CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM ĐƯỢC NỔ SÚNG THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ VÀ CÔNG CỤ HỖ TRỢ

04/07/2018

Theo Báo cáo về một số vấn đề xin ý kiến về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam của Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh tại phiên họp sáng 03/7, trường hợp nổ súng của Cảnh sát biển Việt Nam phải tuân thủ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và phải được cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng.

Toàn cảnh phiên họp

Trình bày Báo cáo về một số vấn đề xin ý kiến về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam của Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Nguyễn Hải Hưng cho biết, đối với quy định về các về các trường hợp nổ súng của cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam tại khoản 3 Điều 14, có một số ý kiến đề nghị làm rõ quy định nổ sung trong trường hợp bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trong tình huống quốc phòng, an ninh.

Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh thấy rằng, việc sử dụng vũ khí quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc đã được quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Báo cáo cũng nêu rõ, có một số ý kiến đề nghị rà soát để quy định chặt chẽ các trường hợp nổ sung của Cảnh sát biển Việt Nam để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và đảm bảo tính khả thi.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Nguyễn Hải Hưng trình bày Báo cáo

Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh thấy rằng, khoản 1 Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ chưa quy định về trường hợp nổ sung vào tàu thuyền trên biển, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên biển; làm hạn chế hiệu quả hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh đề nghị tách khoản 3 Điều 4 của dự thảo Luật Chính phủ trình và chỉnh lý thành Điều 15 quy định về trường hợp nổ sung của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam như dự thảo Luật dự kiến tiếp thu.

Các đại biểu phát biểu tại phiên họp

Theo đó, Cảnh sát biển Việt Nam khi thi hành nhiệm vụ được nổ súng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được nổ súng vào tàu thuyền trên biển, trừ tàu thuyền của cơ quan đại diện ngoại giao; cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế; trên tàu thuyền có chở người hoặc có con tin để dừng tàu thuyền trong các trường hợp: đối tượng điều khiển tàu thuyền đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; khi biết rõ tàu thuyền do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn; khi biết rõ tàu thuyền chở đối tượng phạm tội hoặc chở vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy, bảo vật quốc gia, cố tình chạy trốn; khi biết rõ trên tàu thuyền có đối tượng đã thực hiện hành vi cướp biển, cướp có vũ trang theo quy định của Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và quy định của pháp luật hình sự, cố tình chạy trốn.

Cùng với đó, Điều 15 của dự thảo Luật dự kiến tiếp thu cũng nhấn mạnh rất rõ: Trường hợp nổ súng của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam phải tuân thủ các nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh, lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng./.

Thu Phương