Theo Báo cáo số 4874/BCT-KH của Bộ Công thương về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về chất vấn và trả lời chất vấn, đến giữa tháng 5/2015, số doanh nghiệp đầu mối tăng lên 22 doanh nghiệp, trong đó có 8 doanh nghiệp nhà nước, còn lại 14 doanh nghiệp thuộc khu vực doanh nghiệp tư nhân. Hiện nay, việc kinh doanh xăng dầu không còn mang tính độc quyền.
Báo cáo cũng cho biết, tính cạnh tranh ngày càng tăng, hoạt động kinh doanh xăng dầu được công khai, minh bạch để người dân, doanh nghiệp đều có thể khai thác, sử dụng thông tin phục vụ hoạt động nghiên cứu, đồng thời giám sát được việc điều hành kinh doanh xăng dầu của cơ quan quản lý nhà nước, điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp…
Trong công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua, Bộ Công thương và Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ, điều hành giá xăng dầu phù hợp với xu hướng biến động giá xăng dầu thế giới, đáp ứng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
Đảm bảo hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng
Theo đại biểu Nguyễn Văn Hiến-Bà Rịa Vũng Tàu, giá cơ sở là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng, dầu. Giá cơ sở bao gồm nhiều thành tố, trong đó có chi phí định mức hiện nay được quy định là 1.050 đồng/lít xăng và 950 đồng/lít dầu, lợi nhuận định mức 300 đồng/lít. Nếu chi phí định mức tăng thêm 100 đồng/lít thì người tiêu dùng gánh thêm 1.600 tỷ đồng/năm. Lợi nhuận mặc định là 300 đồng/lít thì người tiêu dùng mặc nhiên trả lãi 4.800 tỷ. Cộng hai khoản trên là 6.400 tỷ đồng.
Đại biểu cho rằng, đây là điều mà “dư luận ngã ngửa” mỗi khi các doanh nghiệp xăng, dầu công bố lợi nhuận. Do đó đặt câu hỏi: “Bộ trưởng có nghĩ đó là sự bất hợp lý, là sơ hở cần phải thay đổi để minh bạch hơn, công bằng hơn, để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng?”.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến-Bà Rịa Vũng Tàu Ảnh: Đình Nam
Còn theo đại biểu Vũ Xuân Trường-Nam Định, Bộ Công thương cho biết việc tăng giá xăng dầu từ đầu năm nay do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản do giá dầu trên thị trường thế giới tăng.
Tuy nhiên, từ ngày 5/5 đến 20/5, giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm từ 60,6 USD/thùng xuống 58,72 USD/thùng nhưng tại Việt Nam, giá xăng, dầu A92 lại tăng từ 19.230đ lên 20.340đ/lít. Tương tự tại thời điểm từ ngày 20/02 đến 20/03 cũng như vậy. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng trả lời vấn đề trên.
Đại biểu Vũ Xuân Trường-Nam Định
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, theo quy định trên, nếu giá sản phẩm xăng dầu ở thị trường thế giới (lấy thị trường Singapore làm chuẩn) trong 15 ngày tăng thì sau 15 ngày, đến ngày thứ 16 sẽ điều chỉnh giá bán lẻ trong nước cho phù hợp. Nếu giảm thì sẽ điều chỉnh giảm tương ứng. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, “thời gian qua chúng ta đã làm đúng theo tinh thần này”.
Bổ sung ý kiến của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, giá cơ sở để hình thành giá bán lẻ xăng dầu bao gồm các yếu tố chi phí như: Thứ nhất là giá xăng dầu thế giới bình quân 15 ngày. Các chi phí về bảo hiểm, vận chuyển từ cảng nước ngoài về cảng Việt Nam quy về nhiệt độ thực tế. Thứ hai là thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu. Thứ ba là tỷ giá ngoại tệ. Thứ tư là chi phí kinh doanh định mức bao gồm phí vận chuyển trong nội địa, chi phí khấu hao của doanh nghiệp, chi phí tài chính, chi phí quản lý, chi phí bảo quản, chi phí công cụ, dụng cụ... của doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, ý kiến đại biểu nêu là hai yếu tố đầu vào của doanh nghiệp. Việc điều hành xăng, dầu trong nước được căn cứ trên biến động của các cơ sở mặt hàng xăng dầu. Trong đó, giá xăng dầu thành phẩm thế giới là yếu tố trọng yếu. Ở nước ta, xăng, dầu tiêu thụ trong nước chủ yếu nhập khẩu đến 70%.
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu thực hiện từ tháng 11/2014 đến nay mới được 6 tháng, bên cạnh kết quả bước đầu tương đối tốt thì còn những mặt cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh, trong đó có vấn đề về xác định giá cơ sở, chi phí định mức và lợi nhuận định mức.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng Ảnh: Nam Nguyễn
Bộ trưởng cũng khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu, đồng thời sẽ cùng Bộ Tài chính phát hiện, đề xuất với Chính phủ những bất cập để bổ sung, sửa đổi. Bộ Công thương sẽ chú ý trong việc kết hợp hài hòa giữa lợi ích của nhà nước, lợi ích của người tiêu dùng và lợi ích của doanh nghiệp. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, Bộ Tài chính và Bộ Công thương sẽ phối hợp, rà soát lại chi phí đang khoán cho doanh nghiệp nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Phát biểu về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần tiếp thu ý kiến của đại biểu đồng thời phải rà soát lại các yếu tố đầu vào trong việc quản lý, điều hành giá xăng, dầu.
Nâng hiệu quả Quỹ bình ổn giá và điều hành giá xăng, dầu theo cơ chế thị trường
Bên cạnh nội dung trên, về vấn đề Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, Đại biểu Vũ Xuân Trường-Nam Định cũng cho biết, một số ý kiến cử tri gửi tới Kỳ họp đã đề nghị Bộ Công thương cần đề xuất với Chính phủ xem xét hiệu quả việc lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu bởi nó chưa đáp ứng được vai trò bình ổn giá khi có biến động, chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Từ đó đặt câu hỏi: “Quan điểm của Bộ trưởng về việc này như thế nào? Nếu vẫn tiếp tục duy trì thì Bộ có giải pháp gì để nâng cao hiệu quả sử dụng Quỹ này?”.
Ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong vấn đề điều hành giá xăng, dầu những năm gần đây, tuy nhiên, đại biểu Thân Đức Nam-Đà Nẵng cho rằng, việc kinh doanh xăng, dầu không theo cơ chế thị trường mà Nhà nước vẫn quản lý giá. Điều này không đúng với vận hành của thị trường.
Đại biểu Thân Đức Nam-Đà Nẵng Anh: Đình Nam
Đại biểu đặt câu hỏi: “Giải pháp của Bộ Công thương trong việc tham mưu cho Chính phủ chuyển cơ chế điều hành xăng, dầu như hiện nay sang cơ chế thị trường giống như các nước trong khu vực?” và “Nếu chuyển thì khi nào người tiêu dùng được hưởng lợi và có quyền lựa chọn mua xăng, dầu?”.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, theo đánh giá chung, việc điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP đã từng bước đưa hoạt động nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu đi vào đúng lộ trình giá thị trường và có tính đến yếu tố quản lý nhà nước trong giá thị trường này.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, hiện nay, giá bán xăng, dầu thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước. Theo đó, thương nhân kinh doanh xăng, dầu đầu mối được quy định giá bán xăng, dầu trong biên độ, giới hạn nhất định theo quy trình và nguyên tắc quy định.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Nhà nước thực hiện giám sát, kiểm tra và điều tiết giá xăng, dầu thông qua việc quy định công thức tính giá cơ sở và thời gian tối thiểu giữa 2 lần điều chỉnh giá. Điều này giúp doanh nghiệp có căn cứ tính toán và đăng ký mức giá với cơ quan nhà nước. Giá bán là đầu ra của doanh nghiệp.
Về Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, cùng với cơ chế thị trường, nhà nước đã sử dụng một số công cụ như thuế và Quỹ bình ổn giá xăng, dầu để khi tăng giá cũng bù đắp một phần và không ảnh hưởng nhiều đến người dân. Đây chính là vai trò quản lý của nhà nước trong vấn đề này.