Giải pháp quan trọng nhất để bảo đảm đầu ra cho nông sản

11/06/2015

Tiếp tục phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Cao Đức Phát sáng 11/6, nhiều đại biểu quan tâm chất vấn về vấn đề giải pháp để tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định, việc tổ chức lại sản xuất, trong đó, đặc biệt là khâu phát triển doanh nghiệp và các hình thức liên kết hợp tác vẫn là giải pháp quan trọng nhất để tìm được đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp.

Trong Báo cáo Trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIII, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chỉ ra rằng, việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản còn gặp nhiều khó khăn là do các nguyên nhân: Khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản còn thấp; Năng lực chế biến và tiêu thụ nông sản của nhiều doanh nghiệp còn chưa cao;Tổ chức sản xuất còn cắt khúc, thiếu sự kết nối chặt chẽ giữa sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm; Khả năng theo dõi, dự báo, thông tin thị trường, hệ thống xúc tiến thương mại, cơ sở hạ tầng và dịch vụ thương mại nông sản còn yếu kém.

Từ những nguyên nhân trên, tại phiên chất vấn, đại biểu Trương Minh Hoàng-Cà Mau đặt ra câu hỏi: đâu là giải pháp cho việc ổn định đầu ra của sản phẩm nông nghiệp, nhất là trong điều kiện Việt Nam đã và đang tiến tới ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương?

Đại biểu Trương Minh Hoàng-Cà Mau                                                                                                          Ảnh: Đình Nam

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé- Kiên Giang đưa ra dẫn chứng: bà con nông dân phản ánh, trồng lúa bán ra thì doanh nghiệp cho rằng xuất khẩu chưa được nên mua giá thấp, trồng khoai lang, dưa hấu, hành tím thì không có nơi tiêu thụ, nuôi tôm, cá bán ra nước ngoài thì bị kiện bán chống phá giá. Từ đó đại biểu đặt ra câu hỏi, Bộ trưởng sẽ làm gì để bà con yên tâm hơn trước thực trạng như hiện nay?

Giải đáp thắc mắc của các đại biểu cũng như cử tri cả nước, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, chúng ta đang bước vào nền kinh tế thị trường. Bản chất của thị trường thế giới cũng như thị trường nông sản nói chung, luôn có sự thay đổi. Để đạt được một sự ổn định tương đối, có nghĩa chúng ta phải làm cho sản xuất của nông nghiệp nước ta bám sát và phản ứng nhanh nhạy với những diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế để luôn đạt được hiệu quả cao nhất.

Tuy nhiên, giải pháp ở trong nước là chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ nông dân để nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản và nhất là lúc thị trường có những biến động bất lợi. Một mặt tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để giúp đỡ cho các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản một cách có hiệu quả, mặt khác hỗ trợ bà con nông dân duy trì được giá không bị giảm quá sâu để rồi thua lỗ và thực hiện được những giải pháp mà có thể giảm thiểu những tổn thất. Trong đó, hỗ trợ cho nông dân vay vốn để vượt qua lúc khó khăn là giải pháp mang lại hiệu quả trên thực tế.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương-Quảng Bình                                                                                                                   

Nhận định nền kinh tế nông nghiệp hiện nay đang nổi lên một số vấn đề về tiêu thụ sản phẩm, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương-Quảng Bình cho rằng phần lớn ngư dân hiện nay tiêu thụ sản phẩm đều phụ thuộc và thương lái. Nhiều ngư dân khó khăn về kinh tế vì trước khi ra khơi phải nợ chi phí đèn dầu, đá ướp. Trong khi đó nhiều tỉnh không có cơ sở sản xuất chế biến, không có chợ cá và không có trung tâm đấu giá để trao đổi hàng hóa đúng giá trị.

Không chỉ khó khăn đối với ngư nghiệp, các mặt hàng cao su, cà phê, hạt tiêu, còn đang rối loạn dẫn đến cung vượt quá cầu, một số lĩnh vực được mùa, rớt giá. Vì thế gây khó khăn và thua lỗ trong sản xuất. Đại biểu đã đề cập đến trách nhiệm của Bộ trưởng khi để xảy ra tình trạng này.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ ra rằng, để giúp đỡ ngư dân gặp khó khăn, tại Nghị định 67, Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 7 năm 2014 đã có một phần chính sách để hỗ trợ ngư dân, đó là cho ngư dân vay vốn để ra khơi sản xuất. Tiếp sau đó, vấn đề tổ chức lại sản xuất, hình thành tổ đội sản xuất, hình thành hệ thống dịch vụ hậu cần và phát triển mạnh hơn hệ thống chế biến, trực tiếp thu mua sản phẩm do ngư dân đưa về bờ là rất quan trọng.

Đối với tình trạng nông sản được mùa mất giá, cung nhiều hơn cầu, Bộ trưởng đã đưa ra giải pháp là: Bộ cũng như chính quyền các cấp và rà soát, quy hoạch để hướng dẫn cho nông dân hướng sản xuất những cây trồng, vật nuôi mà có khả năng cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ tốt hơn.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, trong điều kiện của chúng ta hiện nay, phải phát triển mạnh hai thành phần trong chuỗi giá trị, đó là các hợp tác xã và doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp, chỉ khi chúng ta phát triển theo chuỗi như vậy, với sự gắn kết thì sự tự phát của nông dân có thể được hạn chế, hiệu quả sản xuất sẽ ổn định hơn.

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời chất vấn các                                                                                                            

Cũng trong phiên chất vấn, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp-TP Cần Thơ bày tỏ sự băn khoăn rằng với mô hình nhỏ, lẻ, ứng dụng công nghệ không đồng đều hiện nay thì việc xuất khẩu có thể vào thị trường khó tính các nước được hay không.

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời, trên thực tế hiện nay trừ ngô, đỗ tương và một vài mặt hàng, còn hầu hết các loại nông sản của chúng ta làm ra dư thừa rất nhiều so với nhu cầu trong nước. Do đó, tìm ra thị trường là rất quan trọng đối với sản phẩm nông nghiệp ở nước ta. Vì vậy, phương án đầu tiên là tập trung nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi, bắt đầu tư khâu giống. Bộ đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát trên khắp thế giới, ở đâu có giống tốt sẽ đưa về nước để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính. Sau đó tiếp tục áp dụng khoa học công nghệ và nuôi trồng cũng như chế biến để mang lại hiệu quả.

Bộ trưởng cũng khẳng định lại một lần nữa việc tổ chức lại sản xuất, trong đó, đặc biệt là khâu phát triển doanh nghiệp và các hình thức liên kết hợp tác vẫn là giải pháp quan trọng nhất để tìm được đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp.

Hồ Hương