Giá điện không tăng thường xuyên mà theo lộ trình

11/06/2015

Chiều ngày 11/6, tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, giá điện là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, giá điện không tăng một cách thường xuyên mà tăng theo lộ trình và theo nguyên tắc thị trường.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương-Ninh Thuận                                                                                                     Ảnh: Đình Nam

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương-Ninh Thuận cho rằng, lẽ ra việc tăng giá điện phải khiến người dân được lợi, điều này đúng với tất cả các ngành nhưng không đúng với ngành điện. Đại biểu băn khoăn: bao giờ có thể xóa bỏ được độc quyền trong kinh doanh điện?

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, các phương án điều chỉnh giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam được kiểm soát theo quy định; thời gian và mức điều chỉnh được cân nhắc một cách thận trọng, tránh việc điều chỉnh giá điện gây tác động lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Sau các đợt điều chỉnh giá điện, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về nguyên tắc, cơ sở và các căn cứ điều chỉnh giá bán điện.

Theo quy định, Chính phủ cho phép nếu mức điều chỉnh tăng giá dưới 10% thì giao cho Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét còn trên 10% thì mới báo cáo với Chính phủ. Vừa qua, ngành điện đã có đề nghị 3 phương án tăng giá điện 7,5%, 9,5% và 12%. Điện của chúng ta cho đến giờ phút này mới bắt đầu giá bán cao hơn giá thành, trước đây giá bán điện chúng ta duy trì cơ chế bao cấp nên giá thấp. Bắt đầu từ năm 2014 giá bán cao hơn giá thành, tuy nhiên chưa phải là giá thị trường. Giá điện không dám tăng một cách thường xuyên, tăng theo lộ trình và theo nguyên tắc thị trường.

Bộ trưởng chỉ ra rằng, năm 2016 chúng ta sẽ hoàn toàn theo cơ chế giá thị trường. Còn hiện nay giá bán lẻ, cạnh tranh thì có lộ trình và theo lộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012. Đến năm 2016 ngành điện sẽ thực hiện thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh, tức là những hộ tiêu thụ điện lớn có thể trực tiếp mua điện từ các hộ sản xuất điện độc lập. Từ năm 2021, chúng ta sẽ thực hiện bán lẻ điện cạnh tranh, lúc đó hoàn toàn là thị trường và các nhà sản xuất điện có thể tự mình sản xuất, tiêu thụ và người mua điện được tự do lựa chọn những nhà sản xuất điện mà mình thấy phù hợp với khả năng của mình.

Tiếp tục phiên chất vấn về ngành điện, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương-Quảng Bình cho rằng, hiện nay trên các tuyến đường của đô thị, hệ thống cột điện phải đeo tải quá nhiều thứ, công tơ điện, các loại dây điện khác nhau,… không đảm bảo an toàn và gây mất vẻ đẹp của cảnh quan đô thị. Đại biểu đưa ra câu hỏi: Vậy sắp tới Bộ trưởng có giải pháp gì để xử lý?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương-Quảng Bình                                                                                              Ảnh: Đình Nam

Giải đáp thắc mắc này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, các đô thị hệ thống hạ tầng có liên quan đến nhiều ngành, thí dụ như máy cáp viễn thông ngành thông tin, cáp điện lực. Riêng ngành điện đã có chỉ đạo đối với Tập đoàn điện lực Việt Nam phối hợp với các địa phương, huy động mọi nguồn vốn để từng bước ngầm hóa các công trình cáp điện, trước hết ở những đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng… việc này chúng ta mới làm bước đầu tại một số nơi, còn lại thì đúng như tình trạng đại biểu đã nêu. Đây là trách nhiệm chung của các bộ ngành và chính quyền ở các địa phương sẽ đồng bộ hóa tất cả những công trình hạ tầng làm sao đảm bảo theo yêu cầu như đại biểu đã nêu.

Chất vấn về vấn đề điện lưới ra đảo, đại biểu Trần Xuân Hòa-Quảng Ninh hỏi: điện lưới ra đảo đang là một yêu cầu lớn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ chủ quyền của đất nước, vậy kế hoạch giải quyết vấn đề điện ra đảo nói chung và ra đảo Trần, đảo Cái Chiên của Quảng Ninh nói riêng ra sao?

Đại biểu Trần Xuân Hòa-Quảng Ninh                                                                                                                                    

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, trong những năm vừa qua chúng ta đã dành nguồn lực khá đáng kể để phát triển đưa điện lưới ra các huyện đảo. Hiện nay, chúng ta đang xây dựng đường cáp ngầm đưa điện ra đảo Cù Lao Chàm ở Quảng Nam. Riêng đối với đảo Trần và đảo Cái Chiên của Quảng Ninh, theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Bộ Công thương đã thẩm định vào ngày 20/5 đã báo cáo với Chính phủ đề xuất cho 2 dự án này được hưởng cơ chế trong chương trình đưa điện về các vùng chưa có điện ở nông thôn theo Quyết định 2081 của Thủ tướng Chính phủ.

Vì ngân sách hiện nay cũng đang hạn hẹp nên cho phép tỉnh Quảng Ninh có thể ứng vốn hoặc các doanh nghiệp có thể tham gia, sau này ngân sách sẽ hoàn lại chi phí đầu tư đối với dự án đưa điện ra đảo.

An Vy