Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Bộ trưởng cho viết vì sao đến nay Việt Nam chúng ta chưa có thị trường khoa học và công nghệ? Phải chăng cơ chế phân bổ đề tài, phân bổ kinh phí khoa học và công nghệ là một trong những nguyên nhân khiến cho thị trường khoa học và công nghệ chậm ra đời? Bộ trưởng có trách nhiệm và giải pháp gì trong vấn đề này?
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy-Đà Nẵng Ảnh: Đình Nam
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, thị trường khoa học, công nghệ là thị trường phát triển muộn nhất trong các thị trường của nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta biết, các thị trường khác như thị trường vốn, thị trường bất động sản, thị trường tiền tệ, thị trường lao động... đều đã được hình thành và phát triển trong hơn 20 năm qua. Trong khi thị trường khoa học, công nghệ sau năm 2000 chúng ta mới bắt tay vào việc xây dựng, nhưng manh nha của nó đã có từ trước đó, khi chúng ta bước vào thời kỳ đổi mới.
Năm 2004 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về phát triển thị trường khoa học, công nghệ và gần đây nhất năm 204 Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành một quyết định nữa về thúc đẩy phát triển thị trường khoa học, công nghệ.
Thị trường khoa học, công nghệ có 4 yếu tố, trước đây chúng ta chỉ quan tâm đến 2 yếu tố là nguồn cung và nguồn cầu công nghệ. Nguồn cung là sản phẩm của các viện nghiên cứu, các trường đại học, các nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân và nguồn cầu công nghệ, đó chính là hệ thống doanh nghiệp. Còn 2 yếu tố nữa chúng ta chưa quan tâm một cách thỏa đáng, đó là các định chế trung gian và môi trường pháp lý hay môi trường pháp luật của thị trường công nghệ.
Trong những năm gần đây, Bộ khoa học và Công nghệ hết sức nỗ lực trong việc xây dựng thể chế, môi trường pháp lý cho khoa học, công nghệ thông qua việc xây dựng các đạo luật trình Quốc hội và cho đến nay về cơ bản môi trường pháp lý cho thị trường công nghệ đã được hoàn thiện.
Một yếu tố cuối cùng còn rất yếu kém, đó là các định chế trung gian trong thị trường công nghệ, các nhà khoa học không đến được với doanh nghiệp hay kết quả nghiên cứu không đến được với sản xuất kinh doanh.
Các định chế trung gian hay các tổ chức làm dịch vụ trong thị trường khoa học, công nghệ như là các tổ chức môi giới, tư vấn, giám định, đánh giá, định giá, kiểm tra, kiểm định... Không có các tổ chức này, các nhà khoa học không tìm được địa chỉ ứng dụng kết quả của mình, còn các doanh nghiệp của chúng ta vẫn đi tìm nguồn công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân trả lời chất vấn đại biểu Ảnh: Đình Nam
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, chúng ta cần phải đẩy mạnh việc xây dựng các định chế trung gian. Mấy năm vừa qua Bộ đã tập trung vào công việc này, các sàn giao dịch công nghệ ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh đã bắt đầu đi vào hoạt động. Đây là nơi các doanh nghiệp cùng với các nhà khoa học có thể gặp nhau thông qua những tổ chức trung gian là ban quản lý các sàn giao dịch công nghệ.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng tổ chức các chợ công nghệ và thiết bị quốc tế, quốc gia, khu vực và đại biểu Quốc hội có thể cũng đã tham dự các chợ công nghệ thiết bị này, gọi là Techmart. Thông qua những chợ này thì các nhà khoa học và các doanh nghiệp cũng đã ký được rất nhiều hợp đồng để chuyển giao công nghệ và thực tế là đã giúp ích cho rất nhiều doanh nghiệp sử dụng được công nghệ của Việt Nam. Bộ cũng đã tổ chức các sự kiện về kết nối cung cầu ở các địa phương là một dạng khác của sàn giao dịch công nghệ tổ để cho các nhà khoa học giới thiệu kết quả nghiên cứu của mình đối với doanh nghiệp.
Bộ trưởng phân trần, hiện nay do khó khăn về ngân sách và biên chế việc hình thành các tổ chức dịch vụ trung gian trong thị trường công nghệ, công lập thì đang rất khó khăn, trong khi tư nhân chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một quyết định mới để thúc đẩu phát triển thị trường công nghệ và có một chương trình quốc gia để phát triển thị trường công nghệ. Bộ sẽ tìm kiếm các nguồn đầu tư để có thể sớm thành lập các đơn vị, những định chế trung gian trong thị trường công nghệ, hỗ trợ cho nguồn cung và nguồn cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định chắc chắn, việc bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước cho việc hình thành thị trường công nghệ có ảnh hưởng rất lớn. Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề ngân sách nhà nước và biên chế rất khó khăn cho nên rất khó cho nền kinh tế của chúng ta có được những tổ chức dịch vụ trung gian với số lượng đông đảo, phục vụ cho thị trường công nghệ.
Bộ trưởng nhìn nhận, trong 10 năm qua, kể từ khi có Đề án phát triển thị trường công nghệ thì Bộ Khoa học và Công nghệ và cá nhân Bộ trưởng chưa làm được nhiều trong việc thành lập ra những tổ chức trung gian để hoàn thiện bốn khâu của thị trường công nghệ.
Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định: “Trong một vài năm tới chúng tôi sẽ tập trung cho khâu yếu nhất này để thị trường công nghệ sẽ sớm được vận hành một cách hiệu quả”.