THƯỜNG TRỰC ỦY BAN QUỐC PHÒNG-AN NINH THẢO LUẬN MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ DỰ ÁN LUẬT CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM

03/07/2018

Sáng 03/7, Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh tổ chức phiên họp thảo luận về một số vấn đề xin ý kiến về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp có các thành viên Ủy ban Quốc phòng- An ninh, đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng đại diện một số Ủy ban của Quốc hội và một số cơ quan có liên quan.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, những ý kiến tại buổi làm việc hôm nay sẽ là cơ sở để Ủy ban Quốc phòng- An ninh tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam để chuẩn bị báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp tới.

Dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam có bố cục gồm 8 Chương, 45 Điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; điều kiện đảm bảo và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam.

Cảnh sát biển Việt Nam hoạt động trong vùng biển Việt Nam

Trình bày Báo cáo về một số vấn đề xin ý kiến về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Phó Chủ nhiệm ủy ban Quốc phòng- An ninh Nguyễn Hải Hưng cho biết, đối với phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị quy định cụ thể phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam để tránh chồng chéo với phạm vi hoạt động của các lực lượng chức năng khác; đồng thời đề nghị quy định Cảnh sát biển Việt Nam hoạt động từ đường biên giới quốc gia trên biển trở ra để phù hợp với năng lực, trang bị của Cảnh sát biển Việt Nam và tạo khoảng không pháp lý trên biển.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban QP- AN Nguyễn Hải Hưng trình bày Báo cáo về một số vấn đề xin ý kiến về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh thấy rằng, quy định Cảnh sát biển Việt Nam hoạt động trong vùng biển Việt Nam như dự thảo Luật Chính phủ trình đã kể thừa Điều 3 của Pháp lệnh hiện hành, phù hợp với pháp luật Việt Nam và các Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đồng thời phù hợp với thực tiễn hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam và đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biển đảo Việt nam trong tình hình mới.

Cảnh sát biển Việt Nam thuộc lực lượng vũ trang nhân dân

Trình bày Báo cáo về Một số vấn đề xin ý kiến về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Nguyễn Hải Hưng cho biết, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Sau Kỳ họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh đã phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.

Về vị trí của Cảnh sát biển Việt Nam, nhiều ý kiến đề nghị quy định Cảnh sát biển Việt Nam thuộc lực lượng vũ trang nhân dân. Một số ý kiến đề nghị quy định Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam hoặc là đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng. Có ý kiến đề nghị quy định Cảnh sát biển Việt Nam trực thuộc Chính phủ.

Các đại biểu phát biểu tại phiên họp

Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh cho rằng, dự thảo Luật Chính phủ trình quy định Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân trên cơ sở kế thừa quy định tại Điều 2 Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam hiện hành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn quản lý nhà nước đối với hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, để đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, Luật Quốc phòng và tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh đề nghị  quy định Cảnh sát biển Việt Nam thuộc lực lượng vũ trang nhân dân. Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh cho rằng, quy định như vậy là phù hợp và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Giữ nguyên chức năng của Cảnh sát biển như dự thảo Luật Chính phủ trình

Liên quan đến chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam, có ý kiến đề nghị rà soát quy định về chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam để tránh trùng dẫm về chức năng của một số lực lượng khác trên biển.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh thấy rằng, quy định về chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam tại dự thảo Luật đã kế thừa Pháp lệnh hiện hành và bổ sung chức năng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển đáp ứng yêu cầu bảo vệ biển, đảo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tương đồng với chức năng của Cảnh sát biển nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Do đó, Ủy ban Quốc phòng- An ninh đề nghị cho giữ nguyên như dự thảo Luật Chính phủ trình.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị quy định Cảnh sát biển Việt Nam có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật và chiến lược quốc phòng, an ninh; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; giữ gìn an ninh trật tư, an toàn và sự ổn định vùng biển.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh cho rằng, Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng trực tiếp thực thi pháp luật trên biển, do đó đề nghị quy định Cảnh sát biển Việt Nam có có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tại khoản 2 Điều 4 của dự thảo Luật là không phù hợp, vì đây là nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam đã được quy định tại khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật dự kiến tiếp thu.

Tại phiên họp, các nội dung quy định về các trường hợp nổ súng của cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam; quy định về phối hợp hoạt động; kỹ thuật lập pháp… cũng được các đại biểu quan tâm thảo luận./.

Thu Phương