương án điều chỉnh mức thuế đối với túi ni lông thuộc diện chịu thuế.

Chính phủ xác định việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với các hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo đảm tiếp cận dần với mức độ gây ô nhiễm môi trường của các hàng hóa; đồng thời thực hiện cam kết của Việt Nam về bảo vệ môi trường và đảm bảo đồng bộ với quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan.

Tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách, các đại biểu đều cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi bổ sung và mục đích xây dựng Nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường như Tờ trình của Chính phủ, trong đó nhiều đại biểu tán thành với việc tăng lên mức trần đối với nhiều mặt hàng mà khi sử dụng ảnh hưởng, gây ô nhiễm lớn như than đá, túi ni lông…

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành bày tỏ tán thành với mức tăng thuế đối với than đá, túi ni lông

Chia sẻ qua tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri đặt vấn đề tại sao xăn E5 thân thiện với môi trường, cần được khuyến khích sử dụng nhưng vẫn chịu thuế bảo vệ môi trường, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng đối với xăng E5 cần được trình riêng về việc tăng mức thuế và cần có cơ chế khuyến khích sử dụng xăng E5. Đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ, Bộ Tài chính cần làm rõ về chi phí sản xuất xăng E5 hiện nay để công khai với người dân. Đồng thời các nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường cần tính đến chi phí xử lý môi trường tại các khu vực sản xuất nguyên liệu cho xăng sinh học. Các chi phí này đều cần được tính trong giá thành và biểu thuế bảo đảm công khai minh bạch, bảo đảm có chế xử lý lại những vấn đề môi trường.

Tán thành với mức tăng thuế đối với than đá, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cũng cho rằng có thể tăng hơn nữa do đây là hàng hóa tác động lớn đến môi trường nhưng đồng thời cần cân nhắc tác động, ảnh hưởng đến giá điện bởi tỉ trọng nhiệt điện cũng rất nhiều. Do đó, việc tăng thuế cần có điều chỉnh đối với một số ngành sản xuất.

Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Thị Yến cũng cho rằng đối với các mặt hàng thân thiện với môi trường thì cần giảm thuế và ngược lại, đối với những mặt hàng gây ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến môi trường thì phải tăng như túi ni lông phải tăng đến mức trần, đồng thời phải có sản phẩm thay thế để khuyến khích người dân lựa chọn, sử dụng.

Ủy viên Ủy ban Tài chính- Ngân sách Trần Văn Lâm chỉ ra bất cập trong mức tăng thuế bảo vệ môi trường đối với một số hàng hóa

Trong khi đó, Ủy viên Ủy ban Tài chính- Ngân sách Trần Văn Lâm cho rằng có sự bất hợp lý giữa các mức tăng thuế giữa các mặt hàng khi mà than đá là tác nhân gây ô nhiễm lớn nhất lại có mức tăng nhẹ nhất, trong khi xăng dầu lại tăng kịch khung. Đại biểu để nghị cần có giải trình rõ ràng về vấn đề này. Đồng thời đề nghị phải có lộ trình để tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với than đá lên mức cao nhất nhưng không tăng đột ngột để tránh ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Giải trình thêm về vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính cho hay, đối với mặt hàng than đá hay túi ni lông, Bọ Tài chính ủng hộ quan điểm cần phải tăng thuế nhiều hơn để khuyến khích sử dụng tiết kiệm nguyên liệu, sử dụng các năng lượng thân thiện với môi trường. Tuy nhiên qua đánh giá tác động cho thấy than đá là nguyên liệu đầu vào của một số ngành sản xuất quan trọng như sản xuất điện, sản xuất giấy…cho nên để việc tăng mức thuế bảo vệ môi trường cần tính toán ở mức hợp lý.

Theo chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến thảo luận về dự thảo Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường tại phiên họp thứ 25 dự kiến diễn ra từ ngày 11-13/7 tới.

Bảo Yến