Vì sao mô hình liên kết 4 nhà chưa thành công?

11/06/2015

Tiếp tục chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng 11/6, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn, Bộ trưởng đã nhận được nhiều câu hỏi từ hơn 30 đại biểu đăng ký chất vấn. Các câu hỏi chủ yếu tập trung vào những vấn đề về giải pháp đầu ra và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, liên kết “bốn nhà” trong việc phát triển bền vững loại cây công nghiệp và các sản phẩm có liên quan. Giải pháp để thực hiện tốt chủ trương liên kết 4 nhà (nhà nông-nhà khoa học-doanh nghiệp-Nhà nước).

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé-Kiên Giang, Nguyễn Văn Tuyết-Bà Rịa Vũng Tàu đều cho rằng, chủ trương liên kết 4 nhà nhằm gắn kết giữa sản xuất với nhu cầu tiêu thụ được xem là hướng đi đúng để phát triển nông nghiệp bền vững. Nhưng thực tế, việc liên kết chưa có nhiều thành công. Thậm chí, một số chuyên gia cho rằng mục tiêu liên kết 4 nhà cho đến nay đã thất bại hoặc bị lãng quên.

Các đại biểu chất vấn: Chủ trương này đã được Chính phủ đề cập hơn 10 năm nhưng đi vào cuộc sống rất chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Bộ trưởng có giải pháp gì để thực hiện tốt hơn chủ trương này.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé-Kiên Giang chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát                                               Ảnh: Đình Nam

Trả lời chất vấn về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ ra rằng, chúng ta đã cố gắng để triển khai thực hiện chủ trương này. Trên thực tế đối với một số loại sản phẩm như bò sữa và mía đường thì việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân được thực hiện khá phổ biến. Nhưng đối với những sản phẩm mà nông dân không nhất thiết phải gắn bó với nhà máy chế biến hoặc là doanh nghiệp tiêu thụ thì sự liên kết có lỏng lẻo hơn.

Bổ trưởng nhấn mạnh, Bộ đã báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 62 về một số chính sách để khuyến khích việc liên kết mạnh mẽ hơn. Trong năm 2014 đã triển khai thực hiện đối với cây lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, có hơn 100 doanh nghiệp liên kết với nông dân trên một diện tích 72 nghìn hecta, nhưng chỉ có 45 nghìn hecta thành công.

Đi sâu vào vấn đề liên kết “4 nhà”, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết tiếp tục đặt câu hỏi: “trong 4 nhà thì nhà nào là nhà trưởng, trụ cột”.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết-Bà Rịa Vũng Tàu                                                                                                                   

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, doanh nghiệp là chính. Vì sao mối liên kết 4 nhà vừa qua chưa thành công? Theo Bộ trưởng, một phần rất quan trọng là doanh nghiệp trong nông nghiệp còn ít và những doanh nghiệp thực sự muốn liên kết có năng lực về tài chính, có kho tàng, có cơ sở chế biến có thể liên kết và thực hiện liên kết thì không nhiều. Hơn nữa, chúng ta còn chưa có nhiều các tổ hợp tác và hợp tác xã để làm trung gian giữa doanh nghiệp và nông dân.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho rằng, sự lãnh đạo, quan tâm của chính quyền các cấp cũng rất quan trọng với việc thành công của liên kết 4 nhà. Từ đó phải thành lập ban chỉ đạo, phải đưa ra những tiêu chí về cánh đồng lớn ở địa phương mình, phải có quy hoạch.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đưa ra giải pháp gì để thực hiện tốt hơn chủ trương liên kết 4 nhà là: ngoài việc tuyên truyền vận động nhân dân thì phải tiếp tục nỗ lực thực hiện những giải pháp đồng bộ để khuyến khích có nhiều hơn các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và có chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện liên kết với nông dân; đồng thời phát triển mạnh mẽ Tổ hợp tác, Hợp tác xã để hỗ trợ nông dân cũng như doanh nghiệp trong mối liên kết này.

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời chất vấn                                                                                                                     

Đại biểu Đỗ Văn Đương-TP. Hồ Chí Minh đặt ra câu hỏi: nguyên nhân chính dẫn đến doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài ít đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là do đâu và theo Bộ trưởng cần có cơ chế, chính sách đột phá thiết thực gì để hấp dẫn các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ cao, công nghệ sạch.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cái khó nhất là đất đai, thiếu diện tích đất. Do đó, nếu chúng ta vận động nhân dân để hỗ trợ với doanh nghiệp thông qua việc hình thành các hợp tác, các liên kết thì doanh nghiệp mới có thế có những vùng nguyên liệu ổn định để sản xuất có hiệu quả.

Hồ Hương