Đại biểu Nguyễn Lâm Thành- Lạng Sơn phát biểu tại Hội trường Ảnh: Đình Nam
Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành- Lạng Sơn, cũng giống như quy định quyền tự do kinh doanh thì công dân có quyền tiếp cận những thông tin mà pháp luật không cấm, không hạn chế. Theo tinh thần Nghị quyết của Đảng, Nhà nước gần đây, quyền tiếp cận thông tin được hiểu theo 3 góc độ với những ý nghĩa là quyền tiếp cận thông tin để bảo vệ và thực hiện quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, của mọi người, trách nhiệm của công dân của mọi người đối với xã hội và đối với nhà nước. Đồng thời, quyền tiếp cận thông tin để góp phần thực hành dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền hay còn gọi là quyền tham gia xây dựng nhà nước; quyền tiếp cận thông tin để tham gia phát triển kinh tế- xã hội và được xem như một phần quyền được phát triển.
Với cách tiếp cận đó, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, ngoài việc công dân là người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam thì cần bổ sung thêm đối tượng là người Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt, bổ sung nhóm đối tượng chủ thể là các tổ chức doanh nghiệp bởi đây là nhóm có nhu cầu tiếp cận thông tin công từ phía cơ quan nhà nước để phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh. Đây là những vấn đề mà luật chuyên ngành chưa quy định hoặc quy định chưa đầy đủ, chưa bao quát hết, dễ tạo nên những khoảng trống trong trách nhiệm chia sẻ thông tin.
Đại biểu đề nghị, cần quy định tương ứng với các chủ thể về mức độ tiếp cận thông tin theo từng dạng đối tượng. Đại biểu cũng thống nhất quan điểm với ban soạn thảo là không điều chỉnh việc tiếp cận thông tin trong các lĩnh vực cụ thể mà pháp luật chuyên ngành quy định như thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời tư, bí mật kinh doanh.
Có cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Phương- Cần Thơ phân tích, dự thảo Luật chỉ giới hạn quyền tiếp cận thông tin của công dân đúng theo quy định tại Điều 25 của Hiến pháp mà không bao gồm các chủ thể khác như các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp. Như vậy, trong trường hợp các chủ thể khác như doanh nghiệp hay tổ chức có nhu cầu tiếp cận thông tin thì sẽ không giải quyết được. Đại biểu cho rằng phạm vi điều chỉnh của luật nên mở rộng đến mọi chủ thể, không chỉ giới hạn đối với công dân thì sẽ hợp lý hơn.
Đại biểu Ngô Thị Minh- Quảng Ninh phát biểu về dự án Luật tiếp cận thông tin
Trong khi đó, liên quan đến quyền tiếp cận thông tin của trẻ em đại biểu Ngô Thị Minh- Quảng Ninh cho biết ngoài sự ghi nhận quyền tiếp cận thông tin trong Hiến pháp, hệ thống pháp luật của Việt Nam mới chỉ có Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đề cập trực tiếp tới quyền tiếp cận thông tin của trẻ em. Một số văn bản quy phạm khác có đề cập nhưng chưa thực sự đầy đủ. Để đảm bảo cho các quy định của dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được thực thi thì Luật tiếp cận thông tin cũng cần phải đưa ra các chế định cụ thể để đảm bảo triển khai việc tiếp cận thông tin của công dân nói chung và của trẻ em nói riêng, trên cơ sở các nguyên tắc được ghi nhận tại dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung khoản mới với nội dung “Trẻ em có quyền tiếp cận thông tin cần thiết cho sự sống còn, sự phát triển, cũng như khả năng tham gia một cách có ý nghĩa cho xã hội của trẻ em. Nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm các thông tin cung cấp cho trẻ em phải đầy đủ, kịp thời, dễ tiếp cận và dễ hiểu với mọi trẻ em”.
Về chủ thể cung cấp thông tin, theo đại biểu Đỗ Ngọc Niễn- Bình Thuận, dự thảo luật quy định quyền tiếp cận thông tin của công dân trong phạm vi thông tin của nhà nước và thông tin công quyền là rất hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu quyền tiếp cận thông tin của công dân. Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần mở rộng thêm chủ thể cung cấp thông tin trên cơ sở xem tính hợp lý của quy định cũng như đảm bảo quyền tiếp cận thông tin không bị hạn chế. Bởi có những thông tin do cơ quan, tổ chức nắm giữ có tác động đến quyền con người, quyền và lợi ích cơ bản của công dân, liên quan đến đời sống, sự tồn tại của người dân mà người dân cần phải biết, có quyền được biết.
Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn- Bình Thuận phát biểu về dự án Luật tiếp cận thông tin
Đồng quan điểm về việc cần mở rộng chủ thể cung cấp thông tin, đại biểu Nguyễn Thanh Phương- Cần Thơ cho rằng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 6 của dự thảo Luật về 10 nhóm cơ quan cung cấp thông tin do họ tạo ra và 8 nhóm cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin là vẫn còn thiếu. Đại biểu kiến nghị xem xét, bổ sung tất cả các cơ quan như các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức sự nghiệp dịch vụ công,.. cũng phải có trách nhiệm cung cấp thông tin phù hợp với quá trình hoạt động khi có yêu cầu.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thanh Phương bày tỏ băn khoăn việc giao cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cung cấp thông tin cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp mình tạo ra, thông tin nhận được từ các cơ quan Nhà nước tạo ra và cung cấp có thể vượt quá năng lực của xã, phường hoặc có cơ chế để nâng cao năng lực và điều kiện cơ sở vật chất cho xã, phường không.