Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh-Hòa Bình Ảnh:Đình Nam
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh-Hòa Bình cho biết, theo báo cáo của một số địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ học sinh chỉ đăng ký thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp ở địa phương còn rất lớn. Có nhiều tỉnh chiếm tỷ lệ trên 50%.
Đại biểu cho rằng, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chủ trương về tổ chức kỳ thi quốc gia kết hợp giữa tuyển sinh đại học và trung học phổ thông đã nhận được sự đồng tình của đông đảo nhân dân. Tuy nhiên, cách tổ chức thi theo cụm lại chưa nhận được sự đồng thuận cao của xã hội.
Đại biểu băn khoăn quy định tổ chức thi theo cụm liệu có lấy đi cơ hội vào đại học của các cháu hay không; yêu cầu Bộ trưởng làm rõ tác động của cách tổ chức thi theo cụm đến tỷ lệ học sinh đăng ký thi quốc gia thấp ở các tỉnh miền núi, vùng dân tộc.
Đại biểu cho rằng, với số lượng học sinh miền núi, vùng dân tộc thiểu số đăng ký thi đại học thấp và tỷ lệ đỗ đại học không cao như hiện nay, Bộ có dự định thực hiện những chiến lược nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển đội ngũ trí thức cho vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hay không.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, trong việc đổi mới kỳ thi lần này, Bộ đã quán triệt giáo viên, nhà trường và các cơ quan quản lý giáo dục nhận phần khó khăn về phía mình và tạo thuận lợi tối đa cho học sinh. Cụ thể, giảm số lần đi thi, giảm số lượng bài thi để các cháu có kết quả thi rồi mới cân nhắc lựa chọn vào nhữngn trường mình có khả năng trúng tuyển.
Giải đáp băn khoăn liên quan đến cách thức thi theo cụm, Bộ trưởng cho biết, hiện có 2 loại cụm thi: Một, loại cụm thi dành cho các cháu chỉ có nhu cầu thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ thi tại địa phương. Theo báo cáo của các tỉnh, địa điểm thi sẽ được tổ chức ngay tại huyện. Về cơ bản, các cháu không có gì khó khăn so với trước khi đổi mới kỳ thi này.
Bộ trường Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn các đại biểu Ảnh: Đình Nam
Với các cháu có nhu cầu thi không chỉ tốt nghiệp mà còn đăng ký tuyển sinh vào đại học, trước kỳ thi, các cháu phải di chuyển về Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, những thành phố lớn có trường đại học, hoặc về 4 cụm thi: Nam Bộ ở Cần Thơ, miền Trung ở Quy Nhơn, Bắc Trung Bộ ở Vinh và Hải Phòng. Do đó, các cháu sẽ phải di chuyển rất xa. Còn bây giờ, khoảng cách các cháu phải đi được rút ngắn hơn, bởi vì Bộ đã bố trí địa điểm thi thành 38 cụm. Ví dụ, các cháu không phải về tận Hà Nội, mà có thể chỉ về đến Tuyên Quang, cụm thi gần mình nhất để thi là được.
Bộ trưởng cho biết, thay đổi này không hề làm cho các cháu và gia đình vất vả khó khăn trong đi lại, mà giảm số lần và khoảng cách đi. Nếu trước đây, các cháu phải đi 2 lần, bây giờ chỉ phải đi một lần; nếu trước đây các cháu thi khối A xong lại thi khối B thì lại phải lên tàu đi đến một tỉnh khác thi khối thứ 2 ở trường khác, bây giờ, các cháu chỉ cần đi một lần và thi một lần, như thế không có gì khó khăn, mà còn thuận lợi hơn cho các cháu.
Bộ trưởng cho biết, đối với các cháu ở miền núi, do điều kiện khó khăn và sự thiệt thòi không được hưởng các dịch vụ giáo dục đầy đủ, tốt như các bạn ở vùng thuận lợi, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có những quy định về chế độ ưu tiên: điểm khu vực, rất nhiều các điểm đối tượng khác… đến mức truyền thông có lúc cảnh báo rằng, nếu đưa ra nhiều ưu tiên như vậy thì chỉ với 3, 4 điểm, các cháu cũng có thể đỗ được đại học.
Bộ trưởng cho rằng, việc đào tạo cán bộ cho vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc là một nhiệm vụ chính trị giống như tổng kết về đào tạo học sinh miền Nam trên đất Bắc trước đây.
Bộ trưởng nói thêm, với các cháu chỉ đăng ký để thi tốt nghiệp mà không đăng ký thi lấy kết quả thi xét tuyển đại học thì các cháu vẫn có cơ hội để vào đại học. Bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy chế để các trường đại học có phương án tuyển sinh riêng của mình. Bộ trưởng cho biết, năm nay, đã có trên 150 trường đại học và cao đẳng có phương án để tự chủ tuyển sinh, các cháu hoàn toàn có cơ hội để vào các trường đại học, sau khi các cháu có kết quả đã trúng tốt nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Minh Lâm-Long An Ảnh: Đình Nam
Về cách thức thi theo cụm, đại biểu Nguyễn Minh Lâm-Long An, nhận định rằng, việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học và trung học phổ thông quốc gia năm 2015 sắp tới có nhiều thuận lợi hơn so với trước đây. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, có một số vấn đề phát sinh chưa được đánh giá một cách kỹ lưỡng, nhất là điều kiện về hạ tầng, nơi ăn, chốn ở, sinh hoạt của một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu cho kỳ thi sắp tới.
Đại biểu khẳng định, đây không chỉ là nỗi lo của học sinh, phụ huynh mà còn là gánh nặng của chính quyền địa phương, nơi tổ chức kỳ thi. Bởi vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu rõ những giải pháp để xử lý các vấn đề trên nhằm đảm bảo công tác triển khai kỳ thi tuyển sinh đại học và trung học phổ thông quốc gia năm 2015 đạt kết quả tốt nhất.
Giải đáp thắc mắc này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, việc tổ chức thi theo cụm đã được triển khai 13 năm tại 3 cụm: Cần Thơ, Quy Nhơn và Vinh, cách đây 3 năm, Bộ có cho triển khai thêm cụm thứ tư ở Hải Phòng. Còn năm nay, địa điểm thi đã được rải đều với 38 cụm. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quá trình làm việc với các tỉnh, các địa phương để khảo sát và sau đó có dự kiến đặt điểm, có trao đổi rất kỹ với các đồng chí lãnh đạo ở địa phương về vấn đề này.
Bộ trưởng cho biết thêm, đến thời điểm này, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vào cuộc rất quyết liệt; các sở, ban, ngành đã tham gia vào quá trình này để chủ động bố trí, tạo những điều kiện phục vụ tốt nhất cho các thí sinh; nhiều tổ chức chính trị xã hội đã tham gia vào việc này để sắp xếp các chuyến xe chở các cháu đi lại, cung cấp nhà ở miễn phí; nhiều tổ chức chính trị xã hội khác đã tham gia vào việc hỗ trợ tiền nong để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cháu trong quá trình học.
Qua làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố đặt các điểm thi, Bộ trưởng cho hay, riêng về chỗ ở, chỗ ăn uống cho thí sinh, đến nay tất cả những vấn đề đó đã được lường trước, tính toán và có giải pháp triển khai.
Đại biểu Ma Thị Thúy-Tuyên Quang
Cũng băn khoăn về cách thức thi theo cụm, đại biểu Ma Thị Thúy-Tuyên Quang cho rằng, việc tổ chức cụm thi tại các địa phương có thể tạo ra sự không công bằng về kết quả thi giữa các cụm, không đảm bảo khách quan, công bằng cho tất cả các thí sinh.
Giải đáp băn khoăn này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đưa ra 3 giải pháp chính:
Giải pháp thứ nhất, có quy chế, quy định rõ ràng, cụ thể, chi tiết về những việc phải làm, những việc được làm, những việc không được làm.
Giải pháp thứ hai, một đề thi cần có barem điểm, thang điểm thật chi tiết. Trước đây là 0,4 điểm, năm nay chúng tôi đang dự kiến là xuống 0,8 điểm để cho việc chấm thống nhất với nhau hơn.
Giải pháp thứ ba, các hội đồng thi cũng như Bộ sẽ triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra, phúc tra hoạt động thi cử này một cách kỹ lưỡng. Bộ trưởng nhấn mạnh, hoạt động thanh tra, kiểm tra này không chỉ diễn ra ngay sau kỳ thi hay trong kỳ chấm thi, mà kể cả khi các cháu vào học rồi, quá trình tự kiểm tra, tự thanh tra của nhà trường cũng như thanh tra, phúc tra của Bộ vẫn được tiếp tục để đảm bảo sự công bằng, nhất quán cho các cháu.