Đại biểu Nguyễn Thanh Phương-TP Cần Thơ cho biết, qua thực tiễn tham gia nghiên cứu khoa học, cũng như qua ghi nhận ý kiến của các nhà khoa học và công tác giám sát, đại biểu nhận thấy việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn thường bị chậm và hạn chế. Theo đại biểu, có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân rất lớn là thiếu các quy định về kinh phí tài trợ cho việc ứng dụng, triển khai nhanh các kết quả nghiên cứu.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương-TP Cần Thơ Ảnh: Đình Nam
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, hiện nay Chính phủ đã có chương trình đổi mới công nghệ quốc gia. Quỹ phát triển công nghệ quốc gia chủ yếu phục vụ cho nghiên cứu cơ bản và phát huy tác dụng rất tốt trong 5 năm vừa qua. Tốc độ công bố các đề tài với quốc tế của Việt Nam đã tăng lên hơn 2 lần trong giai đoạn vừa rồi.
Đối với việc chuyển giao kết quả nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất kinh doanh, Chính phủ ngoài việc có chương trình đổi mới công nghệ quốc gia thì đã có quỹ đổi mới công nghệ quốc gia với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.
Đây là một nguồn lực rất đáng quý của Nhà nước hỗ trợ cho các đề tài, dự án sau khi nghiên cứu thành công, tìm được địa chỉ ứng dụng là doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải lập dự án đầu tư để sản xuất, kinh doanh sản phẩm khoa học đó với sự hỗ trợ của Nhà nước tối đa là 30% tổng kinh phí của dự án, 50% đối với những dự án thực hiện ở những vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn và những vùng trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng.
Bộ trưởng cho rằng, vấn đề ở chỗ là các doanh nghiệp của chúng ta có nguồn lực đủ để đối ứng hay không và có phối hợp thật tốt với các nhà khoa học là tác giả của những sản phẩm nghiên cứu đó hay không?
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Khá-Trà Vinh đề nghị Bộ trưởng cho biết khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay là gì?
Đại biểu Nguyễn Thị Khá-Trà Vinh Ảnh: Văn Bình
Về khó khăn, Bộ trưởng cho rằng do cả cơ chế và nguồn lực. Cơ chế thì đang chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa sang thị trường nên việc giao kinh phí cho các tổ chức khoa học, công nghệ nghiên cứu không được kịp thời, nguồn lực của chúng ta hạn chế.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với trên 7.000 người làm khoa học công nghệ, mỗi năm được giao gần 800 tỷ đồng từ ngân sách khoa học, công nghệ, chi cho thường xuyên mất hơn 400 tỷ, chi cho nghiên cứu chỉ còn hơn 300 tỷ, với 7.000 người và gần 100 viện và trung tâm nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì con số này là rất ít.
Vì thế, Bộ trưởng đề nghị, chúng ta cũng phải chia sẻ với ngành nông nghiệp là các đề tài nghiên cứu vào được với cuộc sống còn rất khó khăn.
Bộ trưởng chia sẻ, các nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay phải chịu thiệt thòi rất lớn, xuất khẩu thì nhiều, doanh thu cũng lớn nhưng các nhà khoa học gần như không có được những bù đắp về công lao động, trí tuệ mà họ đã bỏ ra.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, quan điểm của Bộ NN&PTNT và Bộ Khoa học và Công nghệ thống nhất là chuyển giao công nghệ miễn phí, các nhà khoa học phải chuyển giao vô điều kiện, không được giữ bản quyền một cách cứng nhắc để có thể thu lợi từ kết quả nghiên cứu trong nông nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Quân trả lời chất vấn các đại biểu Ảnh: Đình Nam
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương chất vấn thêm: Bộ trưởng sẽ có những giải pháp gì để khắc phục tình hình, nhằm đẩy nhanh tiến trình ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp để phục vụ cho việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nâng cao chất lượng giá trị nông sản?
Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra giải pháp sử dụng chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và quỹ đổi mới công nghệ quốc gia cùng với một loại chương trình quốc gia khác mà Bộ Khoa học và Công nghệ đang chủ trì như: chương trình nông thôn miền núi; chương trình phát triển tài sản trí tuệ; chương trình nâng cao năng suất chất lượng của sản phẩm, hàng hóa doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020; chương trình sản phẩm quốc gia; chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao. Trong tất cả các chương trình này đều có những hợp phần những nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp để đưa nhanh các kết quả nghiên cứu vào sản xuất.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương cũng có đề cập đến việc huy động đầu tư của khu vực ngoài nhà nước, hiện nay còn rất hạn chế. Trước năm 2010 hầu như các doanh nghiệp của chúng ta không quan tâm đến đầu tư cho khoa học, công nghệ, đây là điểm yếu, kém lớn nhất. Bởi vì, tất cả các quốc gia phát triển và đang phát triển đều đặt mục tiêu là xã hội phải đầu tư cho khoa học, công nghệ nhiều hơn ngân sách nhà nước.
Ngay cả các nước lân cận của chúng ta như Trung Quốc đã đầu tư cho khoa học, công nghệ từ xã hội nhiều gấp hơn 3 lần đầu tư từ ngân sách quốc gia. Hàn Quốc là nước đi đầu với việc đầu tư cho khoa học, công nghệ từ nguồn doanh nghiệp và xã hội gấp 10 lần đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Trong khi chúng ta cho đến thời điểm này, với nỗ lực rất lớn của Chính phủ và quy định của pháp luật, chúng ta mới huy động của nguồn của doanh nghiệp bằng khoảng 80%, 90% nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Như thế chúng ta không đạt được mục tiêu chiến lược phát triển khoa học, công nghệ tới năm 2020 phải có 2%GDP quốc gia cho khoa học, công nghệ, nghĩa là đầu tư của xã hội phải lớn gấp 3 lần đầu tư từ ngân sách nhà nước. Bởi vì 2% tổng chi ngân sách chỉ tương đương 0,5% GDP quốc gia.
Chính vì thế, Luật khoa học và công nghệ khi thảo luận chúng tôi ban đầu rất mong muốn bắt buộc tất cả doanh nghiệp đều phải dành một phần lợi nhuận của họ đầu tư cho khoa học, công nghệ thông qua quỹ phát triển khoa học, công nghệ của doanh nghiệp. Nhưng thảo luận thì cuối cùng Quốc hội chỉ cho phép trước mắt doanh nghiệp nhà nước bắt buộc, doanh nghiệp ngoài nhà nước thì khuyến khích làm như doanh nghiệp nhà nước.
Ngay cả mức sàn chúng tôi cũng đề nghị mức cao hơn mức sàn và mức trần. Nhưng cuối cùng luật chỉ cho phép doanh nghiệp được trích tối thiểu 3% và tối đa 10% thu nhập tính thuế để đầu tư cho khoa học, công nghệ. Mức này chưa đáp ứng được mong muốn của chúng tôi cũng như thông lệ quốc tế. Nhưng nếu chúng ta thực hiện tốt việc này, chúng ta chắc chắn sẽ có nguồn đầu tư gấp 2 lần ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng cho biết, Tập đoàn viễn thông quân đội và Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam là 2 tập đoàn kinh tế gương mẫu trong việc thực hiện quy định này. Năm nay Tập đoàn Viettel dự kiến dành đủ 10% thu nhập tính thuế của họ cho khoa học, công nghệ với mức trên 4000 tỷ đồng. Vấn đề sử dụng hết bao nhiêu, còn bao nhiêu có thể đóng góp cho quỹ của Bộ Quốc phòng hoặc quỹ quốc gia.
Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định, nếu như tất cả các tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty 90, 91 đều làm như vậy chắc chắn chúng ta có nguồn đầu tư cho khoa học công nghệ lớn gấp 2 lần đầu tư từ ngân sách nhà nước. Chúng ta có đủ nguồn kinh phí để cho hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp.
Về đề nghị trích mỗi một kg nông sản thực phẩm xuất khẩu của chúng ta 1 đô la để đầu tư trở lại cho khoa học công nghệ của đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Bộ trưởng cho rằng đây chính là ý kiến của Bộ trưởng từ cách đây nhiều năm. Tuy nhiên, để thực hiện điều này không đơn giản.
Vấn đề là chúng ta phải biến nó thành quy định của pháp luật thì mới có thể thực hiện được, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu có nhận thấy trách nhiệm của mình đối với phát triển khoa học, công nghệ của đất nước với sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của các nhà khoa học hay không.