Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Văn Minh-TP Hồ Chí Minh đặt câu hỏi: Về vấn đề đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư số 30, bên cạnh mặt tích cực còn những ý kiến trái chiều. Tình trạng khen thưởng cuối năm của học sinh của một số trường đánh giá chặt chẽ, nhưng có những trường rất lỏng lẻo. Bộ trưởng nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Văn Minh -TP Hồ Chí Minh Ảnh: Đình Nam
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, việc chuyển đánh giá học sinh tiểu học bằng kết quả điểm sang việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, kết hợp với đánh giá bằng điểm tại kỳ thi kiểm tra học kỳ và thi cuối năm là một bước chuyển phù hợp với thực tế đang triển khai tại các nước có nền giáo dục phát triển.
Bộ trưởng khẳng định: quá trình này nhằm để thay đổi động lực học của các cháu, từ chỗ học vì điểm số sang chỗ học để hoàn thiện kỹ năng và hình thành phẩm chất của con người trong quá trình phát triển.
Quá trình này đã được Bộ nghiên cứu, tiếp thu các kinh nghiệm quốc tế, với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, cá nhân, chuyên gia quốc tế trong quá trình, đã triển khai thí nghiệm, thực nghiệm trong 3 năm tại trên 1.000 trường. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đồng loạt, bắt đầu từ năm học vừa rồi có xuất hiện một số trục trặc nhỏ.
Vấn đề khen thưởng, có chỗ khen thưởng khắt khe quá, có chỗ khen rộng rãi quá, có ý kiến gia đình không biết điểm số nên không biết kết quả học tập của các cháu. Đó là những trục trặc bước đầu làm chưa quen, chúng tôi sẽ có chấn chỉnh.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết thêm, nhờ việc đánh giá học sinh tiểu học theo phương thức mới này đã khắc phục được: giảm được dạy thêm, học thêm; nắn chỉnh, cân chỉnh lại động lực học tập của các cháu; tránh việc phân loại các cháu, các cháu học yếu hơn các bạn có cảm giác tự ti, dẫn đến chán học và bỏ học, các cháu được điểm giỏi thì chủ quan, nếu duy trì trong quá trình lớn lên sẽ dẫn đến tự mãn, mất động lực.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng khẳng định, Bộ đang tiếp tục lắng nghe, phân tích các kết quả xử lý để có điều chỉnh và tập huấn cho đội ngũ thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở các cấp, làm cho công việc này đồng bộ và giải quyết những vướng mắc đại biểu đã nêu và một số vướng mắc khác chúng tôi đã nắm được tình hình.
Đại biểu Nông Thị Bích Liên-Hà Giang Ành: Đình Nam
Tiếp tục phiên chất vấn, đại biểu Nông Thị Bích Liên-Hà Giang băn khoăn về phương pháp đánh giá mới này sẽ áp dụng như thế nào với những học sinh vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số?
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, thực tế Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thí điểm triển khai Thông tư 30 tại rất nhiều vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Kết quả cho thấy, ở những trường nằm trong vùng càng khó khăn, vùng các cháu học sinh dân tộc thiểu số khi triển khai Thông tư 30 rất dễ dàng và có hiệu quả rất rõ rệt và không gặp phải khó khăn gì, ví dụ như các tỉnh Nghệ An, Tây Nguyên, Tây Bắc…
Chất vấn về vấn đề này, đại biểu Phương Thị Thanh-Bắc Kạn hỏi: Phương pháp mới đã làm giảm áp lực cho học sinh. Nhưng do công tác quản lí của chúng ta chưa thay đổi kịp thời nên còn gây áp lực với giáo viên, có thể dẫn tới tình trạng đánh còn hình thức không?
Bộ trưởng chỉ ra rằng, khi triển khai thông tư 30 thì công việc của giáo viên sẽ có phần nặng hơn trước. Do sĩ số lớp học của nước ta xấp xỉ từ 45-60 học sinh trên một lớp, việc quan tâm đến từng cháu một sẽ làm khối lượng công việc tăng lên rất nhiều. Hơn nữa, đây là những công việc mới mà giáo viên còn nhiều bỡ ngỡ, chưa quen. Ngoài những lí do trên, hiện nay còn tồn tại một số quy định cũ cần hủy bỏ nhưng chưa được triển khai nghiêm túc ở cơ sở, một số thói quen cũ chưa thay đổi kịp.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn các đại biểu Ảnh: Văn Bình
Bộ trưởng có đưa ra ví dụ về quyển số giáo viên, theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo quyển số giáo viên là quyển số tay ghi chép những lưu ý của từng học sinh và những điểm cần trao đổi với phụ huynh… Nhưng trong những năm vừa qua, quyển sổ giáo viên đã trở thành “chứng cứ” để Hiệu trưởng, Phòng Giáo dục và Đào tạo đánh giá và kiểm tra xem giáo viên có làm tốt không. Chính vì vậy, đã gây ra tình trạng lệch lạc về cách làm trong vấn đề này.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục có những chấn chỉnh để giảm thiểu công việc hành chính của giáo viên để giúp các thầy cô tập trung vào công việc chính là hướng dẫn, tư vấn và giảng dạy cho các cháu.