Các đại biểu Quốc hội đánh giá bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận, thì hoạt động chất lượng tăng trưởng kinh tế thực chất không cao; số doanh nghiệp giải thể và dừng hoạt động vẫn tăng; nhiều doanh nghiệp kinh doanh không có lãi, không có khả năng thanh toán nợ cho các tổ chức tín dụng là nguy cơ tiếp tục tạo ra nợ xấu; cơ cấu xuất siêu chủ yếu là do khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)
Trong năm 2014 đã có những tín hiệu tốt hơn đối với khối doanh nghiệp như: tình hình sản xuất, kinh doanh đã phục hồi và bắt đầu phát triển, các doanh nghiệp mới thành lập tăng so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ở miền núi. Nhiều doanh nghiệp hoạt động có lãi thấp, xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp quy mô “siêu nhỏ”, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể tăng, đề nghị Chính phủ phải làm rõ hơn vấn đề này.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh-Hải Phòng Ảnh: Đình Nam
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Anh Sơn-Nam Định, Trần Ngọc Vinh-Hải Phòng cho rằng, thời gian qua nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi doanh nghiệp nước ngoài. Dù các chính sách của chúng ta đúng nhưng quan trọng hơn là phải biết tự lực tự cường, vực dậy doanh nghiệp nhà nước. Nếu một ngày nào đó, doanh nghiệp FDI rút đi, nền kinh tế của nước ta sẽ xuất hiện những khoảng trống sa mạc, bê tông hóa do các doanh nghiệp nước ngoài rời đi tạo ra.
Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần phải lưu tâm giải quyết chống chuyển giá và chống thất thu nhiều loại thuế cũng như có những biện pháp, chính sách cụ thể để tạo ra cơ chế cho các doanh nghiệp trong nước có thể phục hồi sản xuất và phát triển.
Đại biểu Phan Văn Quý-Nghệ An
Nhìn nhận một cách tổng thể giải pháp cho tăng trưởng kinh tế thời gian tới, đại biểu Phan Văn Quý-Nghệ An cho rằng giải pháp chủ yếu của những tháng còn lại của năm 2015 là cần tăng cường xây dựng lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân thông qua đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh và phân tầng doanh nghiệp, có cơ chế phù hợp cho từng loại hình doanh nghiệp.
Theo đại biểu, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân tiếp cận đầy đủ thông tin về các hiệp định, thông tin và cần khuyến khích lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân; cần hoàn thiện hệ thống giá theo cơ chế giá thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước; cũng như rà soát các luật liên quan để sửa đổi có cơ chế đồng bộ nhằm tháo gỡ nút thắt tín dụng về cho vay, tín chấp.
Đại biểu Nguyễn Cao Sơn-Hòa Bình
Đại biểu Nguyễn Cao Sơn-Hòa Bình, đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá cụ thể hơn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để từ đó có giải pháp chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện ổn định các chính sách tiền lương, tiền bảo hiểm, tiền thuê đất, tiền đền bù giải phóng mặt bằng, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước yên tâm, tiếp tục đầu tư lâu dài.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ bố trí kế hoạch vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020, hỗ trợ cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, có cơ chế liên kết kinh tế vùng cho nông nghiệp, chính sách ưu tiên tiền thuê đất cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thực hiện xã hội hóa tối đa đầu tư xây dựng các khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.