Khoảng 8,5 triệu lượt ý kiến Nhân dân góp ý cho dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)

09/06/2015

Sáng 9/6, theo Báo cáo của Chính phủ, việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) được triển khai rộng rãi từ Trung ương đến địa phương. Với sự tham gia của nhiều đối tượng, tầng lớp trong xã hội, đến ngày 15/5, đã có 100 báo cáo kết quả lấy ý kiến, tương đương khoảng 8,5 triệu lượt góp ý của Nhân dân.

Thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân và tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, ngày 25 tháng 12 năm 2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH13 về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), trong đó giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến.

                                                                                                                                            Ảnh: Nam Nguyễn

Tính đến ngày 15 tháng 5 năm 2015, đã có 100 Báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân của 42 Bộ, ngành Trung ương và 58 báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tương đương khoảng 8,5 triệu lượt ý kiến của Nhân dân tham gia góp ý về dự thảo Bộ luật.

Đối tượng lấy ý kiến đã được trải rộng từ các cơ quan ở Trung ương đến các cơ quan, tổ chức ở địa phương; từ các cơ quan nhà nước đến các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo.

Việc lấy ý kiến có sự tham gia của Lãnh đạo các cấp chính quyền trung ương, địa phương, đại diện đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại diện các cơ quan chuyên môn, tổ chức kinh tế, cán bộ, công chức, viên chức, nhân sĩ, trí thức, đại diện các tầng lớp Nhân dân… và được thực hiện ở nhiều cấp độ khác nhau, phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến.

Việc lấy ý kiến còn được triển khai thực hiện đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Nhân dân tiếp cận, góp ý kiến vào dự thảo Bộ luật như đăng tải toàn văn trên các báo, Cổng thông tin điện tử, tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm... với nhiều hình thức linh hoạt như phỏng vấn chuyên gia, người dân, đăng tải các bài viết, phóng sự chuyên sâu...

Phạm vi và nội dung lấy ý kiến được thực hiện toàn diện, trên toàn bộ nội dung dự thảo Bộ luật từ các quy định chung, quyền sở hữu và các vật quyền khác, nghĩa vụ và hợp đồng, thừa kế, pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đến điều khoản thi hành...

Kết quả lấy ý kiến được tổng hợp một cách đầy đủ, nghiêm túc, khách quan, trung thực. Trên cơ sở kết quả này, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, cơ quan, tổ chức, chuyên gia nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu, chỉnh lý hoặc để giải trình, bảo đảm tính minh bạch, công khai, dân chủ của quá trình lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật.

Cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc lấy ý kiến Nhân dân về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) đã được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc theo đúng yêu cầu về nội dung và tiến độ nêu trong Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Kế hoạch của Chính phủ.

Nhiều ý kiến đóng góp của Nhân dân, các ngành, các cấp đã được tiếp thu chỉnh lý và thể hiện trong dự thảo; những nội dung chưa tiếp thu hoặc còn có ý kiến khác nhau đã được tổng hợp, giải trình.

Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị việc sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ bất cứ một quy định nào trong Bộ luật dân sự (sửa đổi) cũng cần phải được cân nhắc thận trọng, nghiên cứu đầy đủ, kỹ lưỡng, đánh giá tác động xã hội đầy đủ, toàn diện; đồng thời cần giải trình rõ và thuyết phục hơn nữa lý do của việc sửa đổi, bổ sung đối với từng điều, khoản.

+ Theo Chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 9, dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) sẽ được thảo luận ở Tổ vào ngày 10/6 và thảo luận ở Hội trường vào ngày 25/6.

Đức Phương