Cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ, đa số các ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với nội dung của báo cáo đã phản ánh chân thực, toàn diện nền kinh tế nước ta năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, làm rõ những mặt được, hạn chế và các nguyên nhân, phân tích toàn diện các lĩnh vực, phản ánh được kết quả thực hiện mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa-Đà Nẵng Ảnh: Đình Nam
Đại biểu Huỳnh Nghĩa-Đà Nẵng nhận định, điểm nổi bật của tình hình kinh tế - xã hội nước ta từ Kỳ họp thứ 8 đến nay là sự phục hồi kinh tế đáng kể, môi trường đầu tư có những chuyển biến tích cực. Kết quả khả quan trên nhờ sự nỗ lực rất lớn của nhân dân, của hệ thống chính trị, đặc biệt sự chỉ đạo, điều hành năng động, tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có sự giám sát đầy trách nhiệm của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Tuy nhiên, đại biểu cũng nhận định khi kinh tế đang ngày càng hội nhập sâu, thời cơ và thách thức mới càng trở nên quyết liệt, chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, phân tích và mổ xẻ đúng thực chất của sự phục hồi này, đặc biệt những mất cân đối lớn của nền kinh tế đang có dấu hiệu cần phải nghiêm túc đánh giá.
Thảo luận tại hội trường nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, tình trạng “được mùa, mất giá” vẫn tiếp diễn. Đặc biệt, đầu năm nay, giá một số mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam đã giảm mạnh, tác động không nhỏ đến đời sống xã hội. Đại biểu Hà Sỹ Đồng-Quảng Trị, Lê Thị Công - Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, tình hình sản xuất kinh doanh ngành nông nghiệp giảm mạnh, nông lâm thủy sản giảm so với cùng kỳ, chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế bất cập.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng-Quảng Trị
Nhiều mặt hàng nông sản đang mất giá, mất thị trường do xu thế cạnh tranh khốc liệt như mặt hàng gạo có thêm đối thủ cạnh tranh như Campuchia, Lào, Bangladesh; mặt hàng thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, vải thiều, dưa hấu, hành tím, muối… thời gian qua vẫn đang chật vật tìm đầu ra.
Bổ sung thêm ý kiến về nội dung này, đại biểu Đỗ Văn Đương-TP.Hồ Chí Minh nhấn mạnh, “chúng ta cứ sản xuất, trồng trọt nhiều nhưng thiếu thị trường tiêu thụ dẫn đến tình trạng dư thừa nông sản, không biết bán cho ai. Nếu có thị trường tiêu thụ nhưng chất lượng hàng hóa thấp thì cũng không giải quyết được vấn đề ế ẩm. Chúng ta đã quá đau đớn với bài học nông dân làm theo phong trào để rồi bán nhà cửa để trả nợ. Khi thì dưa hấu, hành tím, giờ là đến cây mắc ca mà nhiều người nuôi giấc mộng đổi đời. Liệu cây mắc ca có chung cảnh ngộ với dưa hấu và hành tím. Đó là hậu quả của tâm lý ăn xổi”
Các đại biểu Hà Sỹ Đồng-Quảng Trị, Nguyễn Thị Kim Bé-Kiên Giang nhận xét, tái cơ cấu trong những năm qua, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, vẫn còn mờ nhạt, chưa có chuyển biến mạnh; đề án tái cơ cấu nông nghiệp vẫn còn loay hoay nên người nông dân vẫn còn đau đầu với trồng cây gì, nuôi con gì để có thể tiêu thụ. Do đó, sản xuất nông nghiệp hiện còn mang tính tự phát, chưa liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị, cạnh tranh yếu, kinh doanh thấp.
Để giải bài toán này, các đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương và các địa phương cần quan tâm mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông dân, hợp tác mạnh với các nước có công nghệ cao để hướng tới phát triển nền nông nghiệp xanh, sạch, đổi mới khâu quản lý, điều hành, quy hoạch, tránh đầu tư tràn lan nhưng không gắn với thị trường dẫn đến khủng hoảng thừa.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo-Vĩnh Phúc
Theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết-An Giang, Nguyễn Ngọc Bảo-Vĩnh Phúc, cần phải sớm hình thành được cơ chế phối hợp trong tái cơ cấu nông nghiệp và dịch vụ. Trong đó, tái cơ cấu nông nghiệp quan trọng nhất là đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, chinh phục thị trường. Chính phủ nên thành lập tổ công tác liên bộ để giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt, quan tâm đến các địa phương đang thực hiện tốt việc tái cơ cấu nông nghiệp để nhân rộng mô hình.