BIỂU QUYẾT THÔNG QUA DỰ THẢO LUẬT AN NINH MẠNG: 86,86% ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TÁN THÀNH

12/06/2018

Sáng 12/6, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua dự án Luật An ninh mạng. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung làm việc.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày báo cáo

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật An ninh mạng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, tại kỳ họp thứ 5, các ĐBQH đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật An ninh mạng. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo, tổ chức việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương, 43 điều, quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trên cơ sở Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật An ninh mạng, các ĐBQH tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Luật với 466 ĐBQH tham gia biểu quyết, chiếm 95,69%; 423 ĐBQH tán thành, chiếm 86,86%; 15 ĐBQH không tán thành, chiếm 3,08%; 28 ĐBQH không biểu quyết, chiếm 5,75%.

Kết quả biểu quyết thông qua dự thảo Luật An ninh mạng

Về hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, Báo cáo giải trình, tiếp thu cho biết, việc xác lập hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia để áp dụng các biện pháp bảo vệ đặc biệt về an ninh mạng là hết sức cần thiết. Theo Luật An toàn thông tin mạng thì hệ thống thông tin được phân loại thành 5 cấp độ, đặc biệt cấp độ 5 là hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, khi bị phá hoại sẽ làm tổn hại đặc biệt nghiêm trọng tới quốc phòng, an ninh quốc gia. Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia theo Luật này cũng là tập hợp các hệ thống thông tin có thể thuộc 5 cấp độ nêu trên, nên sẽ có sự giao thoa với Danh mục hệ thống thông tin cấp độ 5. Tuy nhiên, nếu xác định hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia chỉ gồm hệ thống thông tin cấp độ 5 là quá hẹp, không bao quát hết các trường hợp, tình huống có nguy cơ gây mất an ninh mạng, không đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; nếu xác định hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia gồm hệ thống thông tin cấp độ 3, 4 và 5 thì lại vừa rộng, vừa hẹp, vì tuy có hệ thống thông tin cấp độ 3, 4 nhưng lại không hội tụ các yếu tố cần thiết được đưa vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; ngược lại có hệ thống thông tin cấp độ 1, 2 nhưng lại cần thiết đưa vào Danh mục này.

Bên cạnh đó, hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia phải chịu sự quản lý nhà nước về an ninh mạng của Bộ Công an và sự quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng của Bộ Thông tin và Truyền thông là theo chức năng, nhiệm vụ của các bộ chủ quản, nên không có sự trùng lặp về nội dung quản lý nhà nước. Tuy nhiên, để tránh gây phiền hà nhiều lần thực hiện, dự thảo Luật đã giao cho Chính phủ quy định cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành chức năng như thể hiện tại khoản 4 Điều 10 dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Các ĐBQH nhấn nút thông qua dự án Luật

Về phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng, Báo cáo chỉ rõ, việc Luật này quy định cả hành vi xâm phạm trật tự an toàn xã hội là cần thiết. Ngoài các hành vi theo quy định của Bộ luật Hình sự, Luật này cũng cần phải quy định các hành vi vi phạm khác ở các mức độ khác nhau để phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh. Việc quy định rõ các thông tin vi phạm tại Điều 15 để người sử dụng không gian mạng nhận biết và phòng tránh, còn cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm điều tra, xác định mức độ, tính chất, hậu quả của hành vi và hình thức, biện pháp xử lý trong trường hợp có vi phạm. Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ nguyên những nội dung trên trong dự thảo Luật; đồng thời, chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng các nội dung trong Chương này để chỉnh lý cho phù hợp hơn và lược bỏ nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết việc xử lý hành vi vi phạm hành chính về an ninh mạng.

Về bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức là “xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số”, còn xây dựng cơ chế xác thực thông tin là trách nhiệm của Bộ Công an; quy định rõ trường cung cấp thông tin tại điểm a khoản 2 là để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng và chỉnh sửa quy định lưu vết thành lưu nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý vi phạm tại điểm b khoản 2 cho rõ ràng, khả thi, tránh lạm dụng trong thực hiện. Các lực lượng này nếu lợi dụng, lạm dụng quyền hạn đã bị nghiêm cấm tại khoản 5 Điều 8, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh và nếu gây thiệt hại phải bồi thường như đã thể hiện tại khoản 7 Điều 4 dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Ngoài một số nội dung cụ thể trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến cụ thể và có sự tiếp thu cho phù hợp; đồng thời, chỉ đạo rà soát, chỉnh lý một số nội dung khác và chỉnh lý kỹ thuật văn bản để bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất và khả thi khi Luật được ban hành./.

Hồ Hương- Nhóm ảnh