Các đại biểu Quốc hội thông qua Bộ luật hình sự (sửa đổi) Ảnh: Đình Nam
Trách nhiệm hình sự của pháp nhân và phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân là nội dung mới trong lần sửa đổi này. Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, nhất là đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về kinh tế và môi trường của pháp nhân và để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Kết quả lấy ý kiến nhân dân và lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội bằng phiếu cho thấy, đa số đều tán thành việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự và phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân như dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Theo đó, Điều 76 của Dự thảo Bộ luật quy định pháp nhân thương mại sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 31 tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự quả lý kinh tế và tội phạm về môi trường.
Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết việc quy định cụ thể các tội danh mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự nhằm bảo đảm tính minh bạch, nhân đạo trong xử lý đối với đối tượng này theo tinh thần của Hiến pháp và Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em; cũng như có tác dụng phòng ngừa tội phạm đối với người chưa thành niên. Đồng thời, dự thảo Luật đã rà soát, bổ sung thêm các tội danh mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự gồm: tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142); Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144); Tội mua bán người (Điều 150); Tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151); Tội tổ chức đua xe trái phép (Điều 265).
Về bỏ hình phạt tử hình ở một số tội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng việc giảm hình phạt tử hình là cần thiết. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh gồm: cướp tài sản; phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh.
Về quy định không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình, dự thảo Luật quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên. Luật cũng quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.
Trước khi thông qua toàn bộ dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), Quốc hội đã thông qua điểm c khoản 3 Điều 40 với quy định "không thi hành án tử hình đối với người bị kết án về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết quy định này là thể hiện tính nhân đạo, chính sách khoan hồng của Nhà nước ta.